Thế giới Thế giới Hơn 1,3 triệu người chết vì tai nạn đường bộ mỗi năm

.VN - Bảo vệ mạng sống con người bằng cách cải thiện an toàn đường bộ là một trong nhiều mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, người đứng đầu Liên Hiệp quốc cho biết trong thông điệp nhân Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ năm nay (17/11).

Mỗi năm có hơn 1,3 triệu người chết vì tai nạn đường bộ. Ảnh minh họa: AFP/VOV

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết, mỗi năm có hơn 1,3 triệu người chết vì tai nạn đường bộ. Đáng chú ý, số người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 29 chết vì tai nạn giao thông hàng năm nhiều hơn là số người thiệt mạng do HIV/AIDS, sốt rét, lao hoặc giết người.

“Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ là một cơ hội để suy ngẫm về cách chúng ta có thể cứu hàng triệu người”, Tổng thư ký Guterres nói. Kể từ năm 2015, Đặc phái viên về An toàn đường bộ Jean Todt, đã rất nỗ lực để huy động cam kết chính trị, nâng cao nhận thức về các công ước an toàn đường bộ của LHQ, thúc đẩy đối thoại về các thông lệ tốt, ủng hộ tài trợ và hợp tác.

Năm 2018, một Quỹ An toàn Đường bộ của LHQ đã được thành lập để tài trợ cho các hành động ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi có khoảng 90% thương vong giao thông xảy ra. Và tháng 2/2020, một hội nghị toàn cầu về an toàn đường bộ sẽ được tổ chức tại Thụy Điển để tăng cường quan hệ đối tác và đẩy nhanh hành động. Tuy nhiên, hành động khẩn cấp vẫn là điều cấp bách, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.

Bộ An toàn và An ninh LHQ (DSS) gọi các vụ tai nạn giao thông đường bộ là một “đại dịch ẩn giấu”. Theo DSS, chúng có một tác động mạnh mẽ đối với mạng sống của người dân, với hầu hết hệ quả “vô hình” đối với xã hội ở mức độ lớn. Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ theo đó đã trở thành một công cụ quan trọng trong các nỗ lực trên toàn thế giới để giảm thương vong đường bộ.

Chấm dứt các vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng là mục tiêu phù hợp với Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững 3 (SDG 3), bao gồm sức khỏe và phúc lợi tốt và SDG 11 về các thành phố và cộng đồng bền vững.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/hon-1-3-trieu-nguoi-chet-vi-tai-nan-duong-bo-moi-nam-a79722.html