Thế giới vượt 135 triệu ca mắc COVID-19

Người vô gia cư nhận bữa ăn miễn phí tại Sao Paulo, Brazil, ngày 23/3/2021 - Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.600 ca tử vong mới và trên 750.000 ca nhiễm mới. Số ca tử vong tại châu Âu đã vượt ngưỡng 1 triệu trong khi tổng ca nhiễm trên toàn thế giới vượt mốc 135 triệu.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 10/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 135,260,024 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.927.082 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 756.051 và 12.666 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 108.840.191 người, 22.863.119 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 99.070 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (144.829 ca), Brazil (86.850 ca) và Mỹ (78.488); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.431 ca), tiếp theo là Mỹ (852 ca) và Ấn Độ (773 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 31.795.892 triệu người, trong đó có 574.763 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 13.373.174 ca nhiễm, bao gồm 348.718 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 13.202.783 ca bệnh và 168.467 ca tử vong.

Theo CNN, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 9/4 khẳng đinh, làn sóng dịch thứ ba tại nước này hiện đang nghiêm trọng hơn hai làn sóng đầu, khi số ca mắc bệnh nặng và nhập viện tăng vọt trong lúc chiến dịch tiêm vắcxin chưa thể thay đổi tình hình trong vòng vài tuần tới.

"Sự chấm dứt rõ ràng đã ở trước mắt nhưng chúng ta vẫn chưa ở đó. Làn sóng thứ ba nghiêm trọng hơn và chúng ta cần giữ gìn trong vài tuần tới để đảm bảo có thể làm phẳng đường cong, hạ những con số này xuống, trao cơ hội cho vắcxin thắng thế", ông Trudeau phát biểu tại Ottawa. Tình hình đang nghiêm trọng nhất tại Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, nơi giới chức đang lo ngại "kịch bản tồi tệ nhất" của làn sóng thứ ba.

Tại Mỹ, hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson tại địa điểm hạt Cumming Fairgrounds, bang Georgia đang bị tạm ngừng để phòng ngừa, theo thông báo ngày 9/4 của Sở Y tế Georgia. Hôm 7/4, 8 người đã có phản ứng phụ nặng sau khi được tiêm, trong đó một người phải nhập viện và 7 người còn lại được theo dõi ở địa điểm tiêm.

Georgia ít nhất là bang thứ ba đang đánh giá các sự cố sau tiêm vắcxin Johnson & Johnson. Trước đó, hai bang North Carolina và Colorado cũng tạm ngừng tiêm vào đầu tuần này.

Trong khi đó, Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết số ca tử vong COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 1 triệu ca, cụ thể là 1.001.313 người đã tử vong. Theo số liệu của worldometers.info, tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 của "Lục địa Già" hiện là 41.201.266 người.

Cơ quan Giám sát dịch vụ chăm sóc sức khỏe Liên bang Nga (Roszdravnadzor) khẳng định chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến các loại vắcxin ngừa bệnh COVID-19 sản xuất trong nước, trong khi các tác dụng phụ tiêu cực chỉ xuất hiện ở 0,1% số người được tiêm các vắcxin này.

Trong một tuyên bố ngày 9/4, Bộ Y tế Nga dẫn lời người đứng đầu Roszdravnadzor Alla Samoylova nêu rõ kể từ khi sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước, Nga chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Trong khi đó, ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya - nơi đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển vắcxin Sputnik V, cho biết cũng như các loại vắcxin khác, vắcxin Sputnik V có hiệu quả thấp phòng ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi. Tuy nhiên, Sputnik V lại có khả năng vô hiệu hóa biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.

Hiện Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phải nộp phạt vì vi phạm quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 khi tổ chức một buổi gặp mặt gia đình mừng sinh nhật. Khoản tiền phạt là 20.000 krone Na Uy, tương đương 2.352 USD. Tháng trước, Thủ tướng Solberg đã lên tiếng xin lỗi người dân vì đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình cùng 13 người thân trong gia đình tại một khu nghỉ dưỡng hồi cuối tháng 2 vừa qua, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người.

Ngày 9/4, Chính phủ Đức thông báo các lãnh đạo nước này đã nhất trí siết chặt luật quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Trả lời báo giới, phó phát ngôn viên chính phủ Ulrike Demmer cho biết Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba của COVID-19, do đó chính quyền liên bang và các bang đã nhất trí bổ sung luật quốc gia.

Bà Demmer nêu rõ mục tiêu là tạo ra các quy định quốc gia đồng nhất và dự thảo sửa đổi luật nói trên sẽ được trình lên nội các vào ngày 13/4 tới để thông qua. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số liệu chính thức được công bố cùng ngày 9/4 cho thấy Đức ghi nhận thêm 25.464 ca mắc trong 24 giờ qua, trong khi giới chức y tế cảnh báo nhiều bệnh viện có thể sẽ sớm rơi vào quá tải.

