Thế giới tuần qua: Những ngã rẽ mới

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ở những ngày cuối cùng trước 'giờ G', Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sắp có hiệu lực, Pháp vẫn đối mặt với nguy cơ khủng bố... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Bầu cử tổng thống Mỹ vào giai đoạn “nước rút”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đang nỗ lực rượt đuổi theo số phiếu bầu các bang trong bối cảnh cả hai ứng viên đều tập trung vào việc khuyến khích cử tri đi bầu vào Ngày bầu cử tới đây.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đang gấp rút vận động cử tri trước "giờ G" vào ngày 3-11 tới đây. Ảnh: CNBC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đang gấp rút vận động cử tri trước "giờ G" vào ngày 3-11 tới đây. Ảnh: CNBC.

Ông chủ Nhà Trắng dự kiến có các buổi phát biểu trước cử tri tại Michigan, Wisconsin và Minnesota trong ngày 30-10 (giờ địa phương). Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Joe Biden cũng lên kế hoạch dừng chân tại Wisconsin, Minnesota và Iowa cùng ngày.

Hơn 82 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm bằng đường bưu điện hoặc trực tiếp đến điểm bỏ phiếu. Con số này tương đương 60% tổng số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu vào năm 2016, theo Đại học Florida.

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy cử tri đảng Dân chủ bỏ phiếu qua đường bưu điện đông hơn đảng đối thủ. Trong khi đó, cử tri đảng Cộng hòa được dự báo sẽ đi bầu rất đông vào ngày bỏ phiếu toàn quốc trong tuần sau.

Trung tâm Phản ứng chính trị (CRP) cho biết, tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ sẽ đạt gần 14 tỷ USD và có thể trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử, vượt xa so với ước tính của CRP trước đó là 11 tỷ USD.

2. Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sắp có hiệu lực

Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc (LHQ). Điều này đã giúp TPNW đủ điều kiện cần thiết để chính thức có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến vào tháng 1-2021 tới đây.

Theo giới chuyên gia quốc tế, việc TPNW sắp có hiệu lực là một thành tựu lịch sử thực sự. Trong bối cảnh nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng, Hiệp ước là một công cụ được chờ đợi từ lâu để đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân bị loại bỏ và không bao giờ được sử dụng nữa.

 Tàu ngầm USS Nebraska của Mỹ phóng tên lửa hạt nhân Trident II D5 không mang đầu đạn ngoài khơi bang California. Ảnh: US Navy.

Tàu ngầm USS Nebraska của Mỹ phóng tên lửa hạt nhân Trident II D5 không mang đầu đạn ngoài khơi bang California. Ảnh: US Navy.

Bác bỏ những luận điểm rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia, TPNW đã vạch ra một tầm nhìn về an ninh tập thể, một tầm nhìn khả thi, bền vững và nhân đạo hơn. Hơn hết, hiệp ước đưa ra một lời hứa thoát khỏi “bóng đen” của vũ khí hạt nhân cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Sự kiện này diễn ra đúng dịp LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập và TPNW là một trong những nỗ lực lớn nhất của LHQ từ trước đến nay. Khi thế giới ngày càng có thêm nhiều biến động, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống, sứ mệnh của LHQ cũng cần cải tổ mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn nữa để duy trì được sức mạnh của chủ nghĩa đa phương.

TPNW được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 7-2017 và đến nay có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết. Tuy nhiên, để TPNW có hiệu lực thì cần 50 quốc gia phê chuẩn Hiệp ước này. Đáng chú ý, Mỹ, Anh, Nga và các quốc gia có vũ trang hạt nhân hùng mạnh đều từ chối ký kết TPNW, thậm chí Mỹ còn kêu gọi các nước không phê chuẩn hoặc rút lại phê chuẩn để TPNW không có hiệu lực. Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới phải hứng chịu bom nguyên tử cũng không ký kết TPNW.

3. Pháp tiếp tục tuyên chiến với khủng bố

Gần 5 năm sau loạt vụ tấn công nhằm vào thủ đô Paris, nước Pháp lại phải đối mặt với loạt vụ tấn công mới, nhất là vụ tấn công bằng dao do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện khiến 3 người thiệt mạng tại thành phố Nice.

Quy mô của các vụ tấn công lần này không lớn so với 5 năm về trước song tính chất nghiêm trọng của vụ án đã khiến dư luận Pháp một lần nữa phải chấn động. Giống như vụ một giáo viên ở thủ đô Paris bị sát hại dã man hồi đầu tháng 10, hung thủ trong vụ tấn công tại thành phố Nice cũng đã sử dụng dao để sát hại dã man các nạn nhân.

 Pháp đã tăng mức cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. Ảnh: Time.

Pháp đã tăng mức cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. Ảnh: Time.

Ngay sau vụ tấn công tại thành phố Nice, nhà chức trách Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất và lực lượng chống khủng bố đã được tăng quân số hơn gấp đôi, từ 3.000 người lên 7.000 người, để bảo vệ các công trình công cộng, cơ quan dịch vụ công cũng như các địa điểm tôn giáo.

