Thế giới và những hiểm họa không ngờ từ 'Cơn sóng thần màu xám'

'Cơn sóng thần màu xám' là cụm từ thường được nhắc đến khi nói về tình trạng già hóa dân số nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Cũng chính 'cơn sóng thần' này đang ẩn chứa những hiểm họa khôn lường tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.

“Cơn sóng thần màu xám” - hiểm họa không của riêng quốc gia nào

Già hóa, tỷ lệ sinh thấp từ hàng chục năm qua đã được xem là “quốc nạn” của đất nước Mặt trời mọc. Thậm chí, Thủ tướng nước này Kishida khi nói về sự suy giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số hiện nay tại Nhật Bản đã thốt lên đầy buồn bã: “Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa tồn vong của xã hội”.

Tháng 9/2022, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ người từ 75 tuổi trở lên vượt 15% dân số. Số người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản cũng tăng khoảng 60.000 người lên 36,27 triệu, chiếm 29,1% dân số, cao nhất từ trước tới nay, đưa Nhật Bản trở thành nước có tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cao nhất trên thế giới.

Năm 2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, số người từ 100 tuổi trở lên ở xứ sở Mặt trời mọc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 80.000 người kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 1963. Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia của Nhật Bản dự báo đến năm 2040 số người cao tuổi sẽ chiếm 35,3% dân số nước này. Một ngôi làng ở Nhật Bản thậm chí đã trải qua 25 năm mà không ghi nhận thêm một ca sinh nào.

Đất nước sẽ tiêu vong nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài. Chính những người trải qua thời kỳ suy vong sẽ phải đối mặt với tổn thất to lớn. Điều đó sẽ để lại di chứng nặng nề cho thế hệ sau”, bà Masako Mori - một cố vấn cho Thủ tướng Fumio Kishida nhận định trước thực trạng này.

Người cao tuổi di chuyển trên đường phố Nhật Bản.

Điều đáng nói là thực trạng này, đã, đang không chỉ xảy ra tại đất nước Mặt trời mọc. Một quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc hiện cũng đang phải cấp tập đối phó cho cái gọi là “già hóa dân số”, khi nhiều năm nằm trong danh sách một trong những quốc gia có tốc độ dân số già nhanh nhất thế giới và có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Theo dự báo, dân số của Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh 52 triệu người vào năm 2028 trước khi bắt đầu giảm. Tới năm 2067, dân số nước này dự kiến giảm xuống còn 39 triệu người. Trong đó, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 46%, tăng mạnh so với ước tính 15% trong năm 2019. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 2022.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường, tổng số trường vẫn không thay đổi trong nhiều năm. Già hóa dân số ngày càng tăng khiến Hàn Quốc ngày càng vất vả trong việc tạo dựng hệ thống phúc lợi dành cho người cao tuổi, hệ thống lương hưu vẫn chưa hoàn thiện theo kịp tình hình…

Trung Quốc - quốc gia nhiều thập kỷ là quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số chưa từng có. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới 1,1, trong khi 2,1 là tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số. Vào tháng 1/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết dân số nước này trong năm 2022 đã giảm mạnh 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ người. Đến năm 2035, ước tính có khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% dân số - theo dự đoán của Chính phủ. Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán rằng dân số Trung Quốc có thể bị đẩy xuống còn 587 triệu người vào năm 2100 - chưa bằng một nửa so với hiện nay.

Tại các quốc gia châu Âu, già hóa dân số cũng đã trở thành vấn đề đau đầu kéo dài nhiều năm với các Chính phủ. Thậm chí, một cụm từ riêng “mùa đông nhân khẩu học” đã được đặt ra để chỉ riêng về tình trạng già hóa dân số tại lục địa già.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân khẩu học (CED) ở Barcelona, ông Albert Esteve, châu Âu là một trong những khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất trên thế giới (một nửa dân số châu Âu hiện nay ở độ tuổi trên 44,4) trong khi tỷ lệ sinh thấp. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hơn 20% số dân Liên minh châu Âu (EU) hiện ở độ tuổi hơn 65 và con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ người hơn 80 tuổi dự kiến cũng tăng từ 5,9% năm 2020 lên 14,6% vào năm 2100.

Nhìn chung, theo cơ quan dân số của LHQ, già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh đang là vấn đề toàn cầu. LHQ cho biết, tỷ lệ dân số hơn 65 tuổi trên thế giới dự kiến tăng từ 10% năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Theo LHQ, với tỷ lệ sinh như hiện nay, từ năm 2050, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người qua đời. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số.

Nan giải tìm lối thoát

Hệ lụy, hiểm họa gây nên bởi “sóng thần màu xám” là không hề nhỏ. “Lão hóa đang diễn ra gần như khắp nơi, và diễn ra nhanh hơn so với nhiều người nghĩ. Nếu Chính phủ không có biện pháp khắc phục, chúng ta có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới - khủng hoảng dân số”, Babatunde Ostimehin, Giám đốc Điều hành của chương trình dân số của Liên Hiệp Quốc, cho biết.

Tuy nhiên, hiểm họa từ dân số già không dừng lại ở đó. Theo các chuyên gia, thực tế này đang gây áp lực lên thị trường lao động và phúc lợi của Nhà nước. Số người trong độ tuổi lao động giảm sẽ khiến nguồn thu từ thuế giảm, trong khi chi phí cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, từ đó gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội. Đơn cử như tại Trung Quốc, cứ 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng những thách thức toàn cầu như bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu và xung đột, tranh giành tài nguyên có thể bắt nguồn từ tình trạng quá tải dân số. Nói như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, già hóa dân số sẽ là một thách thức không nhỏ đối với kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, lối thoát nào khỏi “cơn sóng thần màu xám” đã, đang là câu hỏi “nóng” tại hầu hết quốc gia.

Dân số Hàn Quốc đang ngày càng già hóa. Ảnh: AFP

Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, Chính phủ các nước đã triển khai nhiều chính sách như thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.

Nhật Bản đã đưa ra Đại cương đối sách đối với vấn đề giảm tỷ lệ sinh, trọng tâm là chính sách khuyến khích kết hôn, hỗ trợ mang thai, sinh đẻ và nuôi con… Cụ thể hóa các chính sách này, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chương trình như quyết định sử dụng ngân sách để hỗ trợ sinh đẻ, sửa đổi luật nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương.

Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh đẻ tại nước này thông qua chương trình trợ cấp để khuyến khích giới trẻ ở Nhật Bản kết hôn và sinh con. Từ tháng 4/2021, các cặp đôi mới cưới ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp lên tới 600.000 yên (5.700USD) để trang trải tiền thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới. Điều kiện để nhận trợ cấp là cả chồng và vợ đều dưới 40 tuổi tại thời điểm đăng ký kết hôn và có tổng thu nhập dưới 5,4 triệu yên.

Nhật Bản cũng thực hiện nhiều nỗ lực giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống và cân bằng giữa công việc với gia đình bằng cách mở rộng số lượng các trường mầm non miễn phí, tăng cường hỗ trợ kinh tế trong quá trình nuôi con. Nâng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những giải pháp được Nhật Bản lựa chọn. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4/2021. Ngoài ra, thu hút lao động nước ngoài cũng là một biện pháp giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được.

Cách làm của Nhật Bản có thể tạm coi là một ví dụ để các quốc gia tham khảo. Dĩ nhiên, phù hợp hay không lại là câu chuyện thực tiễn của mỗi quốc gia riêng biệt.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-va-nhung-hiem-hoa-khong-ngo-tu-consong-thanmau-xam-post258894.html