Thế giới Thế giới AMRO nâng ước tính tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam, điều chỉnh hạ ASEAN+3
Các nền kinh tế ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) ước tính chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm 2022, thấp hơn mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 10, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết hôm qua (17/1).
Theo AMRO, Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm 2022, thay vì mức ước tính 7% được đưa ra trước đó. Ảnh minh họa: Tapchicongthuong.vn
Theo giải thích nhà kinh tế trưởng Khor Hoe Ee của AMRO, có sự điều chỉnh giảm đối với toàn khu vực chủ yếu là do tăng trưởng ở Trung Quốc-Hồng Kông và Nhật Bản yếu hơn kỳ vọng.
Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 3%, từ mức 3,8% được dự báo hồi tháng 10 năm ngoái. Hồng Kông (Trung Quốc) dự kiến sẽ có mức tăng trưởng -2,5% trong năm 2022, thay vì mức tăng trưởng 0,3% được đưa ra trước đó. Trong khi đó, tăng trưởng năm 2022 của Nhật Bản hiện được dự kiến ở mức 1,4%, thấp hơn so với mức kỳ vọng 1,6%. Hàn Quốc là nền kinh tế “+3” duy nhất được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo trước đây khi mức tăng trưởng năm 2022 của nước này được điều chỉnh lên tới 2,6%, từ mức 2,4% được dự đoán hồi tháng 10.
Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế ASEAN, AMRO đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 5,3% lên 5,6%. Điều này sẽ được dẫn dắt bởi hai thành viên xuất sắc là Malaysia và Việt Nam.
Cụ thể, Malaysia dự kiến sẽ tăng trưởng 8,4% vào năm 2022, có thể là cao nhất thế giới, và Việt Nam tăng trưởng 8%, thay vì mức ước tính 7%.
Tiến sĩ Khor cho biết: “Bất chấp những khó khăn trong quý cuối cùng của năm ngoái, ASEAN đã đứng vững rất tốt, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ… Đối với năm 2023, triển vọng tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm do các nền kinh tế “+3”.
Theo đó, ASEAN+3 được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,3% vào năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Các nền kinh tế “+3” gồm Trung Quốc-Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 4,2%, và riêng ASEAN là 4,8%.
Môi trường toàn cầu suy yếu đã cản trở đà phát triển thương mại bên ngoài của khu vực. Lực cản đối với hoạt động kinh tế từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ ở Mỹ và khu vực đồng euro sẽ được cảm nhận đầy đủ hơn trong năm nay, khi điều này sẽ khiến các đơn đặt hàng xuất khẩu của các nước ASEAN+3 sụt giảm.
Tuy nhiên, việc phục hồi các hoạt động du lịch, đặc biệt là với sự quay trở lại của du khách Trung Quốc, sẽ mang lại lực đẩy rất cần thiết cho tăng trưởng.
Tiến sĩ Khor cho rằng với nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn ám ảnh Mỹ và châu Âu, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại được xem là “cứu cánh” đúng thời điểm cho khu vực. Cũng theo Tiến sĩ Khor, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn sẽ hỗ trợ cho hoạt động của khu vực, trong khi việc mở cửa lại biên giới sẽ thúc đẩy du lịch nội vùng.
Lạm phát năm 2023 của khu vực được dự báo sẽ cao hơn so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái do bao gồm cả dữ liệu của Myanmar - nơi lạm phát được ước tính lên đến 14%. Ngoại trừ Myanmar, lạm phát chung của các nước còn lại trong khu vực vào năm 2023 về cơ bản không thay đổi so với dự báo trước đó, ở mức 3,5%. Lạm phát toàn phần dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 từ mức trên 6% vào năm 2022, khi giá năng lượng và lương thực toàn cầu giảm xuống.
Phân tích về khả năng một mình Trung Quốc có đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu hay không, Tiến sĩ Khor tin rằng điều đó sẽ xảy ra. Ông dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trở lại mức 5%.
“Có rất nhiều điều không chắc chắn về hoạt động của Trung Quốc trong năm nay, nhưng chúng tôi đã đưa ra quan điểm lạc quan về sự phục hồi từ quý thứ hai trở đi…”, đại diện AMRO cho biết. Cũng theo AMRO, năm 2023 được cho sẽ là một năm thuận lợi cho khu vực, với việc Trung Quốc hoạt động trở lại và bù đắp những “cơn gió ngược” đến từ Mỹ và châu Âu.
Tố Quyên (Lược dịch từ Business Times)