Thế giới Thế giới Tổng thống Mỹ Joe Biden và các chính sách ngoại giao

Do đại dịch COVID-19 hạn chế việc di chuyển quốc tế, chính sách ngoại giao của Mỹ đã chuyển từ hình thức tương tác trực tiếp truyền thống sang tương tác trực tuyến, hoặc hình thức kết hợp. Tuy nhiên, nhìn chung, ngoại giao phi truyền thống vẫn không thể thay thế cho sự tham gia trực tiếp bởi ngoại giao trực tuyến thiếu đi những giá trị nội tại mà ngoại giao 'mặt đối mặt' nắm giữ.

Tổng thống Joe Biden thúc đẩy chính sách ngoại giao giữa Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Ngoại giao trực tuyến nắm vai trò quan trọng

Ngoại giao trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết cá nhân giữa các nhà lãnh đạo của các nước, cũng như cho phép xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Quan trọng hơn, nó sẽ tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo nắm bắt được ý kiến của đối phương, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp. Các cơ hội hội đàm, gặp mặt thảo luận trực tiếp có thể được tận dụng để gửi đi tín hiệu hòa bình, giảm bớt sự nghi ngờ, cũng như hạn chế tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh, giúp các quốc gia thù địch phát triển quan hệ theo hướng tốt đẹp hơn.

Nhờ hoạt động sản xuất vaccine nhanh chóng, cũng như tiêm chủng nhanh của chính phủ Mỹ, hoạt động ngoại giao trực tiếp cấp cao của Washington đang dần trở lại bình thường. Sau 6 tháng đầu tiên năm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang tích cưc tương tác với các đồng minh, đối tác và cả các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington. Các hành động được Tổng thống Joe Biden thực hiện thông qua hội nghị NATO, hội nghị thượng đỉnh G7, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga, APEC và hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ được tổ chức vào tháng 10/2021.

Ngoại giao cấp cao của Tổng thống Joe Biden mang một số yếu tố quan trọng

Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn tái tạo lòng tin với các đồng minh và cả đối thủ cạnh trạnh của Mỹ.

Thứ hai, Tổng thống Biden đang nỗ lực tìm cách tạo điều kiện thúc đẩy lợi ích chung của các quốc gia, thay vì theo đuổi lợi ích riêng biệt của Mỹ. Được biết, vị tổng thống mong muốn có đối thoại thẳng thắn để xác định rõ lợi ích, mối quan tâm và kỳ vọng của đối tác để cả hai bên có thể dễ dàng tìm thấy điểm chung, từ đó vượt qua khác biệt và tiến đến hợp tác cùng có lợi.

Thứ ba, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã và đang tìm cách củng cố một liên minh quốc tế bao gồm các nước lớn có cùng chung chí hướng, trấn an các đồng minh rằng họ sẽ luôn có sự hỗ trợ của Mỹ. Ông Joe Biden cũng truyền đi một thông điệp rõ ràng đến các đối thủ cạnh tranh chiến lược rằng Mỹ sẽ cạnh tranh, hợp tác... để duy trì sự tuân thủ trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ.

Đồng thời, ông Joe Biden đã có những hành động “đến từ trái tim”, đơn cử như tiến hành các nỗ lực ngoại giao song song với các đối thủ chính trị như Nga. Cụ thể, vào tháng 6 vừa qua, ông đã có cuộc thảo luận về ổn định chiến lược với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách mô tả Mỹ và Nga như hai cường quốc, cùng với đó là triển khai những đối thoại mang tính bình đẳng.

Sau nhiều nỗ lực, đường lối ngoại giao cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tạo được một số thành quả ban đầu khá tích cực. Washington dường như đã hiểu rõ hơn về các đối thủ cạnh tranh chiến lược và hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế cũng đang dần được được cải thiện. Điều này được thể hiện khá rõ trong kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research cho thấy, quan điểm có lợi đối với Mỹ đã tăng từ 34% từ cuối nhiệm kỳ Cựu Tổng thống Donald Trump lên đến 62% sau 5 tháng chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền.

Không dừng lại ở đó, cần phải nhận định rõ rằng, ngoại giao trực tiếp cấp cao cũng là vấn đề quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Các cuộc họp thể hiện sự cam kết thậm chí còn lớn hơn những gì đạt được qua các buổi họp trực tuyến. Điều này đặc biệt quan trọng, khi Đông Nam Á làm nổi bật tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và quyền tự chủ tương đối của khối trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc vẫn đang diễn ra...

Trong bối cảnh cạnh tranh này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần duy trì cam kết ngoại giao cấp cao ổn định đối với Đông Nam Á. Điều này cần được tập trung thể hiện vào sự tương tác trực tiếp để trấn an, cũng như nhấn mạnh cho các nhà lãnh đạo khu vực về trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng nên bổ nhiệm đủ các đại sứ của Mỹ tại khu vực để thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên riêng lẻ, cũng như với toàn bộ khu vực ASEAN.

Đan Lê (Lược dịch từ Eurasia Review)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tong-thong-my-joe-biden-va-cac-chinh-sach-ngoai-giao-a103235.html