Thế giới trên đầu ngón tay

Khi khán giả đã quá quen thuộc với khung hình ngang ở rạp chiếu phim, hay trên màn ảnh nhỏ tivi truyền thống, sự xuất hiện của những thước phim khung hình dọc đôi khi gây cảm giác chật chội. Nhưng, thế giới thu nhỏ trong những chiếc điện thoại thông minh lại mang đến trải nghiệm mới cho khán giả và cơ hội cho nhà làm phim.

Cách mạng từ smartphone

Hơn 100 năm kể từ buổi chiếu phim chuyển động và có thu tiền đầu tiên vào ngày 28-12-1895 (ngày khai sinh nghệ thuật điện ảnh), từ những thước phim đen trắng, phim câm, đến phim màu với công nghệ ngày càng tân tiến, phim định dạng ngang đã trở thành tiêu chuẩn. Nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi điện thoại thông minh (smartphone) ra đời. Từ khung hình tiêu chuẩn trong điện ảnh là 16:9 và 21:9, phim khung hình dọc đảo lộn hoàn toàn thành 9:16. Nó là kết quả của sự phát triển tất yếu về mặt công nghệ khi smartphone phổ biến, là vật bất ly thân hiện nay. Thế giới giải trí đã dịch chuyển, không còn nằm trong lòng bàn tay, mà nằm trên đầu những ngón tay. Thói quen giải trí, xem phim trên smartphone đã lên ngôi.

Phim Miền ký ức với tư duy làm phim nhiều sáng tạo

Phim Miền ký ức với tư duy làm phim nhiều sáng tạo

Hiển nhiên, những nhà sáng tạo không thể đứng ngoài cuộc chơi đó. Nói như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: “Phim định dạng dọc là xu hướng và sẽ có những nội dung phù hợp với nó. Không nên giới hạn bản thân và bó buộc mình trong bất kỳ giới hạn nào”. Giám đốc sáng tạo Denis Đặng (người sáng lập Công ty Visiolab chuyên về sáng tạo) chia sẻ về phim định dạng dọc: “Cuối 2021, tôi nhận thấy xu thế mới của định dạng dọc, trước hết vì tiện ích tối ưu nó mang lại. Ban đầu, tôi chỉ theo dõi qua các clip trên mạng xã hội. Nhưng thời điểm đó, tôi đã đặt ra câu hỏi, tại sao mình không làm vậy. Mình là người làm sáng tạo, phải thường xuyên cập nhật và chuyển mình”. Dấu ấn của anh phải kể đến phim ngắn Con cưng, hay series The Last Goodbye gồm 11 tập được đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng khung hình, không khác gì phim điện ảnh.

Nhưng có một điều thú vị, bản thân những video, clip theo định dạng dọc đầu tiên chưa chắc đã đến từ các nhà làm phim chuyên nghiệp. Nó đa phần xuất phát từ những người trẻ đam mê sáng tạo và muốn thử thách bản thân. Ban đầu, đơn thuần chỉ là những câu chuyện với tình huống đơn giản, kỹ thuật làm phim chưa hẳn trau chuốt. Những khung hình qua góc máy smartphone đôi khi còn chệch choạc, thậm chí gây chút khó chịu cho người xem bởi sự chật chội. Nhưng rồi từ sự tò mò và cả đón nhận của người xem, phim định dạng dọc trở thành một trào lưu mang tính thể nghiệm. Nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp cũng nhập cuộc như sự thể nghiệm chính mình.

Xu thế này rõ ràng không chỉ nổi trội tại Việt Nam mà còn khá phổ biến ở nhiều nước khác. Đơn cử, góc phim ngắn trên TikTok tại Liên hoan phim Cannes đã thu hút hơn 70.000 phim đến từ 44 quốc gia.

Dòng chảy mới

Khi khán giả đã quá quen với khung hình ngang, việc xoay dọc khung hình đặt ra thách thức trước hết với nhà làm phim. Cứ thử tưởng tượng, nếu đặt trên màn hình điện thoại, từng khung hình sẽ được ôm trọn và phủ kín. Nhưng nếu chiếu trên màn hình tivi, hay ở rạp chiếu, sẽ tạo nên những khoảnh trống không thể lấp đầy. Đạo diễn Trần Thanh Huy cho rằng, với khung hình ngang, các nhà làm phim có rất nhiều lựa chọn, nhưng khi xoay dọc khiến nó hẹp do mất hai bên khá nhiều. Góc máy, cỡ cảnh… là những điều đầu tiên mà người làm phim phải tính toán rất kỹ.

Nếu chỉ đầy những sự bất tiện như thế, có lẽ định dạng dọc đã là một phép thử… thất bại. Nhưng trên thực tế, sự sáng tạo lại chưa bao giờ là giới hạn. Phim định dạng ngang cho phép các nhà làm phim không có giới hạn về mặt thể loại, đề tài, câu chuyện, khung hình…

Con cưng, một phim ngắn định dạng dọc được đánh giá cao

Con cưng, một phim ngắn định dạng dọc được đánh giá cao

Phim định dạng dọc có một đời sống riêng nhưng không khu biệt đối tượng khán giả. Có thể nó sẽ rất khó để bước lên màn ảnh rộng một cách đại trà, nhưng thế giới của những bộ phim ấy chỉ cần được lướt trên những đầu ngón tay để chạm đến trái tim khán giả, nối dài vòng đời bằng những nút thích, thả tim, bình luận, chia sẻ là đã đủ ảnh hưởng. Dù là xu thế nhưng nó sẽ diễn ra trong thời gian dài. Ngay cả khi định dạng này thoái trào, vẫn sẽ có tính kế thừa những thành quả mà nó mang lại.

- Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: “Tôi nghĩ, nó đang trao cho các bạn trẻ, nhất là các bạn Gen Z nhiều cơ hội hơn để chứng minh bản thân và tạo nên cuộc chơi mới của chính thế hệ các bạn”.

- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Các bạn trẻ có lợi thế hơn bởi được tiếp cận mỗi ngày với điện thoại nên sẽ có những góc nhìn mới, đặc biệt về tư duy thẩm mỹ. Đó là điều thế hệ chúng tôi hơi khó làm”.

- Biên kịch Bình Bồng Bột: “Xoay dọc khung hình dù chật hơn nhưng sẽ tập trung vào cảm xúc và các mối quan hệ”.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-gioi-tren-dau-ngon-tay-post675944.html