Thế giới tuần qua: Bầu cử Mỹ vào giai đoạn nước rút; Armenia và Azerbaijan đạt lệnh ngừng bắn mới

Trong tuần qua, diễn biến cuộc vận động tranh cử tại Mỹ và các diễn biến căng thẳng, phức tạp của cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia là những vấn đề nổi bật được dư luận quốc tế quan tâm.

Bầu cử Mỹ: Ứng cử viên hai đảng không bỏ lỡ cơ hội

Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Biden. Ảnh: AP

Chỉ một tuần sau khi rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại “đường đua” vận động tranh cử vào 12/10, lần đầu tiên kể từ khi mắc COVID-19. Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời phát biểu của Tổng thống Trump trước đám đông hàng nghìn người ủng hộ ở Florida: “Thật tuyệt vời được quay trở lại bang quê nhà Florida để đánh dấu việc tôi chính thức quay trở lại vận động tranh cử”.

Sự kiện tại Sanford (bang Florida) này là khởi đầu cho tuần bận rộn của nhà lãnh đạo Mỹ khi ông sẽ tiếp tục tham dự sự kiện vận động tranh cử tại Pennsylvania, Iowa, North Carolina và Wisconsin.
Cũng trong ngày 12/10, bác sĩ cho biết Tổng thống Trump đã có kết quả âm tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai đã bị hủy do Tổng thống Trump gần đây mắc COVID-19 và thay bằng sự kiện trả lời câu hỏi của cử tri qua sóng truyền hình vào tối 15/10 (giờ địa phương). Trong buổi hỏi đáp 90 phút trình chiếu trên kênh ABC, ông Biden đã thu hút trung bình 15,1 triệu người xem. Tổng thống Trump lại thu hút 13,5 triệu người xem trong buổi hỏi đáp thời lượng 60 phút phát trên kênh NBC, MSNBC và CNBC.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin rằng trong buổi gặp gỡ cử tri qua truyền hình này, ông Biden đã tấn công mạnh việc xử lý dịch COVID-19 của Tổng thống Trump. Về phần mình, ông Trump lại bảo vệ phương pháp xử lý dịch COVID-19 của chính quyền mình.

Cử tri bỏ phiếu sớm tại Savannah, bang Georgia. Ảnh: AP

Cử tri bỏ phiếu sớm tại Savannah, bang Georgia. Ảnh: AP

Ngày 17/10, nhà lãnh đạo Mỹ đến Michigan và Wisconsin vận động tranh cử, sau đó ông dự kiến đến các bang miền Tây để thu hút thêm ủng hộ chính trị.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Biden trong khi đó dự kiến ở lại bang quê nhà Delaware vào 17/10. Bên cạnh đó, ứng viên tranh cử phó tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Kamala Harris tránh di chuyển trong một vài ngày tới do một nhân viên từng di chuyển trong cùng chuyến bay với bà ngày 14/10 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cả bà Harris và ông Joe Biden đều xét nghiệm và âm tính với SARS-CoV-2.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết tính đến tối 16/10 (giờ địa phương), có trên 22 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Con số này tương đương 16% tổng số cử tri đã bỏ phiếu năm 2016. Trước diễn biến này, các chuyên gia dự doán rằng năm nay có khả năng ghi nhận mức cử tri tham gia bỏ phiếu kỷ lục là khoảng 150 triệu người và đạt tỷ lệ cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1908.

Armenia và Azerbaijan nhất trí về lệnh ngừng bắn mới

Người phụ nữ bên kính vỡ của ban công căn hộ ở Stepanakert, Armenia. Ảnh: AP

Người phụ nữ bên kính vỡ của ban công căn hộ ở Stepanakert, Armenia. Ảnh: AP

Ngày 17/10, Ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan thông báo họ sẽ tuyên bố "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo" từ nửa đêm, tức 20 giờ giờ GMT, sau gần 3 tuần giao tranh liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Đây sẽ được xem là nỗ lực thứ hai của các bên liên quan nhằm chấm dứt các hoạt động giao tranh ở khu vực này, vốn đã làm hàng trăm người thiệt mạng trong thời gian qua. Trước đó, với vai trò trung gian của Nga, ngày 10/10, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã cáo buộc Armenia vi phạm tội ác chiến tranh khi nã tên lửa vào Ganja. Reuters dẫn thông báo từ Baku cho biết 13 người dân thường đã thiệt mạng và 50 người khác bị thương tại thành phố Ganja sau vụ tấn công tên lửa từ Armenia. Trong khi đó, Yerevan tố cáo Azerbaijan vẫn tiếp tục khai hỏa.

Dưới đây là video do Azerbaijan công bố về vụ nổ tại Ganja (nguồn: Guardian):

Bộ Quốc phòng Armenia trong khi đó bác bỏ cáo buộc của Azerbaijan và nói rằng chính Baku vẫn duy trì tấn công những khu vực đông người ở Nagorno-Karabakh, bao gồm thành phố Stepanakert. Armenia nói rằng có 3 người dân thường bị thương từ tấn công của Azerbaijan. Ngoài ra, phía Armenia còn khẳng định Azerbaijan đã cử máy bay không người lái tấn công vị trí quân sự và hủy hoại công trình dân sự của nước này. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đánh giá những cuộc tấn công này là “cố gắng nhằm diệt chủng người Armenia”.

Azerbaijan ngày 17/10 tuyên bố 60 người dân thường đã thiệt mạng và 270 người bị thương kể từ khi xung đột xảy ra ngày 27/9.

Đụng độ trong thời gian qua được coi là tồi tệ nhất kể cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh trong thập niên 90 của thế kỷ trước.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-bau-cu-my-vao-giai-doan-nuoc-rut-armenia-va-azerbaijan-dat-lenh-ngung-ban-moi-20201017163633483.htm