Thế giới vinh danh âm nhạc Hoàng Vân

Hội đồng UNESCO đã nhất trí ghi danh bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân vào Danh mục Ký ức thế giới vào ngày 11/4/2025. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới.

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh là Di sản Tư liệu thế giới, chưa từng có tiền lệ khi tài liệu lưu trữ cá nhân của nhạc sĩ do gia đình thu thập, bảo quản chứ không phải do cơ quan Nhà nước.

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân có gần 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác, đang được bảo quản và lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Đây không chỉ là một danh mục các sáng tác, mà còn là một kho tư liệu gốc đồ sộ, phản ánh gần 60 năm lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ từ năm 1951 đến năm 2010 của người nhạc sĩ tài hoa; cũng như một lời nhắc cho các nhạc sĩ đương thời cần biết lưu giữ chính sự sáng tạo của mình.

Các bản thảo viết tay, tổng phổ, phân phổ gốc được lưu giữ trong tình trạng tốt, bên cạnh các bản in quý hiếm, phim ảnh tư liệu và đáng kể là các bản thu thanh dưới nhiều định dạng (băng, đĩa, file số). Bộ sưu tập còn bao gồm cả những cuốn sổ tay sáng tác, các bài viết, nghiên cứu về âm nhạc, từ những bản nháp nhỏ cũng được lưu giữ trọn vẹn.

Điểm nổi bật và đáng ngưỡng mộ nhất trong "bộ sưu tập" của cố nhạc sĩ Hoàng Vân chính là sự đa dạng và thành công ở nhiều lĩnh vực sáng tác. Ông không chỉ là tác giả của những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, những bài hát thiếu nhi trong trẻo được nhiều thế hệ yêu thích, mà còn là một nhà soạn nhạc tài ba với các tác phẩm giao hưởng, concerto, nhạc thính phòng có giá trị nghệ thuật cao. Sự uyên bác và khả năng làm chủ nhiều hình thức âm nhạc đã giúp ông kiến tạo nên một di sản phong phú, hiếm có.

Tại sao gia tài âm nhạc của Hoàng Vân là Di sản Tư liệu thế giới?

Bộ sưu tập gồm hơn 700 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Di sản của nhạc sĩ Hoàng Vân gần gũi, đáp ứng nhu cầu của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Chẳng hạn, nhạc trưởng có thể tham khảo bản thu, nhà sư phạm dùng tổng phổ làm công cụ chuẩn để giảng dạy.

Theo đánh giá, đây không chỉ là di sản âm nhạc, mà còn là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam trong bối cảnh hậu thuộc địa, góp phần làm sáng tỏ lịch sử âm nhạc thế giới. Sự phong phú về thể loại, từ giao hưởng, nhạc phim đến ca khúc cùng nội dung sâu sắc đã nâng tầm giá trị toàn cầu của bộ sưu tập.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, hiện là Chuyên gia Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) của Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World – MoW) của UNESCO, cho biết: "Trong đánh giá của UNESCO đối với hồ sơ này, đây là hồ sơ rất phong phú, cả về vật mang tên, cả giấy, báo, ảnh, băng từ, băng điện tử. Sau khi được ghi danh, bộ sưu tập của cố nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ rất có giá trị. Theo tôi, giá trị nằm ở việc đóng góp cho tư liệu để nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam cũng như lịch sử âm nhạc thế giới. Hiện nay, trên thế giới, mảng nghiên cứu về lịch sử âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc Việt Nam vẫn là một khoảng trống. Rất nhiều nhạc sĩ nổi danh ở nước ngoài cũng nghiên cứu, nhưng là nghiên cứu về âm nhạc truyền thống".

Nhạc sĩ Hoàng Vân là đại diện cho thế hệ nhạc sĩ sinh ra và lớn lên thuộc nửa sau thế kỷ 20. Ông đã để lại những dấu ấn rất quan trọng trong việc sáng tác và đóng góp cho bản đồ âm nhạc hiện đại sau này, Chuyên gia Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) cho biết thêm. "Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được lưu danh như một hồi chuông thức tỉnh các văn, nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu âm nhạc phải gìn giữ các bản thảo của mình. Ngày hôm nay là tài sản cá nhân, nhưng ngày mai sẽ là di sản ký ức của khu vực và của thế giới", Tiến sĩ Hương nói.

Âm nhạc Hoàng Vân trong lòng công chúng

Nếu là người yêu thích âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, có thể dễ dàng nhận ra, trong tất cả các bài hát do ông chắp bút đều có rõ màu mắc, âm hưởng dân ca Việt Nam. Nhạc sĩ Hoàng Vân bắt đầu chắp bút sáng tác vào năm 1951. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời khoảng 700 tác phẩm với nhiều thể loại và hình thức âm nhạc khác nhau, từ các khúc tráng ca đến ngợi ca; từ tình ca đến du ca; từ dân ca đến những nhạc phẩm đậm chất quốc tế; từ thanh niên cho đến nhạc thiếu nhi.

Ông còn là tác giả của những bản giao hưởng nổi tiếng như: "Thành đồng Tổ quốc", nhạc vũ kịch "Chị Sứ", các tác phẩm viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Hồi tưởng", "Việt Nam muôn năm", "Vượt núi", "Điện Biên Phủ"... Bên cạnh âm nhạc hàn lâm, ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, tác phẩm khí nhạc... Ông cũng viết về Hà Nội, về thiếu nhi nhưng mang âm hưởng Tây Nguyên; viết về Quảng Bình nhưng lại có âm hưởng của chèo hoặc quan họ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc. Ông cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp của Việt Nam. Dù ở thể loại nào, cái tên Hoàng Vân cũng ghi dấu ấn khó quên với công chúng nhiều thế hệ.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát chia sẻ về cố nhạc sĩ Hoàng Vân: "Có nhiều bài hát hay về những người công nhân, những người lao động, những người thầy giáo. Tôi thấy đó là một mảng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nói đến nhạc sĩ Hoàng Vân, không thể thiếu những bài hát như thế".

Còn với nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Hoàng Vân là một người đặc biệt. Ông chia sẻ: "Nhạc sĩ Hoàng Vân là người tôi luôn luôn kính trọng. Con ngưòi ông cũng như tài năng của ông, âm nhạc rất hiện đại nhưng rất dân tộc. Cảm nghĩ về các bài hát của nhạc sĩ ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ".

Âm nhạc Hoàng Vân cũng có sức lan tỏa tới nhiều bạn trẻ ngày nay. "Nhạc sĩ Hoàng Vân có rất nhiều sáng tác bất hủ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi biểu diễn, dù được sinh ra ở thời kỳ độc lập nhưng vẫn cảm nhận rất rõ sự vất vả và xương máu đã đổ xuống của cha ông chúng mình", bạn Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho hay.

Âm nhạc của Hoàng Vân không chỉ là di sản được UNESCO vinh danh – mà còn là dòng chảy cảm xúc sống mãi trong lòng người Việt. Đó là những thanh âm nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/the-gioi-vinh-danh-am-nhac-hoang-van-322348.htm