Thế giới tuần qua: Căng thẳng Mỹ-Iran sau cái chết của Tướng Suleimani, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa quân đến Libya
Trong tuần qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Tổng thống Trump ra lệnh sát hại một vị tướng quyền lực của Iran cũng như diễn biến quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc đưa quân đến Libya là những vấn đề được quan tâm.
Cái chết của vị tướng quyền lực nhất Iran
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang trong ngày 3/1 sau khi Washington không kích tiêu diệt Chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Thiếu tướng Qasem Soleimani và Phó chỉ huy Lực lượng Huy động nhân dân (PMF) Abu Mahdi al-Muhandis.
Lầu Năm Góc sau đó xác nhận về cuộc tấn công nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad và cho biết đây là mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump sau đó lên mạng xã hội Twitter lý giải về quyết định của ông khi tiêu diệt Tướng Soleimani. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Tướng Soleimani đứng đằng sau cái chết của hàng triệu người, trong đó có cả công dân Mỹ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá “thế giới không thể chống chịu thêm” một cuộc chiến tranh Vùng Vịnh khác và đây là thời điểm các nhà lãnh đạo cần kiềm chế tối đa.
Hàng nghìn người đã đổ ra đường tại nhiều thành phố ở Iran để phản đối “tội ác” của Mỹ sau vụ ám sát Tướng Soleimani.
Tướng Soleimani nổi danh với vai trò lãnh đạo lực lượng Quds và cuộc chiến tại Syria cùng Iraq. Trong 20 năm qua, ông Soleimani từng trải qua vài lần bị ám sát hụt bởi phương Tây, Israel.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) nhận định việc tiêu diệt Tướng Soleimani là động thái khiêu khích quân sự gây chú ý nhất tại Trung Đông kể từ khi Tổng thống George W. Bush tiến hành cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 lật đổ ông Saddam Hussein.
Việc sát hại Tướng Soleimani cũng diễn ra trong thời điểm Tổng thống Trump tìm cách tăng áp lực về kinh tế lên Iran qua các lệnh trừng phạt để buộc Tehran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngày 3/1, giá dầu đã tăng hơn 4% sau thông tin về cái chết của ông Soleimani được đăng tải.
Vụ việc liên quan tới Tướng Soleimani còn là tín hiệu mà Tổng thống Trump muốn gửi tới Iran rằng sự kiên nhẫn của ông đã giảm dần.
Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đưa quân đến Libya
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/1 đã thông qua việc triển khai binh sĩ đến Libya để hỗ trợ chính phủ do Liên hợp quốc công nhận tại Tripoli.
Chính phủ do Thủ tướng Fayez Sarraj lãnh đạo phải đối mặt với lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Hifter ở phía Đông. Cuộc đối đầu này gây rủi ro Libya sẽ rơi vào tình trạng bạo lực tương tự năm 2011 dẫn đến cuộc lật đổ chính quyền của ông Moammar Gadhafi.
Hồi tháng 12/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng cho biết rằng Thủ tướng Sarraj đã đề nghị Ankara triển khai binh sĩ sau khi hai nhà lãnh đạo ký thỏa thuận tạo điều kiện để Ankara cử chuyên gia quân sự và quân nhân tới Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc triển khai binh sĩ là quan trọng và đảm bảo lợi ích của Ankara tại Libya cũng như vùng Địa Trung Hải.
Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã đàm thoại và bàn luận về tình hình tại Syria cùng Libya sau tin tức từ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ai Cập đã lên tiếng phản đối quyết định của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng Ankara phải chịu trách nhiệm cho tác động tiêu cực có thể diễn ra đối với ổn định tại Địa Trung Hải.
Lãnh đạo Hy Lạp, Israel và Cyprus đều chỉ trích động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là “mối đe dọa nguy hiểm tới ổn định khu vực” và “leo thang nguy hiểm” đối với xung đột ở Libya, vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc và hạ thấp nỗ lực hòa bình quốc tế.
Giao tranh tại Tripoli đã gia tăng trong những tuần gần đây sau khi ông Hifter tuyên bố về trận chiến “cuối cùng” và “quyết định” vì thủ đô. Lực lượng của Tướng Hifter nhận được ủng hộ từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Pháp và Nga trong khi chính quyền tại Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italy hỗ trợ.