Thế khó của chủ tịch Barca trong vụ Messi

Lionel Messi buộc phải chia tay Barcelona dù đội bóng xứ Catalonia đã làm hết khả năng để giữ chân anh ở lại.

Mọi thứ gói gọn trong 11 từ: “Tin mới nhất: Messi sẽ không gắn bó với Barcelona nữa” và trên danh sách đội hình hiện tại của Barcelona, tấm ảnh Messi cũng đã bị xóa đi. Tiếp theo đó là những cú điện thoại liên tục gọi tới người trong cuộc và hình ảnh đám đông cổ động viên của Blaugrana buồn bã ngồi trước Camp Nou.

Đó thực sự là cú sốc quá lớn với tất cả cules cũng như chính bản thân siêu sao người Argentina. Lionel Messi, một trong những cầu thủ hay nhất và được hâm mộ nhất lịch sử bóng đá, chân sút số một của Barcelona, huyền thoại vĩ đại của sân Camp Nou, sẽ không được gia hạn hợp đồng với đội bóng mà anh đã gắn bó trong suốt 21 năm qua.

 Lionel Messi sẽ không còn khoác áo Barcelona ở mùa giải 2021/22. Ảnh: Reuters.

Lionel Messi sẽ không còn khoác áo Barcelona ở mùa giải 2021/22. Ảnh: Reuters.

Xoay chuyển chóng mặt

Đối với thế giới bóng đá, nó cũng đủ khiến nhiều cổ động viên trung lập cảm thấy choáng váng. Chưa bao giờ họ hình dung nổi Messi sẽ mặc áo đấu CLB khác ngoài Barcelona nhưng bây giờ, viễn cảnh đó sẽ trở thành hiện thực khi mùa giải mới bắt đầu.

Sự kiện này có thay đổi dòng chảy của bóng đá hay không, chúng ta chưa thể biết, nhưng một khi Barcelona đã chấp nhận dứt bỏ ngôi sao lớn nhất của mình thì rõ ràng, có quá nhiều lý do phía đằng sau tạo nên quyết định ấy.

Tờ Mundo Deportivo miêu tả Messi đã không thể tin nổi với những gì đang xảy ra. Anh trở lại Barcelona vào hôm 4/8 để chuẩn bị ký hợp đồng mới và hoàn toàn tin chắc mình sẽ tiếp tục thi đấu tại đây thêm 5 năm. Thậm chí cho đến tận gần giờ thông tin chấn động trên được công bố, các phóng viên vẫn cho rằng hai bên chỉ còn thiếu một số chi tiết nhỏ nữa để hoàn tất việc đàm phán.

Trong quá khứ, Messi từng nhiều lần bày tỏ tình yêu của anh với Barcelona, ngay cả khi tưởng như anh sắp sửa rời khỏi CLB vào hồi tháng 8/2020. Vào thời điểm hợp đồng cũ với Barcelona hết hạn, tiền đạo người Argentina vẫn không đàm phán với bất kỳ đội bóng nào để chờ đợi tín hiệu chính thức từ phía Laporta. Thậm chí, anh sẵn sàng giảm 50% mức lương để được tiếp tục ở lại Camp Nou.

Vài tuần trước khi sự kiện này diễn ra, truyền thông Tây Ban Nha còn tung hô 5/8 sẽ là “Ngày của Messi” khi anh đặt bút ký vào bản hợp đồng với Barcelona. Bây giờ, mọi thứ bỗng trở nên lố bịch.

Khi ra quyết định này, có lẽ Chủ tịch Joan Laporta và ban lãnh đạo của Barcelona cũng cảm thấy đau lòng. Nhưng họ không có con đường nào khác bởi khi tiếp quản quyền lực từ những người tiền nhiệm, CLB chỉ còn là con nợ khổng lồ với đội hình đầy chắp vá. Laporta và các cộng sự đã cố gắng xoay xở trong nhiều tháng qua. Một loạt các chính sách được thực hiện.

Thứ nhất, họ đã tìm cách vay Goldman Sachs 500 triệu euro và sẽ trả dần trong 15 năm để có tiền giải quyết các khoản nợ ngắn hạn trước mắt bao gồm tiền lương và phí chuyển nhượng.

