Thế 'họa vô đơn chí' của Iran - đã bị cấm vận lại gặp dịch Covid-19
Ở Iran, virus đã lây nhiễm gần 3.000 người và cướp đi ít nhất 90 mạng sống. Áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến cuộc chiến với dịch bệnh ở Iran càng trở nên khó khăn hơn.
Hơn 30 quan chức cấp cao Iran đã nhiễm Covid-19, bao gồm cả phó tổng thống và thứ trưởng Y tế trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến chống dịch bệnh. Với 23 nghị sĩ, chiếm khoảng 8% Quốc hội, đã mắc bệnh, Iran trở thành quốc gia có nhiều quan chức dương tính với virus corona nhất thế giới. Hai người trong số họ đã tử vong.
Tính đến ngày 5/3, đất nước 83 triệu dân này đã trở thành “tâm dịch” ở Trung Đông, với gần 3.513 người nhiễm bệnh và 107 người chết. Iran đã ghi nhận số ca tử vong do nhiễm virus corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc, ngang với Italy.
Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết mặc dù tỷ lệ lây nhiễm giữa các quan chức cấp cao làm giảm khả năng đối phó của chính phủ, dịch bệnh có thể gây ra thiệt hại về kinh tế lớn vượt xa tác động chính trị.
“Iran vốn đã chịu áp lực rất lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ với nền kinh tế đang rệu rã do sự yếu kém trong quản lý và tham nhũng”, ông Vaez nói. “Virus corona về cơ bản đã thực hiện nốt những gì mà Mỹ còn dang dở, đó là cô lập hoàn toàn Iran.”
Mặc dù số lượng ca nhiễm bệnh tăng vọt trong vài ngày qua, các nhà lãnh đạo Iran vẫn tập trung vào việc đạt được các mục tiêu phát triển hạt nhân trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 3/3 cho biết nước này đã tăng dự trữ uranium lên gấp ba và lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân, Iran một lần nữa đã có đủ nhiên liệu cho bom hạt nhân.
Các nhà quan sát cho rằng áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm gia tăng thách thức đối với Tehran trong việc xử lý dịch. Sự cô lập về chính trị và kinh tế đã khiến Iran phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, vốn đang bị gián đoạn hoặc ngừng hoạt động do dịch bệnh, và các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt khiến việc tài trợ, ngay cả đối với thiết bị và vật phẩm y tế, đều bất khả thi.
Việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm đã gây khó khăn trong việc nắm bắt chính xác số lượng người đã bị nhiễm virus. Chính phủ đã tạm thời thả 54.000 tù nhân được cho rằng không nhiễm virus để ngăn việc lây lan, nhưng không biết liệu tất cả những tù nhân đó có xét nghiệm âm tính hay không.
Các nhân viên y tế Iran đã phàn nàn chính phủ chậm trễ cung cấp thiết bị và vật tư cho các cơ sở y tế địa phương để xét nghiệm và chữa trị Covid-19. Trong tuần này, một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Tehran để hỗ trợ đối phó với dịch bệnh.
Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh trong nước và khu vực do sự trì trệ, lơ là của Chính phủ Iran.
Rủi ro tới những người lãnh đạo đất nước
Không rõ nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, gần đây có tiếp xúc với bất kỳ quan chức chính phủ nào nhiễm bệnh hay không. Nhưng ở tuổi 80, ông đang thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao nhất.
Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, người phát ngôn của nhóm sinh viên đã chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ năm 1979, đã tham dự một cuộc họp với Tổng thống Rowhani và nội các của ông một ngày trước khi bà xác nhận dương tính với virus.
“Mặc dù phần lớn những người cầm quyền ở độ tuổi 70, 80 đặc biệt dễ nhiễm bệnh, thực tế Iran có nhiều trung tâm quyền lực và số lượng người trong chính quyền là rất lớn”, ông Vaez nói. “Virus không thể quét sạch toàn bộ đội ngũ lãnh đạo đất nước.”
Mahmoud Sadeghi, một nghị sĩ thuộc khu vực Tehran xác nhận dương tính với virus đã kêu gọi các nhà cầm quyền thả tù nhân chính trị để tránh lây nhiễm.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Iran đã ưu tiên việc giữ thể diện cho mình cao hơn cả sự an toàn của cộng đồng khi vẫn tiến hành tổ chức bầu cử quốc hội vào tuần trước và không áp dụng các biện pháp phong tỏa vùng dịch hay cách ly.
