Thế hệ Millennials và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Vì sợ bị đào thải trong thời đại công nghệ số, nên người trẻ học hỏi không ngừng. Bởi vậy, nhân sự trẻ muốn làm việc ở một môi trường giúp họ học hỏi nhiều kỹ năng mới.
Thế hệ Millennials ý thức rất rõ về tác động mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang đến tại nơi làm việc. Trong Khảo sát Thế hệ Millennials năm 2018, Deloitte nhận thấy gần như cứ mười người thuộc Thế hệ Millennials thì có bốn người cho biết tổ chức của họ tận dụng tối đa tự động hóa nâng cao, kết nối nâng cao, trí tuệ nhân tạo hay robot để thực hiện các thao tác cơ khí hoặc phân tích mà trước đây do con người thực hiện.
Quan trọng là nghiên cứu nhận thấy phần đông thế hệ này tin rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ củng cố việc làm của họ, cho họ nhiều thời gian hơn tập trung vào việc sáng tạo, gia tăng giá trị.
Mặc dù Thế hệ Millennials ngày càng ý thức hơn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cảm nhận tích cực tác động của cuộc cách mạng này tại nơi làm việc, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng với những thách thức mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại.
Deloitte nhận thấy chỉ 36% Thế hệ Millennials tự tin rằng họ hoàn toàn sẵn sàng và có các kỹ năng, kiến thức cần có. Một điều thú vị là Deloitte phát hiện ra người trẻ thuộc Thế hệ Millennials làm việc trong các tổ chức áp dụng hình thức làm việc linh hoạt hơn (47%) hay có đội ngũ quản lý cấp cao đa dạng (45%) có mức độ tự tin cao hơn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như những người có ý định ở lại lâu dài nhất với công ty của họ (42%).
Các phát hiện này củng cố thêm quan điểm rằng lãnh đạo doanh nghiệp có phương pháp toàn diện trong điều hành tổ chức có khả năng giữ chân và thúc đẩy lao động Thế hệ Millennials hơn.
Nguồn lực con người và sự phát triển liên tục của nó là nguồn tài nguyên vượt qua biên giới của các tổ chức và góp phần vào thịnh vượng của các quốc gia. Theo một nghiên cứu toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cách một quốc gia phát triển nguồn lực con người ra sao là yếu tố tiên quyết quyết định thành công lâu dài của quốc gia đó hơn bất kỳ một yếu tố nào khác.
Nguồn lực con người được định nghĩa là các kiến thức, kỹ năng mà con người sở hữu và thành thục theo thời gian, cho phép họ tạo giá trị trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Như đã nói trong chương một, với hiện tượng dân số già hóa tăng nhanh hơn thế hệ trẻ, nguồn lực con người sẽ còn có giá trị lớn hơn.
Nghiên cứu này cũng xét đến Chỉ số nguồn lực con người toàn cầu, là chỉ số xếp hạng 130 quốc gia về mức độ phát triển nguồn lực con người trên thang điểm từ 0 (kém nhất) đến 100 (cao nhất). Chỉ số này bao gồm bốn khía cạnh: năng lực, khả năng triển khai, khả năng phát triển và kỹ năng; và năm nhóm tuổi/thế hệ khác nhau: 0-14 tuổi, 15-24 tuổi, 25-54 tuổi, 55-64 tuổi và 65 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu khá thú vị:
- Đánh giá theo chỉ số này, trung bình chỉ 62% nguồn lực con người trên thế giới được phát triển, tức là bình quân 38% nhân tài chưa được tận dụng hiệu quả. Như vậy, trong một môi trường mà chúng ta biết có thể đang phải đối mặt với những thiếu hụt gì, đây là cơ hội tuyệt vời với nguồn cung kỹ năng.
- Chỉ 25 quốc gia phát triển 70% nguồn lực con người từ người dân trong nước; 50 quốc gia được chấm điểm 60-70%; 41 quốc gia được điểm 50-60%; và 14 quốc gia dưới 50%, cho thấy những quốc gia này hiện mới chỉ đang sử dụng non nửa nguồn lực con người.
- Top 10 quốc gia có điểm cao nhất trong chỉ số này là Na Uy, Phần Lan, Thụy Sĩ, Mỹ, Đan Mạch, Đức, New Zealand, Thụy Điển, Slovenia và Áo.
- Các quốc gia hàng đầu này nhìn chung đều tâm huyết lâu dài với sự nghiệp giáo dục của người dân và khai thác một phần lớn lực lượng lao động vào các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu. Đây cũng là những nền kinh tế có thu nhập cao, hứa hẹn một vòng tròn phát triển.
- Khi so sánh giữa các khu vực, mức độ phát triển nguồn lực con người cao nhất tại Bắc Mỹ và Tây Âu, thấp nhất tại Nam Á và châu Phi cận Sahara.
Thu hút, giữ chân và phát triển nguồn lực con người có tác động cực kỳ quan trọng đối với hoạt động tương lai của bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, dù là nhà nước hay tư nhân.
Phát triển môi trường, chính sách và văn hóa làm việc để liên tục học hỏi và thích nghi với các tiến bộ công nghệ thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn, vì đây là việc cần thiết để theo kịp một thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn chúng ta từng thấy.