Thế giới tiến sát mốc 142 triệu ca Covid-19
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 19-4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 142 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.032.862 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 120.531.581 người.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 19-4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 142 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.032.862 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 120.531.581 người.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh với 581.061 ca tử vong trong tổng số hơn 32,4 triệu ca nhiễm. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 178.793 ca tử vong trong số hơn 15,05 triệu ca bệnh. Mặc dù đứng thứ ba về số ca bệnh với gần 14 triệu ca nhưng Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 373.442 ca.
Theo số liệu chính thức được Chính phủ Anh công bố, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 10 ca tử vong, mức thấp nhất kể từ ngày 9-9-2020. Đồng thời, nước Anh cũng ghi nhận thêm 1.882 ca mắc mới trong ngày, giảm so với số ca ghi nhận một ngày trước đó (2.206 ca). Đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng 4.387.820 ca mắc, cao thứ sáu thế giới, trong đó có 127.270 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 318 ca, và có thêm 55.802 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc và số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này lên lần lượt là gần 4,27 triệu ca mắc và gần 36.000 ca tử vong. Theo hãng tin Reuters, quốc gia này hiện đứng thứ tư trên thế giới về số ca mắc mới trung bình trong bảy ngày qua.
Tại Israel, nhờ những nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả, kể từ ngày 18-4 nước này đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài, đồng thời cho phép học sinh các cấp đi học bình thường trở lại. Như vậy, sau hơn một năm thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm phong tỏa và giãn cách xã hội kết hợp với tiêm chủng vaccine, cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Israel cơ bản đã thành công. Dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động kinh tế xã hội dần mở cửa trở lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các nước tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tại Jakarta, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết lô vaccine thứ tám với tổng cộng sáu triệu liều vaccine Sinovac dưới dạng nguyên liệu đã được chuyển đến sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta.
Lô vaccine trên là một phần trong tổng số 140 triệu liều vaccine nguyên liệu mà Indonesia sẽ nhận được trong năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã nhận được 59,5 triệu liều vaccine nguyên liệu của Sinovac (Trung Quốc). Số vaccine này được giao cho hãng dược phẩm PT Bio Farma thuộc sở hữu của nhà nước để xử lý và đóng gói.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo chính phủ nước này đã thực hiện gói thanh toán trị giá 11 triệu USD để mua vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối.
Ông Maduro cho biết đây là gói thanh toán thứ hai trong tổng số tiền 120 triệu USD mà Venezuela phải thanh toán thông qua cơ chế COVAX, sau khi đã thanh toán 64 triệu USD vào tuần trước. Chính phủ Venezuela dự kiến có thể bắt đầu mở rộng chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2021.
Liên quan vấn đề nguồn cung vaccine của Liên hiệp châu Âu (EU), ngày 18-4, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton để ngỏ khả năng EU có thể quyết định không tiếp tục đặt hàng vaccine của AstraZeneca do việc giao hàng đợt 1 chậm trễ hơn thỏa thuận.
EU ban đầu đặt mua 120 liều vaccine AstraZeneca cho 27 nước thành viên trong quý I/2021 và 180 triệu liều trong quý II/2021. Tuy nhiên đến nay AstraZeneca mới chuyển giao 30 triệu liều, và dự kiến trong quý tiếp theo chỉ có thêm 70 triệu liều.
Ông Breton khẳng định hiện chưa có gì chắc chắn và EU vẫn đang đàm phán với AstraZeneca. Tuy nhiên ông nhấn mạnh dù quyết định thế nào cũng không xuất phát từ lý do y tế hay dịch tễ học, đồng thời khẳng định vaccine AstraZeneca mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ.
Một số nước EU đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại nguy cơ xảy ra phản ứng phụ xuất hiện huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn các nước đã nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine AstraZeneca sau khi cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine này.
Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 32.404.454 ca mắc, 581.061 ca tử vong
2. Ấn Độ: 15.057.767 ca mắc, 178.793 ca tử vong
3. Brazil: 13.943.071 ca mắc, 373.442 ca tử vong
4. Pháp: 5.289.526 ca mắc, 100.733 ca tử vong
5. Nga: 4.702.101 ca mắc, 105.582 ca tử vong