Thế giới về đêm của cộng đồng LGBTQ+

Sàn diễn lấp lánh, trang phục lộng lẫy, con người cháy hết mình là những gì đang diễn ra với cộng đồng LGBTQ+ mỗi khi đêm về.

“Đồ da, trang phục lấp lánh, giày cao gót và những chiếc váy xếp ly đã làm chao đảo Bắc Kinh những tháng gần đây, đặc biệt là trong đại dịch. Cộng đồng LGBTQ+ của Trung Quốc đang tạo ra sân chơi để tôn vinh họ”, SCMP mở đầu bài viết thế giới về đêm của những người “yếu thế”.

Sashaying (thuật ngữ chỉ cách sải bước với thần thái thu hút) xuống đường băng với bộ trang phục lông, đội tóc giả cao, lớn, trang điểm đậm và ấn tượng, các nghệ sĩ biểu diễn đã thể hiện nhiều dáng pose khiến khán giả thấy thú vị.

Hình thức vũ hội đang phổ biến trong cộng đồng LGBTQ+ Trung Quốc.

Hình thức vũ hội đang phổ biến trong cộng đồng LGBTQ+ Trung Quốc.

Nguồn gốc vũ hội

Hình thức khiêu vũ trong các vũ hội nở rộ ở New York vào những năm 1980. Trước đó, thể loại này phát triển được hơn 20 năm tại Harlem, New York. Thuật ngữ “Balls” chỉ nền “văn hóa ngầm”, nơi những người yếu thế trong cuộc sống chọn cách “xuống lòng đất” để thi sắc đẹp và khả năng khiêu vũ.

Balls từ một dạng vũ hội thông thường dần trở thành nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là những cộng đồng thường bị xem thường như da màu, Latin, để giao lưu và tự do thể hiện bản thân.

Những người biểu diễn được nhóm lại thành những gia đình. Trong đó, người giỏi nhất hoặc có tinh thần trách nhiệm nhất tự xưng là mẹ. Con cái của họ có thể lớn tuổi hơn chính họ, nhưng đều sống dựa vào nhau với sự đoàn kết mãnh liệt.

Nói cách khác, gia đình drag, vũ hội là lựa chọn của những cá nhân bị người nhà từ bỏ chỉ vì thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Drag queen ngày càng phổ biến nhờ truyền hình thực tế và phim ảnh.

Drag queen ngày càng phổ biến nhờ truyền hình thực tế và phim ảnh.

Năm 1990, nữ hoàng nhạc pop Madonna đã đưa nền văn hóa ngầm đến với khán giả đại chúng bằng bản hit Vogue. Những điệu nhảy của người đồng tính, chuyển giới dần được yêu thích, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt lớp dạy nhảy ở Mỹ và châu Âu.

Ngày nay, văn hóa drag queen và vũ hội dưới lòng đất càng thịnh hành và phổ biến nhờ vào chương trình truyền hình thực tế RuPaul's Drag Race (nơi các thí sinh giả gái và tranh tài thi thố) và Pose - series trên Netflix nói về những buổi vũ hội dưới lòng đất, góc khuất cuộc đời của cộng đồng LGBTQ+ những năm 1980.

Gần đây, cộng đồng châu Á dần tiếp thu văn hóa phương Tây, drag trở thành một nền văn hóa du nhập vào châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Việt Nam.

Trung Quốc lăng xê văn hóa drag queen

Ngày nay, hàng trăm thanh niên thuộc cộng đồng LGBT Trung Quốc, trong số đó có không ít người ở xa xôi đổ về Bắc Kinh để tham dự buổi vũ hội.

Với các hạng mục bao gồm Butch Queen Realness (Nữ hoàng giả gái số một), Drag Queen Lip Sync (Ai hát nhép đỉnh nhất) và Vogued Open To All (Điệu nhảy chinh phục thế giới), các nghệ sĩ sẽ phơi bày những thứ tốt nhất cho ban giám khảo.

“Đây là sân chơi cho nhóm người yếu thế”, Li Yifan, biệt danh Bazi, 27 tuổi, nhà tổ chức những buổi vũ hội ở Trung Quốc, nói với SCMP. Hiện tại, anh được xem là trụ cột của thể loại khiêu vũ đang âm thầm phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

Văn hóa drag queen đang thịnh hành ở Trung Quốc.

Văn hóa drag queen đang thịnh hành ở Trung Quốc.