Chủ tịch Hiệp hội Y học chuyên sâu DIVI Gernot Marx bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay, đồng thời cho biết hệ thống y tế của quốc gia châu Âu này đang “trên bờ vực" quá tải. Ông Marx nêu rõ hiện trên cả nước chỉ còn 3.000 giường trống trong các khu điều trị đặc biệt sau khi số ca nhập viện tăng mạnh trong những tuần gần đây. Đến thời điểm hiện tại, Đức ghi nhận hơn 2,97 triệu ca mắc COVID-19 và 78.000 ca tử vong.

Tại Ấn Độ, cùng ngày, chính quyền bang Delhi yêu cầu tất cả các trường công và tư tại bang đóng cửa cho đến khi có chỉ thị tiếp theo, khi số ca mắc tăng vọt tại khu vực này. Trong khi đó, Sở Giáo dục Delhi ban hành thông tư chính thức, trong đó yêu cầu các trường lập tức tạm dừng mọi kỳ thi cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Trong những ngày qua, bang Delhi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Theo số liệu chính thức được công bố sáng 9/4, bang này có thêm 7.437 ca mắc và 24 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tính trên cả nước, Ấn Độ ghi nhận thêm 131.968 ca nhiễm mới và 780 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong trên toàn quốc lên lần lượt là 13,06 triệu và 167.642 ca.

Tại Nhật Bản, tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt 500.000 người, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19. Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản khá nhanh, chỉ mất hai tháng để số ca nhiễm tăng thêm 100.000 ca từ mức 400.000 ca hồi đầu tháng 2. Trong 3 ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đều ở mức hơn 3.000 người. Do đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Kyoto và tỉnh Okinawa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 12/4 tới. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Kyoto và Okinawa vào ngày 5/5 và ở thủ đô Tokyo vào ngày 11/5.

Giới chức y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với làn sóng dịch mới mạnh hơn, với khả năng số ca lây nhiễm theo ngày có thể tăng gấp đôi trong những tuần tới. Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ không nâng mức giãn cách xã hội mà tiếp tục duy trì các hạn chế như hiện nay trong 3 tuần nữa. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 671 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 644 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 108.269 ca. Số ca mắc mới giảm so với mức cao nhất trong 3 tháng là 700 ca, nhưng vẫn ở mức trên 668 ca. Số ca tử vong do COVID-19 của Hàn Quốc là 1.764 ca.

Mông Cổ cũng đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc sau khi số ca mắc mới trong nhiều ngày qua ở mức hơn 500 ca/ngày, chủ yếu tại thủ đô Ulan Bator với 3,3 triệu dân. Biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 10/4 đến ngày 25/4.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong một ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 576 ca, trong đó có thủ đô Phnom Penh (544 ca), tỉnh Svai Rieng (16 ca), Preah Sihanouk (12 ca), Siem Reap (2 ca), Kandal (1 ca), Kampong Cham (1 ca). Trước tình hình lây nhiễm nghiêm trọng hiện nay, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine kêu gọi người dân nên đón Tết Khmer truyền thống ở nhà (từ ngày 14-16/4), thực hiện triệt để các hướng dẫn về phòng chống dịch gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác.

Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí, tiệm massage và những tụ điểm ban đêm khác tại 41/77 tỉnh trên toàn quốc trong ít nhất 14 ngày, kể từ ngày 10/4. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát gần đây của dịch COVID-19 lây lan từ các quán rượu và câu lạc bộ ở khu vực Thong Lor của thủ đô Bangkok. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho tới ít nhất ngày 23/4.

Trong khi đó, chính quyền Iraq đã phong tỏa toàn bộ các khu vực ở thủ đô Baghdad và tuyên bố sẽ đóng cửa những trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn và các cơ sở y tế tư nhân tuyển dụng những lao động chưa được tiêm vắcxin phòng COVID-19.

Biện pháp này được đưa ra trước tháng lễ Ramadan bắt đầu vào tuần tới. Theo yêu cầu của Ủy ban Chính phủ về phòng chống COVID-19, các dải phân cách bằng bê tông đã được bố trí khắp thủ đô. Lệnh giới nghiêm lúc 20 giờ cùng với lệnh giới nghiêm vào các ngày cuối tuần sẽ duy trì hiệu lực trong tháng lễ Ramadan.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi các công ty du lịch hạn chế bán vé máy bay cho những người chưa có giấy chứng nhận tiêm vắcxin. Iraq ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày liên tục tăng lên mức cao mới trong vài ngày trở lại đây. Số ca mắc đã lên tới mức đỉnh điểm 8.500 ca/ngày so với 6.500 ca cách đây 2 tuần. Đến nay, quốc gia Trung Đông này có tổng cộng khoảng 911.376 ca mắc và 14.641 ca không qua khỏi vì COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254344/the-gioi-vuot-135-trieu-ca-mac-covid-19.html