Thế giới Thương mại song phương Ấn Độ-ASEAN có thể tăng gấp đôi vào năm 2025

.VN - Với việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhiều sự quan tâm đổ về mối quan hệ thương mại hiện tại giữa ASEAN và Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD Ấn Độ (PHDCCI), thương mại song phương của Ấn Độ với các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 lên 300 tỷ USD từ mức hiện nay là 142 tỷ USD (năm 2018).

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ ký kết Tuyên bố chung nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước. Nguồn: THX/TTXVN

Với việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhiều sự quan tâm đổ về mối quan hệ thương mại hiện tại giữa ASEAN và Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD Ấn Độ (PHDCCI), thương mại song phương của Ấn Độ với các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 lên 300 tỷ USD từ mức hiện nay là 142 tỷ USD (năm 2018).

Nghiên cứu cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang các nền kinh tế ASEAN đạt khoảng 38 tỷ USD, nhập khẩu đạt 59 tỷ USD và tổng thương mại là 97 tỷ USD trong năm 2018-2019. Trong mảng dịch vụ, xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN ở mức 24 tỷ USD, nhập khẩu ở mức 21 tỷ USD và tổng thương mại đạt 45 tỷ USD trong thời gian gần đây.

“Tăng cường sự phối hợp giữa thương mại sản xuất và dịch vụ, tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các chuyên gia và các chuyến thăm kinh doanh giữa Ấn Độ và ASEAN, đồng thời khuyến khích hợp tác pháp lý và trao đổi các thông lệ quốc tế một cách tốt nhất, cùng với các yếu tố khác sẽ giúp tăng cường hợp tác song phương giữa các nền kinh tế Ấn Độ và ASEAN”, Tiến sĩ DK Aggarwal - Chủ tịch PHDCCI nhận xét.

Cũng theo Tiến sĩ DK Aggarwal, xem xét các lợi thế vốn có trong các loại sản phẩm cho thấy xuất khẩu của Ấn Độ sang các nền kinh tế ASEAN có tiềm năng to lớn để tăng trưởng. Quan hệ thương mại của Ấn Độ với ASEAN đã chứng kiến sự thay đổi trong thời kỳ trước và sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) được ký kết.

Trong giai đoạn trước khi có AIFTA, tổng giao dịch hàng hóa của Ấn Độ với các nền kinh tế ASEAN đã tăng từ 7 tỷ USD năm 2001 (trong đó xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu 4 tỷ USD) lên 42 tỷ USD năm 2009 (xuất khẩu 18 tỷ USD, nhập khẩu 24 tỷ USD). Trong khi đó, với giai đoạn hậu AIFTA, tổng giao dịch hàng hóa của Ấn Độ với các nền kinh tế ASEAN đã tăng từ 53 tỷ USD năm 2010 (gồm 23 tỷ hàng hóa xuất khẩu và 30 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu) lên 93 tỷ USD năm 2018 (xuất khẩu đạt 36 tỷ USD, nhập khẩu 57 tỷ USD), nghiên cứu nêu rõ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong 20 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ có sự tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu sang các nền kinh tế ASEAN với tỷ lệ khoảng 85% trong giai đoạn 2009-2018. Tương lai, giỏ hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN còn có thể đa dạng hơn nữa. Do đó, việc tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đa dạng hóa các sản phẩm trong giỏ xuất khẩu của Ấn Độ với kiến thức về thị trường được nâng cao sẽ rất quan trọng để củng cố quỹ đạo thương mại Ấn Độ - ASEAN.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư của Ấn Độ - ASEAN, có thể kể đến như: tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà xuất khẩu; tăng cường khối lượng thương mại dịch vụ; thực hiện đánh giá liên tục thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, hài hòa hóa và đơn giản hóa hải quan thủ tục, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân lớn hơn và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Về lâu dài, có nhiều cơ hội thương mại và đầu tư để tăng cường hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và Fintech, văn hóa và du lịch, công nghệ thông tin và thương mại điện tử, giáo dục và phát triển kỹ năng, y tế và dược phẩm, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, cùng nhiều lĩnh vực khác.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business-Standard)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thuong-mai-song-phuong-an-do-asean-co-the-tang-gap-doi-vao-nam-2025-a79711.html