Thế giới tiến gần mốc 42 triệu ca mắc Covid-19
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 23-10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 41.963.868 ca mắc và 1.142.113 ca tử vong do Covid-19. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 474.413 ca mắc, khoảng 45% trong số này tập trung tại châu Âu.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 23-10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 41.963.868 ca mắc và 1.142.113 ca tử vong do Covid-19. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 474.413 ca mắc, khoảng 45% trong số này tập trung tại châu Âu.
Trong 24 giờ qua, Mỹ, quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng Covid-19 toàn cầu, ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 nhất trên thế giới, lần lượt là 70.964 và 925.
Theo thông báo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 22-10 cho biết, cơ quan này đã cấp phép sử dụng thuốc remdesivir (biệt dược Veklury) trong điều trị người bệnh Covid-19. Đây là thuốc do công ty Gilead Sciences Inc phát triển.
Thông báo của FDA nêu rõ việc cấp phép trên được đưa ra dựa trên ba thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, trong đó có một thử nghiệm do Viện Y tế quốc gia tài trợ. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y học New England hồi đầu tháng này, những người bệnh được dùng thuốc remdesivir có tốc độ hồi phục trung bình nhanh hơn 5-7 ngày so với những người bệnh thể nặng được dùng giả dược. Nghiên cứu cũng cho thấy remdesivir làm giảm khả năng người bệnh phải dùng đến trợ thở oxy và có thể làm giảm cả nguy cơ tử vong.
Công ty Gilead, đơn vị phát triển thuốc remdesivir, nhấn mạnh đây là phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên và duy nhất cho tới nay được Mỹ chấp nhận. Công ty bày tỏ hy vọng có thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới đối với loại thuốc này ngay trong tháng 10. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Daniel O’Day khẳng định, công ty đang có sẵn thuốc để điều trị cho người bệnh thích hợp có nhu cầu.
Gilead đang phối hợp các công ty bảo hiểm tư nhân tính mức phí 3.120 USD cho mỗi người bệnh điều trị trong năm ngày. Các nước phát triển và những đơn vị mua trực tiếp trong Chính phủ Mỹ, bao gồm cả các bệnh viện của cựu chiến binh, sẽ phải trả 2.340 USD cho một đợt thuốc dài năm ngày.
Remdesivir là một trong những loại thuốc được sử dụng điều trị cho Tổng thống Donald Trump khi ông bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện Tổng thống đã được xác nhận âm tính với virus này.
Các nước châu Âu như, Anh, Thụy Điển, Cyprus và Nga đang tăng cường các biện pháp phòng, chống đại dịch tại một số điểm nóng về dịch bệnh trong nước.
Ngày 22-10, Chính phủ Anh đã siết chặt các biện pháp phòng dịch tại thêm ba khu vực gồm Stoke-on-Trent, Coventry và Slough thuộc England khi tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng. Theo đó, ba khu vực này được xếp vào vùng có nguy cơ cao, tức là hạn chế người dân tụ tập với những người bên ngoài gia đình họ.
Bồ Đào Nha cũng thông báo áp đặt phong tỏa một phần đối với ba khu vực Felgueiras, Lousada và Pacos de Ferreira từ ngày 23-10 để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh. Khoảng 161 nghìn người dân tại ba khu vực ở miền bắc nước này sẽ chỉ được phép ra khỏi nhà để làm việc, đi học hoặc thực hiện những hoạt động thiết yếu khác như mua thuốc và thực phẩm. Nhà chức trách cũng hạn chế tối đa năm người tham gia sự kiện và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa lúc 22 giờ hằng ngày.
Tương tự, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố sẽ siết chặt quy định đối với các hộp đêm để hạn chế số khách hàng xuống tối đa 50 người. Tuy nhiên, từ ngày 1-11 tới, chính phủ sẽ nới lỏng các quy định phòng dịch đối với hoạt động thể thao cũng như nhiều sự kiện khác có thể đảm bảo giãn cách cho người tham dự. Cụ thể, số người được phép dự sự kiện sẽ tăng lên 300 người từ mức tối đa 50 người như hiện nay.
Bộ Y tế Cyprus cho biết, nước này sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những địa điểm công cộng ngoài trời, song không nêu rõ thời điểm thực hiện. Chính phủ cũng sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại thành phố Limassol và thành phố nghỉ dưỡng Paphos, miền nam Cyprus từ 23 giờ hằng ngày.
Trong khi đó, Nga đã bắt đầu mở cửa các bệnh viện dã chiến tại thủ đô Moscow nhằm đối phó với tình trạng số người bệnh mắc Covid-19 gia tăng. Phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova cho biết thành phố đang chuẩn bị đưa vào sử dụng khoảng 50 bệnh viện dã chiến với khoảng 3.000 giường bệnh. Hiện một số bệnh viện dã chiến đã bắt đầu tiếp nhận người bệnh Covid-19. Các bệnh viện dã chiến đã được dựng trên diện tích đất của những phòng khám lớn tại tâm dịch Moscow của Nga vào mùa xuân để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu.
Cùng ngày 22-10, Bộ Y tế Italy cho biết đã ghi nhận 16.079 ca mắc mới. Đây là số ca mắc mới trong ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này và vượt cả số ca mắc cao kỷ lục 15.199 ca ghi nhận một ngày trước đó. Số ca tử vong tại Italy tăng thêm 136 ca, cao hơn so với 127 ca hôm 21-10 dù thấp hơn nhiều so với con số hơn 900 ca vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3 và 4 năm nay. Như vậy, đến nay, Italy xác nhận tổng cộng 465.726 ca mắc và 36.968 ca tử vong.
Tại Nam Á, chính quyền Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số khu vực của thủ đô Colombo sau khi phát hiện hơn 50 ca mắc tại một ổ dịch mới ở Minuwangoda, vùng ngoại ô của thành phố này, khiến tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước vượt 6.000 người. Theo thông báo của chính phủ, lệnh giới nghiêm được áp đặt tại các khu vực Mattakkuliya, Modara, Bloemendhal, Grandpass và Wellampitiya kể từ sáng 22-10 đến khi có thông báo tiếp theo.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 23-10 (giờ Việt Nam):
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 8.658.314 ca mắc, 228.333 ca tử vong
2. Ấn Độ: 7.759.640 ca mắc, 117.336 ca tử vong
3. Brazil: 5.332.634 ca mắc, 155.962 ca tử vong
4. Nga: 1.463.306 ca mắc, 25.242 ca tử vong
5. Tây Ban Nha: 1.090.521 ca mắc, 34.521 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 377.541 ca mắc, 12.959 ca tử vong
2. Philippines: 363.888 ca mắc, 6.783 ca tử vong
3. Singapore: 57.941 ca mắc, 28 ca tử vong
4. Myanmar: 41.008 ca mắc, 1.005 ca tử vong
5. Malaysia: 23.804 ca mắc, 204 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.719 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.148 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 286 ca mắc
9. Brunei: 148 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 24 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 12.883.846 ca mắc, 230.114 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 10.374.319 ca mắc, 340.006 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 9.217.888 ca mắc, 284.752 ca tử vong
4. Châu Âu: 7.755.488 ca mắc, 245.508 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.696.418 ca mắc, 40.760 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 35.188 ca mắc, 958 ca tử vong