Nguyên nhân dẫn đến sự chuyển giao quyền lực tại Anh và Tây Âu

Việc luôn phải đối mặt với nhiều thách thức khiến người dân không còn tin tưởng vào chính phủ.

Vốn là một quốc gia luôn theo chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu và ủng hộ phong trào Brexit, Vương quốc Anh giờ đây có thể sẽ rẽ theo một hướng khác khi Đảng Lao động trung tả vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 4/7, chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.

Tại Tây Âu, xu hướng trái ngược đang diễn ra khi phe phái cực hữu, đảng theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy và hoài nghi châu Âu đang chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Lãnh đạo Đảng Lao động Anh Keir Starmer phát biểu sau khi dành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: CNBC

Lãnh đạo Đảng Lao động Anh Keir Starmer phát biểu sau khi dành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: CNBC

Dù Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đang đi theo những hướng chính trị khác nhau, các chuyên gia cho biết động lực đằng sau những sự chuyển giao quyền lực này về cơ bản là giống nhau khi mà cử tri đều mong muốn một sự thay đổi.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, Dan Stevens, giáo sư chính trị tại Đại học Exeter, cho biết: “Xu hướng phản đối chính phủ đương nhiệm tại châu Âu xuất phát từ sự không hài lòng với thể chế, đường lối, chính sách và mong muốn sẽ có những thay đổi trong tương lai”.

Nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cử tri Anh, Đảng Lao động nhấn mạnh trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 rằng sẽ tạo ra sự thay đổi nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội một ngày sau đó. Lời kêu gọi trên đã ngay cho thấy sự hiệu quả với chiến thắng áp đảo sau đó của Đảng này.

Sự chuyển hướng sang cánh tả xảy ra sau một thời kỳ hỗn loạn trên chính trường. Nước Anh đã phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian dài: từ những chính sách gây tranh cãi của Đảng Bảo thủ, lo ngại về nhập cư, việc rời khỏi Liên minh châu Âu, thách thức đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine cho đến chi phí sinh hoạt leo thang đã. Theo các chuyên gia, người dân cảm thấy thất vọng với Chính phủ Anh hiện tại vào thời điểm trước cuộc bầu cử.

Mối bận tâm chung

Không chỉ Vương quốc Anh, phần lớn Tây và Đông Âu trong những năm gần đây cũng cho thấy những thay đổi về phe phái chính trị, với sự lên ngôi của các đảng dân túy và cực hữu.

Ý, Hà Lan, Đức và Pháp đều đã chứng kiến việc các đảng cực hữu, như: Đảng Anh em Ý, Đảng vì Tự do, Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức hay Đảng Tập hợp Quốc gia, chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận hoặc giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Đây thường là các đảng phái đối lập với chính phủ cầm quyền, dựa trên lập trường chống nhập cư hoặc chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Họ đã dần thay đổi cách tiếp cận để thu hút đông đảo cử tri hơn, tập trung vào các vấn đề phổ quát và đang được quan tâm như: việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bản sắc dân tộc và nền kinh tế.

Ngoài ra, việc cử tri bị tác động bởi nhiều yếu tố như: chi phí thực phẩm và giá năng lượng tăng cao, giảm thu nhập hộ gia đình cũng được các đảng phái này tận dụng để gia tăng ưu thế.

“Việc đang phải trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người mong chờ vào một sự thay đổi” - Christopher Granville, giám đốc điều hành EMEA và chính trị toàn cầu tại TS Lombard nói với CNBC, nhấn mạnh tình thế hiện tại không ủng hộ các nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Ông cho biết thêm: “Khi đối diện với tình thế khó khăn, người dân sẽ quy trách nhiệm cho chính phủ. Họ sẽ chỉ trích các chính sách kinh tế, chính trị của quốc gia, cho dù đó có là những tình huống bất khả kháng đã xảy ra như cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine gây ra, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù ở bất kỳ tình huống nào, cử tri đều mong muốn về sự thay đổi”.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguyen-nhan-dan-den-su-chuyen-giao-quyen-luc-tai-anh-va-tay-au.html