Thế hệ doanh nhân bất động sản đầu tiên: Vì sao nhiều lão tướng rời 'ghế nóng'

Chỉ hơn nửa đầu năm 2024, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản thế hệ đầu tiên đồng loạt rời 'ghế nóng' với những lý do khác nhau.

Ông Đào Ngọc Thanh rời ghế Chủ tịch Vinaconex

Ngày 26/7, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) đã có thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, HĐQT đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh sau khi vị lãnh đạo này xin từ nhiệm vì “tuổi cao và phải điều trị bệnh dài ngày”.

Ông Thanh sẽ làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược vừa được thành lập của Vinaconex. Hội đồng này có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển tổng công ty.

 HĐQT đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh.

HĐQT đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh.

Sinh năm 1946 tại Hải Dương, ông Thanh từng làm giảng viên tại Đại học Xây dựng từ năm 1971. Đến năm 2003, ông tham gia sâu hơn vào thị trường bất động sản khi được ông Lương Xuân Hà - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) “rủ” ông làm dự án riêng, thay vì chỉ tham gia hỗ trợ các dự án như trước đây.

Từ đó đến nay, tên tuổi của ông Đào Ngọc Thanh gắn liền với loạt dự án lớn, trong đó nổi bật nhất là Ecopark. Ông Thanh từng làm CEO Vihajico - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark.

Ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex năm 2019, đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng nắm hơn 57% cổ phần tại doanh nghiệp xây dựng này. Khi đó, ông Thanh còn vai trò quan trọng tại nhiều công ty khác như Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Contana (CSC), Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API).

Sau khi ông chuyển sang Vinaconex, dù không có dự án bất động sản nào nổi bật nhưng Vinaconex vẫn vững sau 5 năm đại dịch Covid và trước biến động của thị trường.

Chủ tịchTập đoàn Hà ĐôNguyễn Trọng Thông xin từ nhiệm

Cùng ngày 26/7, Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) cũng cho biết nhận được đơn xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT, Chủ tịch công ty của ông Nguyễn Trọng Thông - người sáng lập và điều hành Hà Đô từ thập kỷ 90 đến nay.

Trong đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Trọng Thông nêu lý do xin nghỉ vì tuổi tác, sức khỏe, cũng như để đảm bảo pháp luật về người có liên quan. Hiện nay, ông Nguyễn Trọng Minh - con trai ông Thông - làm Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Hà Đô.

“Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng kế nhiệm”, trong đơn của ông Thông viết.

Dù rời ghế Chủ tịch HĐQT, ông vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho HĐQT với vai trò chủ tịch sáng lập. Năm nay, ông Thông 71 tuổi, sở hữu 97,3 triệu cổ phiếu HDG, tương đương hơn 31,8% vốn. Số cổ phần này có trị giá hơn 2.800 tỷ đồng, theo thị giá hiện tại.

 Ông Nguyễn Trọng Thông đã gửi đơn xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT Tập đoàn Hà Đô.

Ông Nguyễn Trọng Thông đã gửi đơn xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT Tập đoàn Hà Đô.

Thành lập năm 1990, Hà Đô tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Năm 2010, Hà Đô chuyển thành mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG. Công ty đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính.

Trong lĩnh vực bất động sản, Hà Đô là chủ đầu tư của nhiều chung cư, khu đô thị như Hà Đô Charm Villas quy mô 30ha tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Centrosa Garden gần 7ha ở quận 10 (TP HCM). Ngoài ra, tập đoàn này cũng có 3 nhà máy điện gió, mặt trời và 5 nhà máy thủy điện.

Ông Lương Trí Thìn thôilàm Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh

Sau 21 năm ông Lương Trí Thìn lãnh đạo, Đất Xanh Group (HoSE: DXG) luôn đạt Top đầu các chủ đầu tư lớn khu vực phía Nam và hệ sinh thái về phân phối vẫn bám trụ được trên các vùng miền cả nước.

