Thế giới sắp thấy 'vũ khí chiến lược mới' của Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 1-1 tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và mau chóng trình làng loại vũ khí chiến lược mới sau khi Mỹ bỏ lỡ hạn chót để nối lại đàm phán.
"Không còn lý do gì để chúng tôi đơn phương giữ cam kết nữa. Thế giới sẽ chứng kiến loại vũ khí chiến lược mới mà Triều Tiên sắp sở hữu trong tương lai gần" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của ông Kim bài phát biểu năm mới 2020.
Trong bài phát biểu, ông Kim cáo buộc Mỹ cố tình trì hoãn vì lợi ích chính trị riêng trong cuộc đàm phán phi hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng đàm phán như đã phát biểu trong phiên họp Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên rằng mức độ gia tăng năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào thái độ của Mỹ trong tương lai.
Lãnh đạo Triều Tiên nói: "Chúng tôi sẽ đạt năng lực răn đe hạt nhân uy lực trong tình trạng cảnh giác thường trực để có thể kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và đảm bảo an ninh lâu dài".
Ông Kim từng tuyên bố Triều Tiên không cần phải thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nữa sau thượng đỉnh Mỹ - Triều với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, tuyên bố trong ngày đầu năm mới của lãnh đạo Kim đặt ra mối đe dọa có thể làm phá sản chính sách ngoại giao hạt nhân trong 2 năm qua với Mỹ.
Trước đó, Triều Tiên đe dọa chọn "con đường mới" nếu Mỹ không đưa ra đề xuất có thể chấp nhận được trước cuối năm. Điều này gây nên quan ngại Triều Tiên sẽ chấm dứt nỗ lực ngoại giao để theo đuổi các hành động cứng rắn.
Bình Nhưỡng còn tuyên bố Washington có quyền chọn món quà Giáng sinh mà nước này muốn, gây nên đồn đoán nước này có thể sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hay thử hạt nhân nếu Mỹ không đưa ra đề xuất mới. Tuy Giáng sinh đã qua mà không có "món quà" nào nhưng giới chức Mỹ vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Chuyên gia Harry Kazianis, đến từ Trung tâm Nghiên cứu lợi ích quốc gia tại Washington, cho rằng ông Kim dường như đang đánh cuộc khi đưa ra lời đe dọa về khả năng hạt nhân với mong muốn buộc Mỹ nhượng bộ nhiều hơn.