Thứ hai, Laporta cũng rất kiên quyết khi sẵn sàng bán đứt, thậm chí kể cả miễn phí, những cầu thủ đang hưởng lương quá cao trong đội mà không có đóng góp gì.

Thứ ba, đối với các thành viên hiện tại, Barca cũng muốn họ tình nguyện giảm lương trong bối cảnh doanh thu CLB bị giảm sút nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, mọi thứ không phải khi nào cũng diễn ra như mong muốn. Hầu như chẳng ai chịu giảm lương, mà có cũng chỉ trong thời gian ngắn chứ không thể giảm hẳn hoàn toàn. Còn các nhân tố “cần cắt giảm” mà Laporta chỉ rmặt, điểm tên lại chẳng thể tìm được đầu ra.

Philippe Coutinho, người mà Laporta muốn đẩy đi nhất, không có đội bóng nào chịu nhận. Barca đã rao bán anh từ hồi tháng 6 mà đến giờ, sau hơn 2 tháng, các đối tác chỉ dừng lại ở mức quan tâm. Ngay cả lúc Barca sẵn sàng cho mượn Coutinho miễn phí để giảm bớt gánh nặng lương bổng, Inter và Milan, hai CLB muốn có cầu thủ người Brazil nhất, cũng lắc đầu vì chịu không nổi 14 triệu euro phải chi ra mỗi mùa.

Ousmane Dembele dính chấn thương nặng ở Euro 2020 và coi như Barca cũng bó tay trong việc đẩy anh đi vào mùa hè này dù ban đầu cũng đã có kế hoạch. Miralem Pjanic, người mà Ronald Koeman coi như kẻ thừa thãi, vẫn còn 3 năm hợp đồng nữa và chắc chắn chẳng đời nào chịu giảm lương để đến nơi khác khi anh đã 31 tuổi.

Hy vọng cuối cùng của Laporta là trao đổi Antoine Griezmann cho Atletico Madrid để vừa cắt giảm quỹ lương, vừa thêm một khoản tiền nhằm xoay xở tình hình. Nhưng thương vụ đã đổ bể vào phút chót và gần như chắc chắn, tiền đạo người Pháp vẫn sẽ ở lại Camp Nou ít nhất là hết mùa tới. Griezmann năm nay cũng đã 30 tuổi, tức là cứ chậm một năm, thì giá trị của anh lại giảm thêm.

 Lionel Messi là cầu thủ vĩ đại của Barca với 4 chức vô địch Champions League và 10 lần vô địch La Liga. Ảnh: Reuters.

Lionel Messi là cầu thủ vĩ đại của Barca với 4 chức vô địch Champions League và 10 lần vô địch La Liga. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực bất thành

Laporta làm tất cả điều ấy để làm gì? Chắc chắn là để Barca có đủ khả năng giữ chân Messi lại trong điều kiện giới hạn quỹ lương mà La Liga quy định. Nhưng mọi nỗ lực của ông đều "đổ sông đổ biển". Ngay cả khi Messi chấp nhận lùi thời hạn thương lượng hợp đồng thêm 1 tháng nữa, Laporta vẫn không xoay được tiền trả hết các hóa đơn tiền lương mà Barca đang nợ để có đủ điều kiện ký tiếp với đội trưởng của mình.

Quy định của La Liga rất rõ ràng. Nếu một CLB không thanh toán hết nợ lương của mùa giải trước, họ không được phép đăng ký cầu thủ mới. Vì Messi đã hết hợp đồng và trở thành cầu thủ tự do từ ngày 30/6, anh nghiễm nhiên trở thành “cầu thủ mới” trong trường hợp này.

Cho đến sát ngày ra thông báo, Laporta vẫn hy vọng tình thế có thể biến chuyển. Messi là cầu thủ vĩ đại và Barcelona và biểu tượng của La Liga, cả hai đều rất quan trọng với sức hút thương mại của giải đấu. Nhưng cuối cùng, không có ngoại lệ nào hết!

Nếu Javier Tebas (Chủ tịch của La Liga) chấp nhận điều đó, nó sẽ là cái tát thẳng vào nỗ lực cơ cấu tài chính mà ông và ban tổ chức đang cố gắng thực hiện và hậu quả thực sự không sao lường được. Các đội bóng còn lại sẽ không bao giờ đồng ý việc một đối thủ được đối xử theo một cách ưu ái hơn so với mình khi mà đã nhận quá nhiều ưu ái trong suốt hàng chục năm trước đó. Thêm vào đấy, mối quan hệ giữa Tebas và Laporta thời gian qua là căng thẳng khi Chủ tịch Barcelona ra sức ủng hộ dự án Super League và khiến La Liga có nguy cơ tan vỡ.

