Thế giới tuần qua: Chile hủy đăng cai APEC, Brexit ba lần lỡ hẹn
Việc Chile hủy đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do tình trạng bạo lực trong nước leo thang và sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) tiếp tục dời hạn chót chính là hai sự kiện được quan tâm nhất tuần qua.
Bạo động leo thang, Chile hủy đăng cai APEC
Lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm tổ chức APEC, có một quốc gia phải hủy đăng cai sự kiện này ngay sát ngày diễn ra. Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 30/10 tuyên bố nước này không thể tổ chức hai hội nghị quốc tế sắp tới là APEC và Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) do tình hình biểu tình bạo động leo thang nghiêm trọng.
Hiện chưa rõ sau khi Chile hủy đăng cai APEC, quyền tổ chức hội nghị này sẽ được chuyển giao cho quốc gia nào và thời gian tổ chức sẽ là bao giờ thay vì ngày 11-17/11 như dự kiến ban đầu.
“Là tổng thống, tôi có trách nhiệm đặt nhu cầu của người dân Chile lên hàng đầu. Đó là lý do vì sao, rất đáng tiếc, chúng tôi quyết định hủy hội nghị APEC và COP”, ông Pinera viết trên mạng xã hội Twitter.
Theo đó, COP25 với chủ đề “Thời gian cho Hành động” - hội nghị về biến đổi khí hậu thường niên của Liên hợp quốc – vốn được dự kiến tổ chức tại Santiago ngày 2 – 13/12 cũng sẽ bị hủy bỏ. Liên hợp quốc cho biết sự kiện này sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha,
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định sẽ ký một thỏa thuận bên lề diễn đàn APEC nhằm xoa dịu cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết các kế hoạch ký kết vẫn được giữ nguyên.
“Chúng tôi đang mong muốn hoàn tất giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại lịch sử với Trung Quốc trong cùng khung thời gian và khi chúng tôi có thông báo, chúng tôi sẽ cho các bạn biết", ông Gidley trả lời báo giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/11 cho biết ông đang cân nhắc thay đổi địa điểm diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó bang Iowa có thể là một lựa chọn khả dĩ.
Từ giữa tháng 10, Chile đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối chính phủ rầm rộ sau khi Tổng thống Sebastian Pinẽra quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Đây là lý do các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như tình trạng bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.
Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm, buộc Chính phủ Chile phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và trên 3.000 người bị bắt giữ.
Brexit ba lần lỡ hạn chót
Nửa đêm 31/10, tức gần ba năm rưỡi kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được mở ra năm 2016, nước Anh một lần nữa lại lỡ hẹn trong vụ “chia tay” EU chấn động lịch sử. Bất chấp lời cam kết mạnh mẽ “quyết dứt áo ra đi” của Thủ tướng Boris Johnson, cho đến nay Anh vẫn là một quốc gia thành viên EU. Do không thể diễn ra đúng thời hạn 31/10, hàng ngàn đồng xu được đúc sẵn để đánh dấu mốc này đã bị đun chảy và tái chế chờ thời hạn mới 31/1/2020. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo EU đã thông qua đề xuất về thời hạn mới của Anh.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh tối 22/10, Thủ tướng Johnson đã giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với EU, song cũng ngay lập tức phải chịu thất bại khi các nghị sĩ bác bỏ nỗ lực của ông nhằm đưa Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 10. Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ thất vọng khi Brexit không diễn ra vào ngày 31/10 như ông đã nhiều lần cam kết.
Với kết quả trên, Thủ tướng Johnson tin rằng Brexit sẽ không được Quốc hội thông qua do vẫn còn có nhiều người phản đối Brexit. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lạc quan rằng nếu nhận được ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sớm trước thềm Giáng sinh, Brexit chắc chắn sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Sau khi gần 52% cử tri Anh lựa chọn "ra đi" trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, cựu Thủ tướng Theresa May là người được chọn cầm lái con thuyền Brexit với lịch trình cập bến đầu tiên dự kiến là ngày 29/3/2019. Vượt qua những bế tắc trong đàm phán, EU và Anh cũng đã ký thỏa thuận Brexit vào tháng 11/2018.
Tuy nhiên, từ khi thỏa thuận gây tranh cãi bị bác bỏ lần đầu tại Hạ viện Anh, những tính toán sau đó của cựu Thủ tướng May đều thất bại, "con thuyền Brexit" đành lỡ mốc hẹn đầu tiên 29/3, buộc bà phải lần lượt gia hạn Brexit tới tháng 4/2019 rồi lại tới tháng 10/2019 và sau đó là quyết định từ chức với hy vọng tạo bước ngoặt giúp tháo gỡ thế bế tắc.