Thế giới sẽ không như trước nữa
Bão COVID-19, không nghi ngờ gì nữa, sẽ sắp xếp lại hình thái địa chính trị trên toàn cầu, không chỉ với cái nghĩa là những đường biên giới cứng, mà cả những con số thống kê về tiềm lực kinh tế hay quân sự của quốc gia. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân loại phải đối mặt với một thách thức cực kỳ nghiệt ngã, làm hiển hiện những giá trị nhân văn và hiện hình những tham vọng giả trá...
Một cuộc chiến khác
Thế giới sẽ không thể như trước nữa sau đại dịch COVID-19! Như sau Thế chiến 2. Như sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở nước Mỹ.
Nhưng, COVID-19 là một cuộc chiến khác. Không tiếng súng, không biên giới, không thủ lĩnh. Với sức phá hủy tàn khốc. Đồng minh đắc lực của nó là sự chủ quan, thiếu hiểu biết và phản ứng chậm trễ của con người. Chiến trường của nó có thể là bất cứ đâu. Từ Vũ Hán (Trung Quốc) nó lan rộng ra khắp toàn cầu với quy mô và sức sát thương khủng khiếp. Paris, London, New York, những thành phố hoa lệ, biểu tượng của văn minh, sự hào nhoáng và giàu có trở thành chiến trường, với thương vong chỉ thuộc về một bên.
Gần như không có một quốc gia nào trên thế giới được miễn nhiễm tham gia cuộc chiến không hề mong muốn này. Lớn hơn cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai về số nước tham chiến, quy mô thương vong của nó có thể ít hơn nhưng gây rúng động và hoang mang bởi kẻ thù ở đây là vô hình và con người chưa có vũ khí nào thực sự hiệu quả để chống lại chúng ngoài sự kiên nhẫn. Và cách ly.
Phá hủy các giá trị
SARS-CoV-2 khiến thế giới không thể như trước khi nó xuất hiện được nữa bởi nó buộc con người phải suy nghĩ khác trước. Trong cái thế giới mênh mông này, khi mà con người kiêu ngạo tự cho rằng với những thành tựu công nghệ vượt trội, với trí tuệ nhân tạo và hàng núi tiền trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia, có thể hoàn toàn làm chủ tự nhiên, thì SARS-CoV-2 đã chứng tỏ rằng còn người chỉ là một sinh vật mỏng manh, dễ bị tổn thương đến thế nào.
Nhân loại mất mấy chục năm mới tạo dựng được một hệ thống thông thương ở mức độ toàn cầu để đảm bảo rằng hàng hóa được cung cấp, tiền bạc được lưu thông, những thành tựu phát triển kinh tế được chia sẻ. Chỉ trong vài tuần lễ, bằng sự hiện diện hầu như vô hình của mình, COVID-19 phá hủy tất cả. Hầu hết các quốc gia đều phải dựng lên những bức tường thành tự bao vây chính mình: đóng cửa biên giới, ngừng cấp visa, phong tỏa mọi đường giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ. Từ ngữ phổ biến nhất là “cách ly”.
Những “giá trị” lớn nhất của châu Âu, của Mỹ là thông thương biên giới, đi lại tự do bỗng chốc trở nên yếu ớt trước lựa chọn sinh tử: cách ly để sống sót hay tiếp tục duy trì như cũ để phải chịu thảm trạng nhân đạo với cái giá là hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng.
Cứu cánh, ơn giời vẫn còn có cứu cánh trong tình trạng cách ly cá nhân và cách ly quốc gia, là mạng điện toán toàn cầu Internet. Đấy có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất, là niềm hy vọng khả dĩ nhất của con người trong cơn bão COVID-19 ngày nay, so với tiền nhân của họ đã từng trải qua những cơn bão kinh hoàng hàng trăm năm trước như “Cái chết đen” trong thế kỷ XIV hay “cúm Tây Ban Nha” năm 1918.