Trong những ngày gần đây, ban tổ chức La Liga đã đồng ý về mặt nguyên tắc một bản hợp đồng bán 10% cổ phần cho CVC Capital Partners để đổi lấy 3 tỷ euro được rót vào giải đấu. Tất nhiên, bản hợp đồng chỉ có thể được thực hiện nếu tất cả CLB thông qua. Hầu hết đội bóng đều hoan nghênh quyết định này, bởi họ sẽ có thêm tiền và được tăng giới hạn quỹ lương.

Nhưng Barcelona (cùng với Real Madrid) lại phản đối. Lý do là cả hai CLB vẫn đang theo đuổi vụ kiện tụng với UEFA để tiếp tục tham vọng tổ chức Super League. Đối với Real, đó là danh dự. Còn đối với Barcelona, đó là sự sống còn. Nếu đồng ý việc CVC đầu tư, Barca sẽ bị trói buộc 40 năm nữa với La Liga và một công ty tư nhân mà 270 triệu euro từ CVC được dự kiến phân phối cho CLB rõ ràng là không đủ bởi số tiền mà Super League hứa hẹn mang lại còn cao hơn thế rất nhiều lần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cules vẫn đang buồn bã khi chứng kiển biểu tượng lớn nhất của mình ra đi, vẫn còn có những câu hỏi cần được trả lời. Laporta thực sự muốn Messi ở lại và tất nhiên, ông hiểu rõ tình hình tài chính của CLB, thì tại sao, ông vẫn đem về Kun Aguero, Memphis Depay lẫn Emerson để rồi khiến Barca mất đứt thêm khoảng 50 triệu euro trong mùa tới?

Nếu họ không ký với 3 cầu thủ trên, giới hạn lương để cho Messi gia hạn hợp đồng vẫn còn đủ. Mối quan hệ giữa Laporta và Messi là rất tốt và chính bản thân Chủ tịch Barca cũng từng tuyên bố ông coi việc giữ ngôi sao người Argentina là bắt buộc.

Nhưng điều gì khiến ông lại ký với các cầu thủ mới để rồi đánh mất Messi? Hay phải chăng, chính Laporta cũng cảm nhận đã đến lúc, Barca cần thay đổi? Họ đã có Ansu Fati, một cầu thủ trẻ hơn Messi rất nhiều và cũng tài năng. Tại sao phải cố gắng giữ lại tiền đạo Argentina bằng mọi giá để rồi tình hình tài chính ngày càng bi đát hơn?

1,173 tỷ euro, đó là số tiền mà Barcelona đang nợ lúc này, trong đó khoảng 300 triệu euro phải thanh toán ngay trong hè. Dường như Laporta hết cách và cuối cùng, buộc phải thực hiện giải pháp mà có lẽ, ngày trở lại vị trí Chủ tịch, ông không hề nghĩ đến.

Nhiều người sẽ chỉ trích vì cách cư xử lạnh lùng mà Laporta đưa ra với Messi nhưng ở trong tình thế này, ai có thể nói mình sẽ hành động tốt hơn những gì người đàn ông ấy đang làm? Không hề sai khi nhà báo Miguel Delaney cho rằng Barcelona đang phải gánh chịu sự trừng phạt sau quãng thời gian quản trị sai lầm với cách vung tiền không tiếc tay vào những bản hợp đồng đắt giá đến mức vô lý.

Những sai lầm ấy không phải do Laporta gây nên song ông vẫn cần chịu trách nhiệm về nó với tư cách người cầm lái. Chỉ đau đớn cho các cules. Rốt cục, trong thế giới bóng đá quá tàn nhẫn, tiền bạc mới là thứ cần để lên trên cùng, thay vì tình yêu dành cho một CLB.

Messi và những khoảnh khắc ấn tượng ở Barca Những khoảnh khắc ấn tượng của Lionel Messi sau 21 năm gắn bó với Barca được tái hiện qua đoạn phim ngắn của Bleacher Report.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-chu-tich-laporta-trong-vu-messi-post1247937.html