Thế giới với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine: Bất đồng gia tăng
Những gì đang diễn ra gần đây trên chính trường quốc tế cho thấy, Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục chính sách nhằm gây khó khăn thêm cho Nga bằng cách loại bỏ dần những quốc gia có thể duy trì quan hệ đồng minh với Moscow. Tuy nhiên, xem ra, kế hoạch này có vẻ như đang càng ngày càng kém hấp dẫn đối với phần còn lại thế giới.
Mới đây nhất, ngày 25/2, tại Bengaluru, bang Karnataka của Ấn Độ, Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã kết thúc mà không thống nhất được với nhau nội dung tuyên bố chung chỉ vì những góc nhìn khác nhau về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Ấn Độ đã sử dụng quyền chủ nhà để đơn thuần công bố một văn bản mang tính tổng kết trung dung về các nội dung làm việc sau 2 ngày hội nghị diễn ra.
“Đồng sàng dị mộng”
Tại hội nghị ở Bengaluru, Mỹ và các đồng minh trong nhóm “đại gia” G-7 yêu cầu các phái đoàn thành viên của G-20 phải cùng lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, coi đó là một cuộc chiến tranh! Nga và Trung Quốc đã phản đối quan điểm này. Nước chủ nhà Ấn Độ giữ thế trung lập và cho rằng, chiến tranh là một từ không thích hợp để chỉ những gì đang diễn ra tại Ukraine. Thế là, “đồng sàng dị mộng”, thông cáo chung đã không thể được thông qua. Trong văn bản tổng kết hội nghị, Ấn Độ đã đưa vào cả ghi nhận về những bất đồng trong G20 về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu, khi nắm quyền nước chủ nhà đối với hội nghị này, Ấn Độ đã bày tỏ ý không muốn đưa vào nội dung thảo luận những gì liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, sức ép từ nhóm G-7 là rất lớn. Tuy vậy, trong văn bản tổng kết mà nước chủ nhà Ấn Độ soạn thảo đã chỉ đề cập tới việc bị phá vỡ của chuỗi cung ứng, những mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính và tình hình bất ổn về năng lượng cũng như lương thực đang tiếp diễn. Văn bản cũng chỉ ghi nhận là “đại đa số các thành viên phê phán kịch liệt cuộc xung đột tại Ukraine” và “nhấn mạnh rằng nó đã gây nên những sự đau khổ vô cùng to lớn cho con người và làm sâu sắc hơn những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế thế giới”.
Tuy nhiên, văn bản cũng khẳng định: “Còn có những cái nhìn khác và những đánh giá khác đối với tình hình và những biện pháp trừng phạt”. Các nhà báo theo dõi hội nghị tài chính G-20 ở Bengaluru vừa rồi đã lưu ý tới nét giống của nó với hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali tháng 11/2022, khi nước chủ nhà Indonesia cũng phải công nhận những quan điểm khác nhau của các nước thành viên trong văn bản tổng kết.
Không thể thống nhất
Những nỗ lực rất nóng của Mỹ và phương Tây trong việc tập hợp một mặt trận chung chống lại Nga trên các diễn đàn quốc tế không phải không mang lại những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, còn xa mới tới được mục tiêu đã định. Ngày 23/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) trong phiên họp đặc biệt về Ukraine đã thông qua một nghị quyết chống Nga do các nước phương Tây soạn thảo về “những nguyên tắc cơ sở cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine”. Phiên họp được tổ chức nhân một năm bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. 141 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ, 7 nước bỏ phiếu chống và 32 nước đã bỏ phiếu trắng. Nghị quyết này đã được chắp bút chủ yếu dựa trên góc nhìn của Ukraine về “một thế giới công bằng”.
Trong đó có nói: “Đại hội đồng kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế nhân đôi sự ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine phù hợp với Hiến chương LHQ”. Nghị quyết cũng kêu gọi Nga phải rút ngay lập tức các lực lượng vũ trang của mình ra khỏi lãnh thổ Ukraine trong ranh giới đã được quốc tế công nhận của nước này”. Đây đã là nghị quyết thứ 6 chống lại Nga ở LHQ kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu.
Tuy vậy, cộng đồng quốc tế vẫn không thể đạt được cách đánh giá thống nhất theo ý phương Tây đối với sự kiện này. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EC) về đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrel, từ New York trở về đã than phiền về tình trạng “ông chẳng bà chuộc” trên thế giới và “những cuộc khủng hoảng đang tích tụ”.
Ông Borrel nói: “3 ngày đã qua ở New York khẳng định lại lời nhận xét rằng LHQ là tấm gương phản chiếu tình trạng thế giới. Nếu nhìn ra ngoài ranh giới Ukraine thì sẽ thấy rõ rằng, những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tích tụ dần dà, nhưng phản ứng toàn cầu thì hoặc bị phong tỏa, hoặc còn chưa đủ. Một tình trạng “không có vua” và thiếu sự thống nhất”. Theo ông Borrel, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cũng như tình trạng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington “đang làm rách tung tấm vải mà chúng ta vẫn gọi mà một trật tự thế giới dựa trên những quy tắc”...