Năm 2001, đồng tính luyến ái ở Trung Quốc bị xem là bệnh tâm thần. Hầu hết người thuộc cộng đồng LGBTQ+ sống trong lo sợ, bao gồm sự chỉ trích, áp dụng luật pháp với người đồng tính...

Giờ đây mọi chuyện đã khác.

Theo lời Bazi, những người tham dự một vũ hội cảm thấy có luồng sinh khí rất mạnh mẽ chảy trong người. Đây là dịp để họ “sống thật”, thể hiện giới tính và xu hướng tính dục theo cách riêng.

Bazi cho rằng đây là “nền văn hóa phụ trợ trong hệ thống văn hóa lâu đời của Trung Quốc”. Tuy nhiên, nó dần trở thành xu hướng chủ đạo, đặc biệt phát triển ở nhiều nơi tại Trung Quốc, sau khi nở rộ ở Thượng Hải.

Theo Bazi, điều anh không ngờ là balls và vogue lại nở rộ, được phụ nữ Trung Quốc yêu thích. Lý giải điều này, anh cho rằng phụ nữ ở xứ tỷ dân không khác gì cộng đồng LGBTQ+. Họ bị chế độ gia trưởng đàn áp, không thể phản kháng và tìm đến vũ hội để được rũ bỏ cảm giác bị áp bức.

"Tôi uống nước, đi toilet cũng phải catwalk"

Hua Hua, 23 tuổi, nghệ sĩ biểu diễn drag queen nói: “Voging, vũ hội còn rất non trẻ ở Trung Quốc nhưng chúng đang dần chiếm ưu thế, được phát triển bởi những người nhiệt huyết và đam mê”.

Năm 2016, Hua Hua bắt đầu tiếp cận giới vũ hội. Nhớ lại ngày đầu, chàng trai khoác lên mình bộ tóc giả, váy dạ hội đính lông vũ đến tham gia và trở nên yêu thích.

Điều đặc biệt, khi đến với vũ hội, họ được chọn hóa thân thành nhiều hình tượng khác nhau. Hôm nay, bạn có thể là minh tinh thanh lịch của Hollywood cổ điển, ngày mai, người tham gia hoàn toàn trở thành siêu mẫu của thời trang cao cấp hiện đại. Và nếu muốn trở thành hoàng tộc, không ai có quyền cấm bạn, thậm chí được ủng hộ, hoan nghênh.

“Bạn có thể tự do thể hiện giới tính, sự gợi cảm. Bạn bước lên sân khấu với thái độ 'Tôi xinh đẹp, tao nhã, mọi người được như tôi không?'”, Hua Hua nói với SCMP, đồng thời tạo dáng, thực hiện động tác đặc trưng của giới vũ hội.

Nhiều nghệ sĩ tìm được an ủi sau khi tiếp cận văn hóa drag queen, vũ hội.

Nhiều nghệ sĩ tìm được an ủi sau khi tiếp cận văn hóa drag queen, vũ hội.

Đối với Hua Hua, vũ hội và những điệu nhảy giúp họ cảm thấy thoát khỏi sự tù túng của xã hội Trung Quốc. Những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng cảm thấy “lần đầu tiên được giải thoát và hạnh phúc thực sự”, sau khi trải qua tuổi thơ bất hạnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội chỉ vì bản dạng giới và xu hướng tính dục luôn bị cho là “khác người”.

“Nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Mỗi ngày, dù đi toilet hay thậm chí là đi lấy nước uống, tôi không đi bình thường mà tưởng tượng mình sống trong vũ hội, catwalk theo phong cách uyển chuyển”, Hua Hua nói trong tự hào.

Tuy nhiên, dưới sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, nhiều người lo sợ văn hóa vũ hội bị thương mại hóa, dễ bị hiểu sai nguồn gốc và đánh giá tiêu cực.

Vũ hội có lịch sử ra đời khá bi thảm. Đây là hình thức khiêu vũ được tạo ra từ những khổ đau của thế hệ bị phân biệt chủng tộc, trầm cảm, người thuộc cộng đồng LGBTQ+ bị gia đình, xã hội ruồng bỏ.

“Nhiều người đã ngã xuống vì bị kỳ thị, đánh đập và là nạn nhân của HIV/AIDS. Một khi muốn tìm hiểu vogue, bạn phải tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa và lịch sử đằng sau”, Hua Hua nói thêm.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-ve-dem-cua-cong-dong-lgbtq-post1200586.html