Thế khó của chứng khoán Việt
VN-Index kéo dài chuỗi tăng điểm lên con số 3 nhưng trong tình trạng 'xanh vỏ đỏ lòng' sau khi thị trường đón nhận thông tin kém tích cực từ việc tiếp tục nâng lãi suất của Fed. Dù không bất ngờ nhưng quyết định của Fed cũng phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến bảng điện HoSE bị nhấn chìm trong sắc đỏ ở phần lớn thời gian giao dịch.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), bất chấp các biến động gần đây với ngành ngân hàng toàn cầu. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.
Áp lực từ việc Fed tăng lãi suất
Đáng chú ý, trong thông báo, quan chức Fed thừa nhận các biến động tài chính gần đây đã gây sức ép lên lạm phát và nền kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn tự tin vào ngành ngân hàng Mỹ. “Hệ thống ngân hàng Mỹ rất vững mạnh”, báo cáo viết.
Dù vậy, điểm đối nghịch là tăng lãi suất, nhưng mới đây Fed lại bơm ra thị trường 300 tỷ USD. Điều này có nghĩa một mặt Fed vẫn muốn chống lạm phát, mặt khác vẫn hỗ trợ cho hệ thống tài chính trước những nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.
“Nhìn vào các hai sự kiện ngân hàng nổi bật là SVB và Credit Suisse, chúng ta nhìn thấy các nhà quản lý xử lý rất nhanh chóng. Tuy nhiên, động thái này cũng cho thấy các vấn đề đang được phát hiện và nổi lên rất nhanh chóng. Khi nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn thì mọi sự kiện xảy ra rất nhanh và vụ hai nhà băng trên là chỉ báo đầu tiên của khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế”, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment nhìn nhận.
Bên cạnh Fed, việc ECB tiếp tục tăng lãi suất được cho là sẽ tạo áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn thận trọng trong chính sách tiền tệ và chưa thể nới lỏng ngay được. Điều này được phản ánh qua việc trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn giữ nguyên, chưa thể cắt giảm ngay trong đợt hạ lãi suất đợt vừa qua. Lãi suất huy động và cho vay giảm là có thật nhưng không nhiều và đủ hấp dẫn để người vay chấp nhận rủi ro trong điều kiện kinh tế trong và ngoài nước vẫn chứa nhiều dấu hỏi. Và điều này có thể tạo áp lực làm tăng trưởng tín dụng sẽ chậm trong những tháng đầu năm.
Hơn nữa, việc Fed và ECB tăng lãi suất sẽ tiếp tục tạo áp lực thanh khoản lên hệ thống Ngân hàng tại châu Âu. Việc nới lỏng và hỗ trợ mạnh hệ thống sẽ khó xảy ra. Các ngân hàng sẽ phải tự cứu nhau bằng cách luân chuyển tiền gửi qua lại theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương các nước như đã làm trong các tuần gần đây. Do đó, việc các ngân hàng phá sản hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là tại khu vực châu Âu khi ECB liên tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian gần đây.
“Danh sách các ngân hàng dĩ nhiên sẽ không dừng lại ở SVB và Credit Suisse mà lên tới hàng trăm ngân hàng có nguy cơ”, ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO FIDT nhận định.
Trong khi đó, việc khối ngoại bán ròng hay không sẽ phụ thuộc lớn vào việc khủng hoảng ngân hàng tại các nước sẽ diễn biến theo cách nào. Hơn nữa, trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại mua ròng mạnh trở lại nhưng chủ yếu nhờ Fubon và Van Eck mua ròng. Fubon dự tính sẽ tiếp tục mua ròng đến khoảng ngày 28 – 30/3 thì sẽ huy động ròng chậm lại.
Mặt khác, việc công bố báo cáo tài chính quý I/2023 dự báo kém khả quan có thể khiến P/E VN-Index tăng mạnh và điều này sẽ tạo áp lực rút ròng từ khối ngoại. Dự báo, dòng tiền tham gia thị trường vẫn sẽ thận trọng.
“Với mức thanh khoản thấp, khối ngoại bán ròng sẽ là điều đáng lo ngại cho thị trường chứng khoán”, CEO Passion Investment nhấn mạnh.
Trong nguy có cơ?
Như vậy, với những yếu tố khó khó lường về khả năng suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế thế giới (nếu xảy ra), thị trường chứng khoán đang đối diện nhiều rủi ro hơn. “Khả năng cao thị trường sẽ xuống sâu hơn mức đáy của năm 2022”, ông Trung dự báo.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, sau thời gian biến động mạnh, cơ hội lớn sẽ mở ra trong năm tiếp theo. Bởi sau giai đoạn thị trường đi xuống và xác lập đáy, chỉ có 2 năm đầu tiên là “cơ hội vàng” để kiếm tiền, chiếm phần lớn lợi nhuận của cả giai đoạn thị trường đi lên. Sau mỗi đợt thị trường “gấu” cổ phiếu giảm giá rất sâu, nên chỉ cần xác lập xu hướng tăng VN-Index có thể bứt phá mạnh mẽ kể từ đáy. Nếu không tận dụng được thời điểm này, giai đoạn về sau sẽ rất khó tìm kiếm lợi nhuận.
“Trong bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng - 1 năm)”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect khuyến nghị.
Chia sẻ lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco lưu ý, trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều thông tin tốt xấu đan xen như hiện tại, nhà đầu tư nên giữ một tâm thế vững chắc, chủ động bám sát thị trường để có thể đưa ra hành động kịp thời. Tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ phù hợp ở mức 20-30% và nên có sẵn lượng tiền mặt trong tài khoản để giải ngân khi thị trường có nhịp trở lại.
Đội phân tích Agriseco Research chỉ ra, các nhóm xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi khi phí lãi vay giảm nhưng phải từ năm 2024 trở đi, do đó nhà đầu tư có thể xác định điểm đáy của lợi nhuận trong năm nay và tiến hành mua vào.
“Ngành Xây dựng có lợi lớn nhất khi lãi suất giảm 1% sẽ khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng khoảng 14% trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Một số ngành khác có mức độ tăng trưởng lợi nhuận tốt khi lãi suất giảm như Sản xuất và phân phối điện, Bán lẻ, Vật liệu xây dựng và Bất động sản”, Agriseco Research ước tính.
Tương tự, Mirae Asset cho rằng, lựa chọn hàng đầu tại thời điểm hiện tại vẫn là những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và các cổ phiếu bất động sản lành mạnh và bị định giá thấp do ảnh hưởng chung của thị trường.
Ngoài ra, chiến lược chọn cổ phiếu phòng thủ có tiền mặt lớn, về vùng hỗ trợ mạnh như nhóm phân bón, hóa chất, sữa, điện, dược phẩm được cho là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/the-kho-cua-chung-khoan-viet-1091562.html