Trong hang
Xét trên phương diện mỗi cá nhân, COVID-19 cũng làm thay đổi đến tận gốc rễ những suy nghĩ mà lâu nay đa số vẫn coi là điều hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi. Như quyền tự do đi lại; quyền mang mặc trên người những quần áo, phụ kiện; như những biểu hiện của tình thân giữa người với người: một cái bắt tay, một vòng tay ôm siết.
COVID-19 làm thay đổi tất cả. Mỗi người phải tự dựng lên bức tường thành của chính mình với thế giới xung quanh bằng chiếc khẩu trang đeo trên mặt. Để phụng sự niềm tin giáo lý, hàng tỷ tín đồ trên thế giới đã tham dự lễ cầu nguyện ở nhà bằng trái tim và tâm hồn ngay thẳng trong không gian thánh online.
Mô hình tính toán của các nhà khoa học Phần Lan chỉ ra rằng cơn ho của một người đi mua hàng có thể tạo ra một cơn bão nhỏ bụi khí trong không gian kín của siêu thị. Khi ấy, những người đi vào vùng ảnh hưởng của cơn bão bụi khí ấy dễ dàng trở thành một nạn nhân phải thở máy ít ngày sau. COVID-19 đặt con người trước lằn ranh sinh tử: hoặc trở thành nạn nhân, thành nguồn gieo rắc rủi ro sống chết cho người thân, bạn bè; hoặc an toàn để sống sót.
Điều trớ trêu là lẽ ra, trước nguy cơ của một thảm họa đang đến gần, con người hoặc chạy thật nhanh để trốn tránh, hoặc tụ họp lại để nhân lên sức mạnh chống lại mối đe dọa, thì giờ đây, bất động là cách hiệu quả để giảm nguy cơ, chống lại thảm họa. “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào ở nguyên chỗ đó!” - dòng hashtag này lan tràn trên khắp các trang mạng xã hội như một lời hiệu triệu. Ít nhất hơn một nửa dân số thế giới, ước tính vào khoảng 4 tỷ người, được khuyến nghị “Hãy ở yên trong nhà” nếu muốn thắng cuộc chiến này.
Làm một người yêu nước trong đại dịch COVID-19 dễ mà khó: nếu ở yên trong nhà, bạn là người yêu nước; khi bạn không chịu nổi sự cô đơn trong bốn bức tường và băng ra ngoài đường, rất có thể bạn sẽ thành một nạn nhân hoặc là một “sát thủ” tiềm năng gieo rắc rủi ro chết người cho cộng đồng.
Nhiều năm trước, một nhà xã hội học khái quát hóa hình ảnh về con người hiện đại cô đơn trú ẩn trong hang là ngôi nhà của mình với bộ điều khiển (TV) và một chiếc tủ lạnh chứa đầy thực phẩm. COVID-19 bắt buộc nhiều người trở lại cuộc sống ấy, khác chăng là có thêm Facebook, Twitter và Netflix.
Trong chiếc hang trú ẩn của thời hiện đại ấy, nhiều người nói về những điều mới mẻ mà COVID-19 đã mang lại: sống chậm; khám phá ra những giá trị xưa cũ như trái đất: tình thân, sự chăm lo lẫn nhau giữa ông bà, cha mẹ, con cái, những điều mà khi chưa có con virus quái ác kia xuất hiện, đã chìm lấp đâu đó trong tốc độ sống điên rồ hằng ngày.
Là một tác nhân chết người, bão COVID-19, xét trên khía cạnh nào đó, buộc con người sống người hơn, biết chăm lo cho bản thân, yêu quý những giờ phút bên người thân trong gia đình, biết nuối tiếc và nhận chân giá trị những khoảnh khắc đẹp đẽ khi chưa phải trú ngụ trong hang mà tự do lặng ngắm một cánh hoa nở muộn hay đón ánh mặt trời lên. Khi con người quay về với bản thể, thế giới thay đổi theo.
