Thế giới Thế giới Vaccine COVID-19 AstraZeneca hiệu quả 74% trong thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã chứng minh hiệu quả 74% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng, và hiệu quả tăng lên đến 83,5% ở những người từ 65 tuổi trở lên, kết quả thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại Mỹ vừa được công bố hôm qua (29/9) cho thấy.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca đạt hiệu quả 74% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng. Ảnh: Reuters/Laodong
Hiệu quả tổng thể là 74%, thấp hơn so với con số 79% mà nhà sản xuất thuốc AstraZeneca của Anh báo cáo hồi tháng 3, sau đó được điều chỉnh thành 76% sau khi bị các quan chức y tế chỉ trích rằng con số 79% dựa trên “thông tin lỗi thời”.
Dữ liệu của thử nghiệm lâm sàng được thu thập từ hơn 26.000 tình nguyện viên ở Mỹ, Chile và Peru. Những tình nguyện viên này đã được tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cách nhau khoảng một tháng. Kết quả đã được công bố trên Tạp chí Y học New England.
Theo đó, không có trường hợp nào mắc COVID-19 có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch trong số hơn 17.600 người tham gia được tiêm vaccine. Trong khi đó, với 8.500 tình nguyện viên được sử dụng giả dược có 8 trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng nặng hoặc nghiêm trọng. Nhóm dùng giả dược cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong, nhưng không có trường hợp tử vong nào trong số những người được tiêm vaccine này.
Tiến sĩ Anna Durbin, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins và là một trong những thành viên thẩm định của nghiên cứu, đã rất ngạc nhiên với kết quả này. Bà cũng khẳng định rằng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ cao chống bệnh trở nặng và phải nhập viện.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy không có trường hợp nào xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng là tình trạng đông máu hiếm gặp, còn được gọi là huyết khối giảm tiểu cầu, có liên quan đến vaccine AstraZeneca được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Đại học Oxford.
Vào cuối tháng 7, AstraZeneca cho biết đã lên kế hoạch nộp hồ sơ để được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn đầy đủ, thay vì xin cấp phép sử dụng khẩn cấp. Trong một cuộc họp báo vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành Pascal Soriot bày tỏ hy vọng rằng loại vaccine này vẫn có thể đóng một vai trò nào đó ở Mỹ, mặc dù quá trình này mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Theo Reuters đưa tin, AstraZeneca cũng đang nghiên cứu các liều vaccine tăng cường cho những người đã được tiêm 2 liều vaccine của hãng này hoặc các vaccine khác cùng dựa trên công nghệ mRNA từ Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Có tên gọi Vaxzevria, vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca được phép sử dụng ở hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới. Một phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết hãng dự kiến sẽ nộp đơn xin phê duyệt lên cơ quan của Mỹ vào cuối năm nay.
Theo nhận định của Tiến sĩ Durbin, không có nhiều hy vọng Vaxzevria sẽ được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, nhưng việc đảm bảo sự chấp thuận của FDA sẽ có thể giúp củng cố thêm lòng tin đối với loại vaccine này.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)