Thế giới sẽ thế nào nếu Stalin chấp nhận sáp nhập Trung Quốc vào Liên Xô theo yêu cầu của Mao?
Có giả thuyết rằng, người đứng đầu Trung Quốc đã đề nghị 'lãnh tụ các dân tộc' sáp nhập đất nước của ông vào thành phần Liên Xô. Lịch sử thế giới sẽ ra sao, nếu như Stalin đón nhận 'người cầm lái vĩ đại'?
Tháng 12/1949 lãnh tụ Trung Quốc có chuyến thăm dài ngày đến Moscow. Ông tới Liên Xô dự lễ sinh nhật lần thứ 70 của Iosif Stalin.
Những người Bolshevik, từ lâu đã xem Trung Quốc là một trong những lò lửa cách mạng thế giới tiềm năng. “Những người phu Trung Quốc” – “người em” của vô sản Nga - đã chiếm vị trí quan trọng trong tuyên truyền của Liên Xô thời trước chiến tranh. Những người cộng sản Trung Quốc thực sự định hướng theo Liên Xô. Trong những năm 1931-1934, ở miền Nam Trung Quốc đã tồn tại nước Cộng hòa xô viết Trung Hoa.
Còn trong những năm 1937-1947 khu vực Xô Viết Thiểm Tây - Cam Túc - Ninh Hạ thuộc tỉnh Diên An là trung tâm ảnh hưởng của Đảng cộng sản. Cho nên những bất đồng tư tưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc cộng sản trong những năm 1950 đã không tồn tại. Stalin đã có kinh nghiệm sáp nhập vào Liên Xô những nước cộng hòa mới: trong năm 1940 ông đã sáp nhập ngay một lúc ba quốc gia Baltic, tiến hành bầu cử ở những nước đó. Trong trường hợp với Trung Quốc, không đòi hỏi, thậm chí, phải triển khai quân đội Liên Xô.
Về phương diện kinh tế, cũng sẽ không có thay đổi gì lớn. Thực tế ở Trung Quốc vào những năm đầu tồn tại của mình và những thực tiễn xô viết đã được vun trồng, những chuyên gia Nga đã giúp đỡ các đồng chí châu Á vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, “sự kết hợp của những người khổng lồ” có lẽ sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực.
Sự xuất hiện trên bản đồ thế giới quốc gia cộng sản duy nhất với dân số đến cả tỉ người đã buộc các nước phương Tây bắt đầu lên tiếng về “sự xâm lược Xô Viết”. Vào cuối thời Stalin, chiến tranh lạnh đã đe dọa phát triển thành “nóng”. Việc có lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô, nếu như không là tín hiệu cho cuộc ném bom hạt nhân nhanh chóng, thì cũng sẽ tiến gần nhất đến việc khởi đầu Thế chiến thứ ba.
Ý đồ liên kết không đáp ứng những lợi ích của giới tinh hoa lãnh đạo Liên Xô. Ở Moscow, các nhóm đảng Nga và Ucraina có ảnh hưởng hơn cả. Đảng Ucraina trong năm 1953 thậm chí đã chiếm ưu thế (cả Khrushchev, cả Brezhnev đều là người Ucraina) nhưng điều đó không gây nên sự phản đối của dân chúng, bởi sự khác nhau giữa các dân tộc Slav không nhiều.
Mao Trạch Đông cả đời chỉ ra nước ngoài có hai lần và cả 2 lần đều đến Liên Xô. Trong đó, lần đầu tiên là vào tháng 12/1949, Mao Trạch Đông gặp Stalin ký “Hiệp ước Hữu hảo đồng minh hỗ trợ Trung Quốc-Liên Xô”.
Trong điều kiện sáp nhập Trung Quốc sau cái chết của Stalin, người có tham vọng đầu tiên nhằm vào “ngai vàng’ của ông sẽ là Mao Trạch Đông trẻ trung, đầy tự tôn. Chắc gì Đảng cộng sản Nga có thể chống lại được điều này. Lịch sử đang cho thấy rằng một phần đất nước không đủ sức duy trì việc kiểm soát đối với phần đông hơn kia. Trong trường hợp xấu nhất, các sự kiện ở Liên Xô sẽ bị phát triển theo kịch bản Pakistan. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đất nước Pakixtan giới tinh hoa nói tiếng Urdu của Islamabad đã muốn bằng mọi cách không cho các đại diện của Bengali phía Đông với số lượng lớn hơn lên nắm quyền lực. Xung đột nội bộ đã gia tăng thành nội chiến và tách Bangladesh trong năm 1971.
Sẽ xảy ra cái gì đó tương tự giữa người Slav và người Trung Quốc ở Liên Xô, và có thể, sự việc sẽ kết thúc với ưu thế tuyệt đối của Trung Quốc.
Thậm chí, nếu như không xảy ra xung đột, các thành phố lớn của Liên Xô, trước hết ở Siberia và Kazakhstan sẽ dần trở thành các trung tâm thu hút giới trẻ Trung Quốc. Tính đến quá trình phát triển nhân khẩu học nửa sau thế kỷ XX, sẽ diễn ra sự đồng hóa không phải của người Nga đối với người Trung Quốc, mà là người Trung Quốc đồng hóa người Nga.
Dù điều đó có dẫn đến hậu quả thế nào, ngày nay có thể thấy, ví dụ, làng dân tộc Nga-Enhe ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Những người lai Xô - Trung sống ở đây thường đi dự lễ Phục sinh ở các nhà thờ chính thống giáo. Vào những ngày lễ, các cô gái đội vương miện trên đầu và hát những bài dân ca Nga, nhưng trong cuộc sống họ nói tiếng Trung và trông giống người Trung Quốc.
Có lẽ, Stalin đã nhận thức rất rõ những nguy cơ giả định này. Bởi vậy, ông đã từ chối lời đề nghị của Mao Chủ tịch, khi cho rằng Liên Xô cần Trung Quốc trong vai trò đồng minh, chứ không phải trong vai trò nước cộng hòa liên bang.