Tấm giấy quỳ hiện hình
Bill Gates không chỉ là một người rất giàu mà còn là một người cực kỳ thông minh, một nhà tiên tri đại tài (có thể vì có được cái khả năng ấy mà ông trở nên giàu có?). 5 năm trước khi có COVID-19, ông đã tiên tri rằng không phải vũ khí hạt nhân mà chính một dịch bệnh mới là đại họa có khả năng giết chết tới 10 triệu người trong một thời gian ngắn ngủi. Không dừng lại ở lời tiên tri chết chóc ấy, Bill Gates đã kêu gọi thế giới hãy tập trung nhân tài, vật lực, đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế để chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với một đại dịch có thể tới.
Nhưng, có vẻ như thế giới đã không lắng nghe những gì Bill Gates nói, hoặc nếu có nghe thì chưa hành động đủ để đối phó với hiểm họa nhà tỷ phú đã cảnh báo. Dịch bệnh COVID-19 làm bộc lộ cái thực trạng mong manh của hệ thống chăm sóc y tế ở ngay cả những quốc gia được cho là giàu có, phát triển nhất thế giới.
Bị COVID-19 tấn công mãnh liệt, nhiều hệ thống chăm sóc y tế đã sụp đổ, theo ngôn ngữ của mạng là “toang”. Những con số tử vong tăng lên hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Tình trạng thiếu thốn vật tư y tế và phương thức chữa bệnh do COVID-19 bi thảm đến mức một nhà sinh học Tây Ban Nha phải so sánh (có phần ngụy biện) tiền lương của bác sĩ với những cầu thủ siêu sao như Messi hay Ronaldo rồi kết luận rằng “hãy đến hỏi Ronaldo với Messi mà tìm thuốc chữa bệnh!”.
Ronaldo hay Messi có đủ tài để hàng tỷ người khóc cười theo họ thì cứ việc lĩnh lương triệu đô nhưng quả thật COVID-19 đã làm bộc lộ sự bất bình đẳng ghê gớm trong chế độ đãi ngộ cũng như đầu tư cho các chương trình phòng dịch ở ngay các nước phát triển. Các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, ngoài sự cổ vũ bằng những tràng vỗ tay trên ban công, còn cần những bộ đồ bảo hộ an toàn, chắc chắn.
COVID-19 cũng làm bộc lộ ra những lớp vỏ ngụy trang lâu nay vẫn bao phủ lên những quốc gia được coi hay có tham vọng dẫn dắt nền chính trị thế giới. Đấy là chuyện hớt tay trên ngay tại sân bay những lô hàng khẩu trang với giá cao. Là chuyện nhanh chóng sản xuất những sản phẩm, thiết bị chất lượng đáng ngờ rồi xuất khẩu sang những quốc gia đang oằn mình chống dịch để trục lợi, là đòi đánh đổi những khoản viện trợ y tế nhân đạo lấy những lợi ích kinh tế, chính trị.
Và làm sao có thể trở thành một biểu tượng của cường quốc dẫn dắt khi mà tranh thủ lúc đại dịch đang ở mức khủng hoảng, lại thực hiện những hành vi gây hấn bất nhân nhằm khẳng định chủ quyền vô lý với các nước láng giềng? Những hành vi “tát nước theo mưa”, “đắm đò giặt mẹt” như thế không những không mang lại chút lợi thế nào cho tham vọng bá quyền mà còn khiến cho thế giới phẫn nộ và thêm cảnh giác.
“Quyền lực mềm” là thứ không phải chỉ bằng những lời nói hoa mĩ có thể tự nhiên mà giành được. Đại dịch hiểm nghèo COVID-19 như tấm giấy quỳ làm hiện ra các giá trị nhân văn và hiện hình những tham vọng giả trá.
Thế giới sau đại dịch COVID-19, vì thế, chắc chắn sẽ không còn như trước nữa!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/the-gioi-se-khong-nhu-truoc-nua-593205/