Các quan chức Iran liên tục khẳng định số trường hợp thấp hơn nhiều so với các báo cáo được công bố. Sau khi các ứng cử viên theo chủ trương cải cách bị loại bỏ và người dân lo ngại về sự lây lan của virus, cuộc bầu cử quốc hội Iran tuần trước đã chứng kiến tỷ lệ cử tri thấp nhất trong lịch sử kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979.
Vụ dịch xảy ra chỉ vài tuần sau cuộc tuần hành của hàng nghìn người ở Tehran phản đối việc chính phủ phủ nhận quân đội đã bắn hạ máy bay của Ukraine chở hàng chục hành khách Iran.
Hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Các nhà quan sát cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ góp phần đẩy Iran lún sâu vào khủng hoảng trước dịch bệnh bằng cách buộc nước này phải phụ thuộc nặng nề vào giao thương với Trung Quốc bất chấp nguy cơ lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế khả năng nhập khẩu các thiết bị, vật tư y tế cần thiết.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các quan chức Iran không áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa vùng dịch giống Trung Quốc đã làm vì sợ rằng nó có thể làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế mà nước này đang phải chịu do lệnh trừng phạt.
“Không nghi ngờ gì nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran thiếu thốn thiết bị y tế cần thiết để xét nghiệm và chữa bệnh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.”
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ loại trừ các mặt hàng cho mục đích nhân đạo như thực phẩm và thuốc men, nhưng chính quyền Mỹ đã đồng thời xiết chặt thương mại theo Luật Chống khủng bố.
Sau khi chỉ định một phần của quân đội Iran là tổ chức khủng bố năm 2019, chính quyền của Tổng thống Trump đã liệt kê nhiều ngân hàng Iran vào danh sách các thực thể khủng bố, khiến họ gặp khó khăn khi trả tiền cho hàng hóa nhân đạo.
Esfandyar Batmanghelidj, một học giả Iran và là người sáng lập Bourse & Bazaar, cho biết chính quyền nên mở rộng định nghĩa về hàng hóa nhân đạo, bổ sung các mặt hàng cần thiết để phòng chống virus.
Pháp, Đức và Anh hôm 2/3 tuyên bố đang khẩn trương vận chuyển thiết bị kiểm tra y tế cũng như quần áo bảo hộ và găng tay đến Iran, tài trợ 6,4 triệu USD để chống lại dịch bệnh thông qua WHO và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc.
Rủi ro bùng phát dịch bệnh ở Iran và lây lan ra khu vực
Virus ở Iran đã lây lan sang nhiều quốc gia khác. Bên cạnh các nước láng giềng có nguy cơ cao nhất, các trường hợp ở xa như New York (Mỹ) đều có liên quan tới Iran.
Các trường hợp dương tính được xác nhận đầu tiên ở Ả Rập, Iraq, Lebanon, Georgia, Qatar, New Zealand và thành phố New York đều liên quan đến những người gần đây đã đi du lịch Iran. Bộ Y tế Kuwait đã công bố các trường hợp mới vào đầu tuần này đều có liên quan đến Iran.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã gửi một lô hàng vật tư y tế, bao gồm găng tay và khẩu trang, đến Iran vào ngày 2/3, truyền thông nhà nước đưa tin.
Tuần trước, một nhóm sáu nhà dịch tễ học Canada cho biết, dựa trên tỷ lệ lây nhiễm tham khảo, các dữ liệu chuyến bay và mô hình du lịch, Iran có thể có ít nhất 18.000 trường hợp nhiễm virus.
Asif Shuja, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các lệnh trừng phạt đã khiến Iran tăng cường quan hệ với một số ít quốc gia trong khu vực.
“Có thể có nhiều người đi lại giữa các quốc gia - Iraq, UAE, Oman, Qatar, Syria, Lebanon, Yemen và Iran”, ông Shuja nói. “Có thể không quá lời khi nói rằng Iran đã trở thành tâm dịch ở Trung Đông.”
Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan và Armenia cuối tuần qua tuyên bố đóng cửa tạm thời biên giới đất liền với Iran. Kuwait sẽ cấm tàu Iran cập cảng. Jordan, Iraq và Ả Rập đã ban bố các lệnh hạn chế đi lại.
Các nhà phân tích cảnh báo việc đóng cửa biên giới có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Iran, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí sang các nước láng giềng.