Thể hiện tinh thần hành động mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm của các trưởng ngành

Một trong những nội dung được dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2023), đó là chất vấn và trả lời chất vấn. Hai nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. (NB&CL) Một trong những nội dung được dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2023), đó là chất vấn và trả lời chất vấn. Hai nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Hậu quả đến đâu xử lý đến đó, không bao che

Tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí làm rõ số lượng các vụ việc cụ thể được tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; số lượng vụ việc đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm là bao nhiêu? Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc xử lý cán bộ phụ trách các vụ việc trên như thế nào?

Đăng đàn trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: “Đối với các vụ việc, vụ án cụ thể mà tòa trả hồ sơ, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, đánh giá lại. Một là từng vụ việc, vụ án cụ thể. Hai là hằng năm chúng tôi sẽ đánh giá việc trả hồ sơ đó để xem việc trả hồ sơ là để quyết tâm chống lọt, chống oan hay là do lạm dụng và thiếu trách nhiệm. Nếu có dấu hiệu lạm dụng thì chúng tôi sẽ kỷ luật. Còn nếu có hậu quả thì tùy theo mức độ sẽ có trách nhiệm bồi thường nhà nước và xử lý theo hình sự”.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận: “Chúng tôi chưa bao che bất kỳ cán bộ nào thiếu trách nhiệm gây hậu quả. Nhưng nếu trường hợp anh em trả lại hồ sơ là vì biện pháp kỹ thuật để chứng minh tội phạm hoặc là thấy có dấu hiệu lọt, trả lại để làm cho không lọt thì tôi nghĩ rằng việc này chúng ta phải chờ kết quả cuối cùng là có phát hiện xử lý đúng người, đúng tội hay không. Chứ còn biện pháp tố tụng mà trả hồ sơ chưa phải là căn cứ, mới vừa thấy trả mà cuối năm kiểm điểm là không đúng. Nếu vụ án trả lại mà tốt hơn thì việc trả đó là cần thiết, nhưng trả lại càng ngày càng lớn hơn và để lọt tội phạm thì không được. Do đó, tùy theo trường hợp trả hồ sơ sẽ có chế tài xử lý phù hợp”.

Về số lượng vụ việc đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, những năm gần đây tiếp tục giảm.

Cũng đặt câu hỏi với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu rõ: Luật Tố tụng hình sự cho phép quyền hạn công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin tố giác, tin báo về tội phạm. Để chống oan sai, phòng ngừa bỏ lọt tội phạm, do lực lượng công an xã chưa đủ “chín” để làm nhiệm vụ này, vậy lực lượng Viện kiểm sát có giải pháp nào để ngăn chặn hiện tượng trên?

Trả lời câu hỏi, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Thời gian qua, chất lượng công an xã cũng được nâng lên. Theo quy trình công tác cán bộ của Bộ Công an, nhiều công an chính quy được điều về công an xã chứ không phải chỉ có lực lượng công an xã cũ nên trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật tốt hơn…

“Ở đây, cái tốt trong việc cho công an xã làm chức năng này là chúng ta chủ động giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ đầu ở cơ sở, không để tình hình phức tạp, nóng lên. Chính chỗ này gọi là giải quyết kịp thời ngay từ đầu. Đây là chủ trương đúng”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về mặt kiểm sát để làm sao thụ lý tin báo tốt, ông Lê Minh Trí nói: “Vừa rồi, tôi đã chỉ đạo trong ngành phối hợp với cơ quan điều tra của Công an huyện, quán triệt yêu cầu kiểm sát thụ lý tin báo tố giác tội phạm. Tới giờ này, có khoảng 10 tỉnh đã triển khai, đảm bảo kiểm sát thụ lý tin báo tố giác cấp xã. Về mặt nghiệp vụ, chúng tôi chưa thấy có khó khăn gì, mà chỉ khó khăn cho cơ quan viện kiểm sát đang thiếu nhân sự”.

“Việc nể nang là có thật, nhưng không nhiều”

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt vấn đề: Theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao. Phải chăng còn có lý do là tâm lý của một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết? Bởi vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính…

Trả lời câu hỏi, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn nhìn nhận: Án hành chính có mấy vấn đề tồn tại như đã báo cáo. Một là, tỷ lệ xử thấp. Hai là, hủy, sửa nhiều hơn các án khác, trong khi Quốc hội cho phép hủy, sửa là 1,5% thì án hành chính lên đến 4%, cao hơn yêu cầu của Quốc hội. Ba là, án hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng Ủy ban nhân dân các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.

 Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về câu hỏi “những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không?”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Việc nể nang là có thật, nhưng không nhiều. Khi xét xử, các thẩm phán xét xử các vụ án của Ủy ban nhân dân cùng cấp cũng có câu chuyện nể nang, đấy là có thật, nhưng tỷ lệ không nhiều. Tuyệt đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc”.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đặc biệt đánh giá cao cách lựa chọn vấn đề chất vấn lần này. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngành tòa án và ngành kiểm sát có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí: “Tôi tương đối hài lòng với các câu trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các vấn đề được nêu trong phiên chất vấn. Các trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cầu thị, thẳng thắn, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, không vòng vo, né tránh, phân tích đến cùng vấn đề, từ đó đưa ra những giải pháp khả thi, xác đáng với nhiều vấn đề khúc mắc mà các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận quan tâm. Những giải pháp, cam kết, định hướng mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra tại phiên họp này cũng thể hiện tinh thần hành động mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm của các trưởng ngành, được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri ghi nhận và giám sát thực hiện sau phiên chất vấn”.

Đề nghị các trưởng ngành, Bộ trưởng sớm thực hiện cam kết

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, diễn biến của phiên chất vấn cho thấy các vị Đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã nêu câu hỏi phản ánh sát với diễn biến thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các vị Bộ trưởng và Trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, rất nghiêm túc và cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các vị Đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tại phiên chất vấn này; đề nghị các trưởng ngành, Bộ trưởng triển khai thực hiện các cam kết trong thời gian tới.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-hien-tinh-than-hanh-dong-manh-me-dam-chiu-trach-nhiem-cua-cac-truong-nganh-post240427.html