Ông Thìn chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT vào ngày 3/7 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng chiến lược giống chức danh với ông Đào Ngọc Thanh. Ông Thìn là người sáng lập tập đoàn này từ năm 2003 với tiền thân là Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh.

 Ông Lương Trí Thìn thôi làm Chủ tịch HĐQT trong bối cảnh Đất Xanh Group.

Ông Lương Trí Thìn thôi làm Chủ tịch HĐQT trong bối cảnh Đất Xanh Group.

Ông Thìn thôi làm Chủ tịch HĐQT trong bối cảnh Đất Xanh Group vẫn đang ngổn ngang những khó khăn về hoàn thiện pháp lý dự án, trọng điểm là 8 dự án tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, điển hình là dự án Gem Riverside, Gem Sky World, Opal Luxury. Đây là những dự án có quy mô từ 5 - 10ha, có từ 3.000 – 5.000 sản phẩm/dự án.

Riêng dự án Gem Sky World, Đất Xanh đã bán khoảng 2.300 sản phẩm, còn lại khoảng 1.800 sản phẩm. Doanh thu dự kiến còn lại khoảng 10.000 tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo DN địa ốc cũng đồng loạt xin từ bỏ “ghế nóng”

Ngoài những doanh nhân thuộc thế hệ đầu rời “ghế nóng”, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản thế hệ kề cận cũng ồ ạt nộp đơn xin từ nhiệm. Gần đây nhất, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát Invest (HoSE: HPX) cũng ghi nhận động thái từ nhiệm từ Tổng giám đốc Đoàn Hòa Thuận.

Theo đơn xin từ nhiệm, ông Đoàn Hòa Thuận cho biết lý do từ chức tới từ sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành công ty, vì thế không thể tiếp tục tham gia vào các công việc tổng giám đốc.

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) cũng có biến động nhân sự lớn khi bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT TTC Land, có đơn từ nhiệm với lý do theo nguyện vọng cá nhân.

Trước đây, bà Ngọc từng giữ vị trí Phó chủ tịch của TTC Land và mới trở lại vị trí Chủ tịch công ty địa ốc này từ năm 2022. Theo đó, ông Nguyễn Thành Chương được bầu đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT.

Tương tự, Công ty Cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH) cũng liên tục thay đổi một loạt các vị trí tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và thành viên HĐQT. Gần đây nhất, Thủ Đức House đã bãi nhiệm ông Dương Ngọc Hải, thành viên HĐQT và bổ nhiệm ông Hoàng Anh Phúc lên thay vị trí này.

Thủ Đức House trước đó cũng đã miễn nhiệm vị trí tổng giám đốc của ông Đàm Mạnh Cường theo nguyện vọng cá nhân và bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Long lên làm, có hiệu lực từ ngày 15/4.

Hay mới đây, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 (mã SJE) Phạm Văn Tuyền cũng có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Lý do, ông Tuyền nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty.

HĐQT Sông Đà 11 đã có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền từ ngày 1/7. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Khuê, thời hạn 5 năm (2024 - 2029).

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) cũng vừa rời khỏi vị trí này. Quyết định miễn nhiệm ông Sơn được đưa ra trong bối cảnh ông “ngồi” chức vụ này chỉ đúng 5 tháng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bất động sản An Gia thay đổi vị trí tổng giám đốc chỉ sau vài tháng.

Được biết, thị trường bất động sản nửa đầu năm nay dù có khởi sắc nhưng chỉ cục bộ tại một số khu vực như Hà Nội, hầu hết các thị trường còn lại vẫn khó khăn. Cùng với đó, doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn, dự báo tình hình kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn.

Một chuyên gia cho hay, thời gian tới, với tình hình chính trị còn biến động sẽ tiếp tục có những vị “lão tướng” và những vị doanh nhân rời bỏ thị trường. Thay vào đó, sẽ có lớp doanh nhân bất động sản mới trong một chu kỳ mới.

Huyền Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/the-he-doanh-nhan-bat-dong-san-dau-tien-vi-sao-nhieu-lao-tuong-roi-ghe-nong-post176840.html