Thể hiện rõ hơn vai trò, trọng trách của tổ chức công đoàn

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ) cả nước. Dịp này, PV Báo SGGP ghi nhận những tâm tư, kỳ vọng của cán bộ công đoàn, đoàn viên và NLĐ gửi đến đại hội.

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam:

Giải quyết tốt chính sách cho NLĐ

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tại đại hội lần này, các đại biểu sẽ cho ý kiến thảo luận về ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023-2028, gồm: đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Hiện nay, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động chính là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn trong thời gian tới là phải tạo công ăn việc làm cho NLĐ, giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở cho NLĐ.

Tại đại hội, các đại biểu cũng sẽ thảo luận, nêu các giải pháp, kiến nghị về vấn đề tham gia BHXH của công nhân lao động, đặc biệt là kiến nghị giải quyết quyền lợi cho 200.000 lao động bị nợ BHXH từ nhiều năm nay. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn, bởi 200.000 người bị nợ BHXH có nghĩa là 200.000 gia đình gặp khó khăn do NLĐ không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con, cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc.

Ông NGUYỄN VĂN CẢNH, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang:

Bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong các doanh nghiệp lớn

Cán bộ công đoàn tại các công đoàn cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động để bảo vệ, đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Đồng thời, cán bộ công đoàn cơ sở cũng là những người bám sát, nắm chắc tâm tư, nhu cầu, tình hình thực tế của NLĐ. Tại tỉnh Bắc Giang cũng như nhiều địa phương có nhiều khu công nghiệp, một thực tế đặt ra là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng đông công nhân lao động (từ hàng ngàn đến chục ngàn người) nhưng cán bộ công đoàn lại chỉ kiêm nhiệm, vì vậy chúng tôi đề nghị có biện pháp bố trí được cán bộ công đoàn hoạt động chuyên trách trong những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Từ tổng hợp ý kiến của trên 300.000 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hầu hết ý kiến đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hơn đến tổ chức công đoàn và NLĐ, xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội, có biện pháp xử lý những đơn vị sử dụng lao động vi phạm.

Ông LÊ ĐÌNH HÙNG, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội:

Tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội

LĐLĐ TP Hà Nội đã tiếp nhận 1.450 ý kiến, kiến nghị từ đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Các ý kiến tập trung vào 7 nhóm vấn đề, trong đó có những kiến nghị về đào tạo, lựa chọn những cán bộ công đoàn có uy tín, năng lực để phụ trách hoạt động công đoàn; hoàn thiện chính sách tiền lương; quan tâm đầu tư, hoàn thiện chính sách nhà ở cho NLĐ có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, các chính sách BHXH cho công nhân; chăm lo cải thiện điều kiện lao động, đặc biệt là có biện pháp giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Công nhân lao động ở Thủ đô cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng, ban hành các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Ông NGUYỄN MINH SƠN, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SW, doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản:

Chủ doanh nghiệp cũng trông mong cán bộ công đoàn

Ở giai đoạn hiện nay, vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở không chỉ dừng lại là người đại diện hoặc làm cầu nối giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ, tuyên truyền những chính sách, quy định của doanh nghiệp cho NLĐ, mà còn có vai trò quan trọng hơn. Cùng với đó, chính doanh nghiệp hiện nay cũng muốn thông qua tổ chức công đoàn cơ sở để vận động NLĐ ở lại hoặc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhất là sau kỳ nghỉ tết, hoặc những thời điểm giảm đơn hàng, giảm việc làm…

Chính vì vậy, mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động với tổ chức công đoàn cũng không còn khoảng cách như trước. Do đó, khi cán bộ công đoàn hoặc ban chấp hành tổ chức công đoàn cơ sở đề xuất với chủ doanh nghiệp về những vấn đề liên quan quyền lợi, nghĩa vụ với NLĐ, những chính sách cần thay đổi để thu hút NLĐ gắn bó lâu dài... thì chủ sử dụng lao động đã lắng nghe hơn.

Bà VÕ THỊ HÃI, Xí nghiệp Liên doanh Vinaco:

Thiết thực hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ, tay nghề

Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức công đoàn đã có nhiều dấu ấn trong chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Tôi mong tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới trong các hoạt động, thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, nhất là chăm lo điều kiện làm việc, bữa ăn ca của NLĐ đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đang chi phối nhiều hoạt động. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của tổ chức công đoàn cũng như nhập cuộc của NLĐ. Tôi kỳ vọng Công đoàn Việt Nam sẽ mạnh mẽ đổi mới các phương thức lãnh đạo, cần nhiều giải pháp mới trong xây dựng các chương trình hành động; xây dựng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua yêu nước để giúp NLĐ nâng cao tri thức, trình độ, tay nghề, kịp thời hòa mình vào môi trường phát triển.

Ông VÕ ANH DŨNG, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm quận 1 (TPHCM):

Kỳ vọng nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp

Tôi tin rằng khi được trao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản đầu tư nhà ở xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách trên nền tảng “vì NLĐ, do NLĐ” để đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận NLĐ. Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã có nhiều chương trình chăm lo thiết thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ…, trong đó có đoàn viên nghiệp đoàn ở khu vực phi chính thức chúng tôi. Trong nhiệm kỳ mới, tôi mong tổ chức Công đoàn Việt Nam dành thêm nhiều sự quan tâm đến lao động phi chính thức. Có các chính sách để không chỉ chăm lo hỗ trợ vật chất dịp lễ tết mà có thêm chương trình giúp đoàn viên nghiệp đoàn nâng cao tay nghề, tiếp cận các quy định của pháp luật, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm phương tiện làm việc… Đồng thời có thêm một số phong trào để giúp đoàn viên nghiệp đoàn giải trí, nâng cao hoạt động tinh thần.

VĂN PHÚC - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-hien-ro-hon-vai-tro-trong-trach-cua-to-chuc-cong-doan-post716584.html