Thế hệ không dám thừa nhận mình cô đơn ở Singapore

Trong xã hội đề cao sự độc lập và tự chủ như Singapore, một người thừa nhận mình cô đơn giống như ám chỉ thất bại cá nhân hoặc có mối quan hệ tồi tệ với gia đình.

 Nhiều người già ở Singapore che giấu sự cô đơn.

Nhiều người già ở Singapore che giấu sự cô đơn.

Bà Lau (72 tuổi, Singapore), một người tham gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Người cao tuổi (CARE) tại Trường Y Duke-NUS, nói rằng luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bà đang sống cùng chồng và con trai trong một căn hộ chung cư.

Bà miêu tả chồng là "một đại trượng phu", chưa bao giờ giúp đỡ làm việc nhà hay chăm sóc con cái vì trách nhiệm chính của ông là kiếm tiền. Ông luôn lặng lẽ làm công việc của mình và không hay trò chuyện cùng vợ.

"Tôi có cảm giác chồng chẳng bao giờ quan tâm tới mình, nhưng tôi không làm gì được. Cuộc hôn nhân của tôi thật nhạt nhẽo. Tốt nhất là tôi nên sống một mình và mặc kệ ông ấy", bà nói.

3 người con khác của bà thường đến ăn tối với bố mẹ, nhưng họ liên tục lướt điện thoại. "Chúng hiện diện ở đó, nhưng chúng tôi không có sự kết nối. Khi tôi nói chuyện, mấy đứa con phớt lờ tôi".

Bà Lau thấy cô đơn khi ở nhà và mong muốn tham gia các hoạt động tại trung tâm cộng đồng.

Không dám thừa nhận cô đơn

Theo CNA, "dịch bệnh cô đơn" đang là vấn đề thu hút sự chú ý từ các lãnh đạo trên khắp thế giới. Ở Singapore, cô đơn là mối quan tâm lớn đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già.

Dù đó là một cảm xúc tự nhiên, có thể tác động tới mọi người ở mọi hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng không phải ai cũng dám thừa nhận mình cô đơn. Đặc biệt, xã hội Singapore luôn nhấn mạnh vào sự tự chủ và độc lập đã khiến các cá nhân càng khó có thể thừa nhận sự cô đơn hay tìm kiếm hỗ trợ.

 Dù sống chung với vợ/chồng và con cái, nhiều người thấy cô đơn vì không thể kết nối. Ảnh: The Straits Times.

Dù sống chung với vợ/chồng và con cái, nhiều người thấy cô đơn vì không thể kết nối. Ảnh: The Straits Times.

Bà Khadija (83 tuổi), một người tham gia nghiên cứu khác, cho biết là trẻ mồ côi từ năm 2 tuổi và sau đó được một gia đình nhận nuôi. Bà lớn lên với cảm giác bị cô lập khỏi xã hội, chưa bao giờ được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Sau 2 lần ly hôn, bà Khadija một mình nuôi đứa con trai duy nhất. Bà phải sống ở căn hộ cho thuê sau khi con trai bán nhà và chuyển đến Johor Bahru. Con trai không gọi điện hay tới thăm bà. Cháu trai sống cùng bà nhưng cậu cũng hiếm khi ở nhà.

Nhìn sang gia đình đầm ấm của người khác khiến bà Khadija càng cô đơn, khao khát được gần gũi và thân thiết - thứ bà luôn thiếu khi còn nhỏ. Bà lo lắng mình sẽ bị bỏ mặc.

Dù khao khát được lắng nghe và chia sẻ, người phụ nữ 83 tuổi lại né tránh tương tác xã hội vì mặc cảm. Sức khỏe yếu, đi lại hạn chế nên bà không thể ra ngoài để giao tiếp với người khác.

"Tôi luôn quan tâm đến gia đình. Tại sao khi tôi già yếu lại không có ai để ý tới", bà bày tỏ.

Cả bà Khadija và bà Lau đều chưa bao giờ nói về sự cô đơn mình với bất kỳ ai, ngoại trừ chia sẻ trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu.

Đối với nhiều người già ở quốc gia này, thừa nhận cô đơn giống như ám chỉ thất bại cá nhân hoặc mối quan hệ tồi tệ với các thành viên gia đình. Hơn nữa, với quan điểm "tốt khoe xấu che", họ thà để nỗi cô đơn của mình nấp trong bóng tối.

Giảm tuổi thọ vì cô đơn

Một nghiên cứu năm 2015, do Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Người cao tuổi (CARE) tại Trường Y Duke-NUS thực hiện, cho thấy sự cô đơn làm tăng nguy cơ tử vong của người lớn tuổi lên 7%.

Con số này càng đáng ngại hơn khi 39% người Singapore từ 62 tuổi trở lên cho biết họ thấy cô đơn, theo một khảo sát trên toàn quốc của CARE. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra cô đơn có tác động đến tỷ lệ tử vong tương tự hút thuốc, bệnh tim mạch và suy giảm miễn dịch.

 Nghiên cứu cho thấy cô đơn có tác động xấu đến tuổi thọ trung bình của một người. Ảnh: Nikkei Asia.

Nghiên cứu cho thấy cô đơn có tác động xấu đến tuổi thọ trung bình của một người. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo đó, những người ở độ tuổi 60 nhận là "cô đơn" có tuổi thọ trung bình thấp hơn 3-5 năm so với những người đồng trang lứa nói rằng "không cô đơn".

Theo CNA, điều quan trọng cần lưu ý là cô đơn khác với cô lập xã hội.

Cô đơn đề cập đến trạng thái đau khổ hoặc khó chịu phát sinh từ cách biệt giữa mong muốn kết nối xã hội của một người và trải nghiệm thực tế của họ về nó. Trong khi đó, sự cô lập xã hội được đặc trưng bởi thiếu vắng gia đình, bạn bè cũng như không có các tương tác.

Chúng ta thường nghĩ những người bị cô lập về mặt xã hội, như sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng, sẽ cô đơn hơn so với người sống trong gia đình nhiều thế hệ hoặc nhiều thành viên cùng nhà.

Thực tế đáng ngạc nhiên là có rất nhiều người lớn tuổi sống trong một đại gia đình nói rằng đôi khi hoặc phần lớn thời gian họ thấy cô đơn.

Tương tự, một người đã kết hôn có thể cảm thấy cô đơn do thiếu kết nối với người bạn đời. Một người có thể cô đơn khi ở giữa đám đông.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/the-he-khong-dam-thua-nhan-minh-co-don-o-singapore-post1446378.html