Thế giới vẫn ghi nhận trên 370.000 trường hợp mắc COVID-19 mỗi ngày
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu vẫn ở mức rất cao, với trung bình trên 370.000 trường hợp được ghi nhận mỗi ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 1/7 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 339.484 ca, số tử vong tăng 7.101 ca.
Trong ngày 30/6, số ca bệnh tại châu Âu tăng 68.982 ca; Bắc Mỹ tăng 22.211 ca; Nam Mỹ tăng 72.879 ca; châu Á tăng 146.028 ca; châu Phi tăng 29.060 ca; châu Đại Dương tăng 324 ca.
Tính đến nay, thế giới có tổng cộng 182.911.284 ca COVID-19, trong đó 167.417.899 khỏi bệnh; 3.961.005 ca tử vong và 11.532.380 ca đang điều trị (79.318 ca diễn biến nặng).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có thêm trên 2,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 57.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trên thế giới trong vòng một tuần qua. Số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu vẫn ở mức rất cao, với trung bình trên 370.000 trường hợp được ghi nhận mỗi ngày.
Theo WHO, tình trạng lây lan của các biến thể nguy hiểm ngày càng phức tạp, trong đó biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh vào tháng 9/2020 đã lây lan sang 172 quốc gia; biến thể Beta được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi được ghi nhận ở 120 quốc gia; biến thể Gamma được phát hiện ở Brazil vào tháng 9/2020 đã có mặt ở 72 quốc gia.
Đặc biệt, chỉ trong tuần qua, biến thể Delta được ghi nhận đầu tiên ở Ấn Độ đã lây lan sang 11 quốc gia mới, nâng tổng số quốc gia xác nhận có người nhiễm biến thể này lên con số 96. Các chuyên gia nhận định rằng biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh nhiều nhất trong những tháng tới.
Tại châu Âu, Nga thông báo có thêm 669 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Nga cũng ghi nhận thêm 21.042 ca mắc mới, trong đó có 5.823 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.514.599, trong đó có 135.214 ca tử vong. Theo Chính phủ Nga, số ca mắc gia tăng là do biến thể Delta.
Tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp, Giáo sư Jean-François Delfraissy, nhận định quốc gia châu Âu này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 do sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine sẽ giúp giảm thiểu tác động của làn sóng dịch mới, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia y tế, có thể tấn công Pháp vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Pháp đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế được áp đặt từ tháng 4 vừa qua đối với các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng và các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn đang được gia hạn tại các khu vực Tây Nam do sự lây lan của biến thể Delta. Nước Pháp đang trong quá trình mở cửa lại theo từng giai đoạn. Dự kiến, vào ngày 9/7 tới, các hạn chế liên quan đến hộp đêm sẽ được dỡ bỏ.
Tại Hàn Quốc, ngày hôm qua nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong hai tháng trở lại đây với 794 ca, trong đó có 759 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 156.961 người. Số ca mắc mới tăng mạnh sau khi xuất hiện một loạt các ổ lây nhiễm tập thể ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, bao gồm tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon.
Trước sự quan ngại về biến thể Delta và người dân có tâm lý lơ là phòng dịch, giới chức y tế Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch tăng cường đối với các cơ sở dễ phát sinh lây nhiễm như nhà hàng, quán cà phê và phòng tập thể dục trong nhà, ở khu vực thủ đô trong hai tuần, cho đến ngày 14/7 tới. Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội có thể làm bùng phát số ca mắc mới do những người trong độ tuổi từ 20 đến 50 vẫn chưa được tiêm phòng.
Tính đến hết tháng 6, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi một cho 15,32 triệu người (tương đương 29,8% dân số). Khoảng 9,5% (4,90 triệu người) đã tiêm đủ liều. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn tất tiêm phòng cho khoảng 36 triệu người vào tháng 9 tới để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo tiếp tục cấm các chuyến bay quốc tế thương mại đi và đến nước này cho đến ngày 31/7. Tuy nhiên, hạn chế này không áp dụng đối với các máy bay chở hàng quốc tế hoặc các chuyến bay đặc biệt. Ấn Độ đã cấm các chuyến bay thương mại khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hoàn toàn vào cuối tháng 3 nhằm khống chế dịch COVID-19.
Tại Bangladesh, quân đội nước này sẽ thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ ngày 1/7, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang gia tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta. Hầu hết các hạn chế trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 4 vừa qua đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, do số ca nhiễm mới trong tuần này tăng cao kỷ lục, chính phủ nước này buộc phải ra lệnh giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt trong một tuần.
Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong tuần này, với 7.666 ca nhiễm mới trong ngày 29/6 và 112 ca tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 904.436 ca COVID-19, trong đó có 14.388 người không qua khỏi.