Thế giới thận trọng với việc nới lỏng giãn cách xã hội

Theo Reuters và TTXVN, tính đến ngày 13-5, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 4.355.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 293 nghìn ca tử vong và hơn 1,6 triệu ca hồi phục. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 1,4 triệu ca mắc và khoảng 83,5 nghìn ca tử vong. Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đề xuất dự luật giảm tới mức thấp nhất tác động của đại dịch Covid-19 trị giá hơn ba tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình.

* Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo, Mỹ la-tinh có thể trở thành “điểm nóng” Covid-19 tiếp theo do sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch đang trở nên đáng quan ngại tại các nước như Brazil, Peru, Ecuador, Chile và Mexico, với số ca mắc và tử vong tăng mạnh theo từng ngày.

* Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá, sự bất bình đẳng xã hội đối với phụ nữ, người bản địa, người gốc Phi và người di cư sẽ khiến họ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch. CEPAL dự báo, GDP của Mỹ la-tinh sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay, dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất ở khu vực trong nhiều thập kỷ.

* Cơ quan y tế Mexico cho biết, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này cao nhất châu Mỹ, với 10,2%, là do hơn 70% dân số Mexico có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì. Chính phủ Mexico vẫn giữ kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch từ ngày 17-5 tới.

* Áo và Đức có kế hoạch mở cửa biên giới giữa hai nước vào ngày 15-6 tới. Hiện giới chức hai nước đều khẳng định đã kiểm soát được dịch Covid-19 và nằm trong số những nước đầu tiên tại châu Âu bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hoạt động.

* Đức và Estonia trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó kêu gọi tạm ngừng các cuộc xung đột trên thế giới giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nghị quyết này nhằm thay thế dự thảo nghị quyết do Pháp và Tunisia đề xuất nhưng đã bị Mỹ phủ quyết.

* Trong phiên điều trần trước Hạ viện Pháp chiều 12-5, ông J.Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa quốc gia, cảnh báo, Chính phủ Pháp chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa. Nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, Chính phủ Pháp sẽ không đợi đến ngày 2-6, ngày bắt đầu giai đoạn hai của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa, mới phản ứng.

* Ai-xơ-len, quốc gia kiềm chế thành công dịch Covid-19 cho biết, sẽ yêu cầu tất cả những người đến nước này phải xét nghiệm nhằm tránh cách ly 14 ngày. Theo đó, tất cả những người hạ cánh xuống sân bay quốc tế duy nhất của Iceland, muộn nhất là từ ngày 15-6, sẽ phải thực hiện xét nghiệm.

* Chính quyền thành phố Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại, nhằm ngăn chặn dịch bùng phát lại, sau khi địa phương này ghi nhận sáu trường hợp mới mắc Covid-19. Là thành phố lớn thứ hai thuộc tỉnh Cát Lâm, đây được xem là nơi khởi phát nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới.

* Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) tiến hành lắp đặt các phòng xét nghiệm Covid-19 di động tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên toàn quốc. Dự kiến, hàng chục nghìn công dân Indonesia, trong đó hầu hết là ngư dân, sinh viên và người hành hương, sẽ tiếp tục được hồi hương.

* Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hàn Quốc trong ba ngày qua tăng đột biến, chủ yếu liên quan ổ dịch I-thê-uôn ở Seoul, làm dấy lên lo ngại vùng thủ đô có thể trở thành điểm nóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc. Chính quyền Seoul bắt đầu tiến hành xét nghiệm miễn phí cho người nghi ngờ nhiễm.

* A-rập Xê-út thông báo sẽ áp đặt giới nghiêm 24/24 giờ trên toàn quốc vào cuối tháng này trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo kéo dài năm ngày. Hiện A-rập Xê-út có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở vùng Vịnh.

* Ngân hàng phát triển và tái hiết châu Âu (EBRD) cảnh báo, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 sẽ giáng đòn mạnh về kinh tế tại các khu vực đầu tư của ngân hàng này. Dự báo gần 40 nền kinh tế mà ngân hàng này đang hoạt động tại đó, sẽ ghi nhận mức sụt giảm trung bình 3,5% trong năm 2020.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44456402-the-gioi-than-trong-voi-viec-noi-long-gian-cach-xa-hoi.html