Bất đồng vẫn nguyên
Cho tới ngày hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ nguyên quan điểm từ đầu rằng, Liên bang Nga phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt là một việc cực chẳng đã, “nước Nga không còn được một cơ hội nào để làm khác” vì “người ta đã tạo ra những mối nguy hiểm trong lĩnh vực an ninh lớn đến mức không thể nào hành xử bằng những phương tiện khác được”. Ông Putin nhấn mạnh, là trong suốt thời gian qua, NATO bất chấp mọi sự phản đối của Nga, đã không ngừng mở rộng và tiến ngày một sát hơn tới biên giới Nga...
Moscow giữ nguyên quan điểm cũ khi ngày 24/2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên trang web của mình đã công bố dự thảo kế hoạch hòa bình cho tình hình ở Ukraina, gồm 12 điểm. Theo đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, điều quan trọng nhất trong vấn đề này là ngừng bắn và khôi phục lại các cuộc thương lượng hòa bình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh tới việc cả hai bên đều cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng những tiêu chuẩn kép. Bắc Kinh cho rằng, “đối thoại và thương lượng là giải pháp duy nhất có sức sống của cuộc khủng hoảng Ukraine” và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, thực hiện Hiến chương LHQ và từ bỏ những lề thói tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh. Dự thảo kế hoạch hòa bình của các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đề nghị làm giảm mức độ khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ thường dân và các tù binh. Để đạt mục tiêu đó, cần phải tạo ra những điều kiện mà trong đó cả hai bên có thể dễ dàng trao đổi tù binh.
Một vấn đề được đặc biệt quan tâm là an ninh tại các cơ sở hạt nhân hòa bình như các nhà máy điện nguyên tử và việc không sử dụng vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh cũng yêu cầu các bên thực hiện thỏa thuận về chuyên chở lương thực trên Biển Đen do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ đã ký, đồng thời kêu gọi bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương. Bắc Kinh đặc biệt lưu ý: “Những biện pháp trừng phạt đơn phương và sự o ép quá mức không giải quyết được vấn đề mà còn làm nảy sinh ra những vấn đề mới”. Bắc Kinh cũng kêu gọi khôi phục lại Ukraine sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga kết thúc và bày tỏ sự sẵn sàng góp sức tham gia vào việc này.
Ngay sau đó, trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra đánh giá về kế hoạch của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine. Theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, Nga trân trọng đóng góp của Trung Quốc trong cố gắng chấm dứt chiến sự tại Ukraine. Hơn nữa, Nga sẵn sàng đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt bằng con đường chính trị - ngoại giao. Trong bối cảnh hiện nay, phía Nga cho rằng cần thảo luận việc Ukraine phải công nhận thực tế các ranh giới lãnh thổ, chấm dứt mọi sự viện trợ vũ khí và các hoạt dộng quân sự, đưa Ukraine trở về cơ chế không tham gia các liên minh. Tựu trung, Moscow “đồng tình với những lý lẽ của Bắc Kinh” vì nước Nga cũng “luôn giữ nguyên tắc tuân thủ Hiến chương LHQ”. Tổng thống Putin cũng lên tiếng chào đón kế hoạch của các nhà ngoại giao Trung Quốc...
Trái lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC lại cho rằng, kế hoạch đó chỉ có lợi cho Moscow chứ không một ai khác nữa. Ông Biden cho rằng, ý tưởng của Bắc Kinh về việc thương lượng với Nga thay vì với Ukraine về kết thúc xung đột là “phi thực tế”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đáp lại rằng những ý kiến từ Washington như thế là “không có cơ sở và vu khống”. Theo Bắc Kinh, tất cả quan điểm của phương Tây hoàn toàn dựa trên sự phê phán những gì được đưa ra, trong khi lại không tự làm bất cứ việc gì theo hướng tìm kiếm hòa giải...
Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã bày tỏ thái độ của mình đối với kế hoạch hòa bình của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Theo ông, hoàn toàn không tồi chút nào khi Bắc Kinh bắt đầu nói tới Ukraine. Nhưng, ông tỏ ra không thích thú khi trong kế hoạch đó đã không nhắc cụ thể tên quốc gia mà cần phải “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ” của nó. Cũng theo ông Zelensky, kế hoạch của các nhà ngoại giao Trung Quốc có vẻ không giống như một nghị quyết hay một kế hoạch mà lại chỉ giống như một bản trình bày những suy tư! Ông nhấn mạnh rằng, Kiev sẽ chỉ làm việc với Bắc Kinh nếu trong câu chuyện có nói tới việc tôn trọng luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine...
Xem ra, những bất đồng lưu cữu và ngày một gia tăng như thế sẽ khiến cho đường còn xa, gánh còn nặng trong những nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho mảnh đất Ukraine vốn từng vô cùng trù phú và xinh đẹp...