Thế khó của phương Tây trong nỗ lực 'bơm' vũ khí cho Ukraine

Mỹ và NATO vấp phải nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung tiếp thêm vũ khí cho Ukraine.

Trước các cuộc không kích của Nga nhằm vào các mục tiêu dân sự của Ukraine trong tuần này thì nhiều nước đồng minh đã cam kết sẽ tiếp thêm vũ khí và đạn dược cho Kiev, trong đó có Mỹ và Đức tuyên bố sẽ gửi các hệ thống phòng không cho Ukraine sớm nhất có thể, theo tờ The New York Times.

Trong khi đó, trong 1 cuộc họp ngày 12-10 tại thủ đô Brussels (Bỉ), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thảo luận về vấn đề tiếp thêm vũ khí cho Ukraine. Theo đó, khối này khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Kiev cho đến khi giành chiến thắng, theo hãng tin AFP.

Súng trường kiểu Kalashnikov sử dụng công nghệ Liên Xô cũ. ẢNH: THE NEW YORK TIMES

Súng trường kiểu Kalashnikov sử dụng công nghệ Liên Xô cũ. ẢNH: THE NEW YORK TIMES

Tuy nhiên, theo The New York Times, tất cả những hứa hẹn trên đều tồn tại 1 vấn đề cốt lõi, đó là hiện Kiev cần thêm các loại vũ khí kiểu Liên Xô cũ mà quân đội Ukraine đã được huấn luyện và luyện tập sử dụng trong suốt thời gian qua, song nguồn cung của các loại vũ khí này đang rất hiếm trên thị trường.

Các nguồn cung tiềm năng

Theo The New York Times, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, các nước phương Tây đã luôn tích cực gửi các loại khí tài quân sự theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ cho Kiev.

Cụ thể, tại khu vực Đông Âu, nơi có nhiều quốc gia từng nằm trong thành phần Liên Xô trước đây, đã cung cấp cho Ukraine rất nhiều loại vũ khí sử dụng công nghệ Liên Xô. Theo đó, Cộng hòa Czech gửi xe tăng và đạn pháo, Estonia gửi súng lựu, Latvia và Slovakia gửi trực thăng và Ba Lan gửi xe bộ binh lội nước cùng hàng ngàn tên lửa cỡ nòng 122 mm.

The New York Times dẫn lời 1 quan chức quốc phòng Ba Lan giấu tên rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể đặt ra 1 vấn đề khác cho Ba Lan và các nước khu vực đông Âu, đó là các nước này có thể thiếu vũ khí để tự vũ trang, tăng khả năng phòng vệ quốc gia.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO rằng sắp tới khối này sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine nhiều khí tài, không chỉ hệ thống phòng không mà còn rất nhiều pháo binh, xe tăng bọc thép và đạn dược.

Hồi tháng 7, Tổ chức Phòng vệ các nền Dân chủ (FDD) có trụ sở tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) xác định hiện có 23 quốc gia không thuộc NATO có tổng lượng dự trữ vũ khí mang công nghệ Liên Xô có thể hỗ trợ Ukraine khoảng 6.300 vũ khí và đạn dược, theo The New York Times.

The New York Times dẫn lời cựu Sĩ quan Quân đội Mỹ - Bradley Bowman và là chuyên gia quân sự cấp cao tại FDD rằng Cyprus (Cộng hòa Síp) là nước sở hữu lượng lớn tên lửa đối đất, trực thăng, xe tăng và xe bọc thép mang công nghệ sản xuất của Liên Xô cũ, vốn là thứ mà Ukraine đang cần để vũ trang cho các hoạt động phản công và phòng vệ của mình.

Quân đội Cyprus (Cộng hòa Síp) trong 1 cuộc tập trận với xe tăng hồi 2021 tại thủ đô Cyprus. ẢNH: GETTY IMAGES

Quân đội Cyprus (Cộng hòa Síp) trong 1 cuộc tập trận với xe tăng hồi 2021 tại thủ đô Cyprus. ẢNH: GETTY IMAGES

Theo trang Army Recognition, Mỹ đã tiến hành đàm phán với chính phủ Síp về việc chuyển giao các hệ thống vũ khí mang công nghệ Liên Xô và Nga cho Ukraine từ hồi tháng 4, thay vào đó, Mỹ sẽ chuyển giao lại cho Síp hệ thống vũ khí tương tự do các nước NATO sản xuất. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cuộc đàm phán này có thành công hay không.

Thách thức của phương Tây

Việc đạt được thỏa thuận để tìm các nguồn cung vũ khí mà Ukraine cần sẽ tốn một khoảng thời gian khá lâu, trong khi đó, lượng vũ khí mang công nghệ Liên Xô hiện không có nhiều trên thị trường thế giới, theo The New York Times.

Tuy nhiên, dù có tìm được những nguồn cung vũ khí mới thì việc vận chuyển các loại vũ khí này tới Ukraine vẫn có thể mất tới vài tháng, trong khi đó, hiện tại Ukraine đang rất cần các loại vũ khí này để vũ trang cho quân đội của mình, theo The New York Times.

Ngày 10-10, hãng tin Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc các nước này đang ngày càng tiến gần đến “lằn ranh đỏ” của Nga.

Ông còn cảnh báo Mỹ và các nước đồng minh không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” này, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây ngừng tiếp thêm vũ khí sát thương cho lực lượng vũ trang Kiev.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-kho-cua-phuong-tay-trong-no-luc-bom-vu-khi-cho-ukraine-post703241.html