Tính chất nghiêm trọng của vụ án không chỉ khiến dư luận Pháp mà cả thế giới không khỏi rùng mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngay lập tức đến thành phố Nice để thị sát tình hình và chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân. Tại đây, ông Macron kịch liệt lên án vụ tấn công, gửi đi thông điệp đoàn kết đến người dân, đồng thời khẳng định nước Pháp sẽ không từ bỏ bản sắc riêng.

Thể hiện sự đoàn kết với Pháp, trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết rằng, nước Mỹ ủng hộ đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, giới chức các nước tại Trung Đông, thế giới Arab và Hồi giáo cũng bày tỏ lên án kịch liệt. Trước đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp và cam kết chống lại những kẻ kích động và gieo rắc nỗi sợ hãi.

4. Mỹ áp đặt trừng phạt các thực thể liên quan Iran

Ngày 29-10, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với nhiều thực thể liên quan hoạt động mua bán các sản phẩm hóa dầu của Iran. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép đối với Tehran trong bối cảnh chưa đầy một tuần nữa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Yahoo News.

Ảnh minh họa. Nguồn: Yahoo News.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ này đã áp trừng phạt 8 thực thể có trụ sở tại Iran, Trung Quốc và Singapore.

Lệnh trừng phạt nhìn chung sẽ đóng băng các tài sản của những thực thể này tại Mỹ và cấm các công ty của Mỹ cũng như người Mỹ làm ăn với các thực thể bị trừng phạt.

Trong khi đó, Bộ tư Pháp Mỹ cùng ngày cho biết Mỹ đã bán 1,1 triệu thùng dầu của Iran bị nhà chức trách Mỹ tịch thu hồi tháng 8 vừa qua khi đang trên đường vận chuyển tới Venezuela. Mỹ thu được hơn 40 triệu USD từ việc bán số dầu này.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

5. Hy vọng hòa bình cho Libya

Bước ngoặt mới được mở ra cho Libya khi các bên đối địch tại nước này dẹp bỏ bất đồng để ký “Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức phê chuẩn văn bản này để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện, bền vững cho quốc gia Bắc Phi vốn bị chia rẽ và xung đột bạo lực kéo dài gần một thập kỷ qua.

 Libya có thể sẽ bước vào giai đoạn hòa bình, tái thiết đất nước trong thời gian tới. Ảnh: AFP.

Libya có thể sẽ bước vào giai đoạn hòa bình, tái thiết đất nước trong thời gian tới. Ảnh: AFP.

“Mùa xuân Arab” tràn qua Libya vào năm 2011 để lại sự tan hoang, hàng nghìn người chết và bị thương, hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Đất nước bị chia cắt, tồn tại hai chính quyền đối địch với nhau. Sự can thiệp từ bên ngoài biến cuộc xung đột tại Libya thành “cuộc chiến ủy nhiệm” của các cường quốc khu vực và thế giới nhằm mở rộng ảnh hưởng cũng như thu lợi từ nguồn dầu mỏ của Libya.

Tuy nhiên, sự phức tạp và kéo dài của cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này khiến các nước can dự từ bên ngoài bắt đầu cảm thấy “mệt mỏi” do gánh nặng về tài chính, áp lực về người tị nạn nhập cư trái phép. Vì thế, không loại trừ khả năng có những thỏa thuận hoặc nhượng bộ ngầm giữa các bên ủy nhiệm để giải quyết xung đột ở Libya.

Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và LHQ đều hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Libya và nhấn mạnh tới một giải pháp chính trị bền vững. Đây sẽ là cơ sở giúp Libya hướng tới tương lai hòa bình và ổn định.

6. Armenia, Azerbaijan thảo luận hướng giải quyết xung đột

Ngày 30-10, ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan đã đến Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận việc giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh, nơi bùng phát giao tranh trong hơn một tháng qua khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Thông tin trên đã được Bộ Ngoại giao của Armenia và Azerbaijan xác nhận. Theo các nhà ngoại giao ở thành phố Geneva, dự kiến, ngoại trưởng hai nước sẽ gặp các phái viên Pháp, Nga và Mỹ - những nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có nhiệm vụ giải quyết cuộc xung đột leo thang trong thời gian gần đây.

 Đối thoại là biện pháp duy nhất để giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Al Arabiya.

Đối thoại là biện pháp duy nhất để giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Al Arabiya.

Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ chỉ hiện diện tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh khi có sự nhất trí của cả Armenia và Azerbaijan.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27-9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các bên trung gian quốc tế đang nỗ lực hòa giải các bên xung đột tại khu vực này. Đến nay, 3 thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được vào các ngày 10-10, 17-10 và 25-10, tuy nhiên các bên xung đột đều cáo buộc nhau vi phạm ngay sau khi các thỏa thuận này có hiệu lực.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-nhung-nga-re-moi-642530