Thế giới Thế giới toàn cảnh Báo Forbes: Việt Nam có chiến lược thông minh để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông

Báo Forbes (Mỹ) ngày 7/8 đăng tải bài viết dẫn lời Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York cho rằng, Việt Nam đang có một chiến lược thông minh để ngăn chặn Trung Quốc chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, đó là hợp tác với Nga - một cường quốc mà Bắc Kinh không thể đối kháng trong bối cảnh hiện tại.

Chỉ huy một tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Bloomberg

Chỉ huy một tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Bloomberg

Giáo sư Mourdoukoutas nhận định rằng Trung Quốc coi Biển Đông là “sân nhà” của mình và làm mọi cách để hiện thực yêu sách chủ quyền trên vùng biển này. Một số hành động phi lý có thể để đến như xây dựng các đảo nhân tạo, vi phạm các phán quyết của tòa án quốc tế, bao gồm cả phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ kiện Biển Đông năm 2016, hay như cả việc đe dọa các nước láng giềng khi Trung Quốc đưa tàu thuyền nước này vào các vùng biển tranh chấp.

Theo Forbes, trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa sẵn sàng ngăn chặn Bắc Kinh, thì Việt Nam – quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với một phần ở Biển Đông, dường như lại không như vậy. Cho đến nay, Việt Nam đã và đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc một cách dũng cảm, triển khai lực lượng của mình để đối đầu với các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước.

Song song đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - một hiệp ước có thể xử lý nhiều hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo, phong tỏa, triển khai vũ khí tấn công như tên lửa, máy bay… và một quy tắc ứng xử mà Trung Quốc khởi xướng năm 2013 gọi là Vùng nhận dạng phòng không.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiến hành khai thác dầu ở các khu vực trên Biển Đông (thuộc vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 - UNCLOS 1982) mà Trung Quốc phân định bằng yêu sách Đường 9 đoạn - một đường biên giới tự xác định mơ hồ, trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển. Thời gian đầu, Việt Nam chọn đối tác là công ty dầu mỏ Ấn Độ ONGC và công ty Repsol của Tây Ban Nha. Tuy nhiên cả hai công ty này sau đó đã phải từ bỏ việc hợp tác với Việt Nam dưới áp lực từ Bắc Kinh, Forbes nêu rõ.

Giờ đây, Việt Nam chuyển hướng sang hợp tác với gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga. Thông tin này được đăng tải trong một bài báo gần đây của tác giả Bennett Murray trên trang Chính sách đối ngoại. Ông Murray nhấn mạnh rằng ở lần hợp tác này, tập đoàn Rosneft là một đối tác cứng rắn hơn nhiều khi có cổ đông chính là chính phủ Nga.

Theo Giáo sư Mourdoukoutas, sự hiện diện của Nga ở vùng biển tranh chấp có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với Việt Nam. Sẽ vô cùng khó khăn để Bắc Kinh đối đầu với hải quân Nga, lực lượng luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực này. Và điều đó có thể kìm hãm tham vọng Biển Đông của Trung Quốc, gìn giữ hòa bình trong khu vực, Giáo sư Mourdoukoutas nhận định.

Cũng theo ông, có lẽ Philippines nên học hỏi Việt Nam trong việc phát triển chiến lược của riêng mình để ngăn chặn Trung Quốc.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Forbes)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/bao-forbes-viet-nam-co-chien-luoc-thong-minh-de-ngan-chan-trung-quoc-o-bien-dong-a75832.html