Thế lưỡng nan ở đảo rồng Komodo

Sự nổi tiếng của vườn quốc gia Komodo (Indonesia) đã giúp các khu vực gần đó nổi lên nhờ du lịch nhưng cũng khiến nhà chức trách đau đầu trong thực hiện công tác bảo tồn.

Cảnh tượng khu vực Puncak Waringin nhìn từ trên cao đầy mâu thuẫn. Hàng chục du thuyền, thuyền buồm bằng gỗ truyền thống và những chiếc xuồng nhỏ hơn bồng bềnh trên vịnh của thị trấn Labuan Bajo.

Gần đó, đường chân trời được tạo nên từ sự mọc lên của các khu nghỉ dưỡng năm sao đang bắt đầu che khuất biển.

Labuan Bajo là thị trấn cảng ở cực tây trên đảo Flores, thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia. Vẻ ngoài của thị trấn khiến người ta tưởng rằng nơi đây có vẻ luôn sẵn sàng chào đón khách du lịch.

Tuy nhiên, Labuan Bajo đang là tâm điểm trong cuộc chiến giằng co giữa khôi phục kinh tế cấp thiết sau đại dịch và bảo tồn thiên nhiên.

Theo Guardian, năm 2019, tỉnh Đông Nusa Tenggara đã thu hút gần 222.000 du khách.

Là cửa ngõ dẫn vào vườn quốc gia Komodo rộng 1.733 km vuông, đối với Labuan Bajo, đây vừa là một điều may mắn, vừa là một lời nguyền, theo South China Morning Post.

 Khách du lịch đợi thuyền đi đến các đảo khác của vườn quốc gia Komodo. Ảnh: South China Morning Post.

Khách du lịch đợi thuyền đi đến các đảo khác của vườn quốc gia Komodo. Ảnh: South China Morning Post.

Sự thay đổi

Được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ những con rồng khổng lồ chỉ được tìm thấy trên các đảo Komodo, Padar và Rinca, vườn quốc gia Komodo được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.

Kể từ đó, vườn quốc gia Komodo đã đưa thị trấn Labuan Bajo, cũng như đảo Flores lên bản đồ du lịch thế giới. Chỉ riêng trong năm 2018, 200.000 khách du lịch đã đến để có thể tận mắt nhìn thấy những con rồng khổng lồ.

Nhưng du lịch đại trà cũng mang lại một loạt thay đổi cho khu vực.

Những khoản đầu tư bắt đầu đổ vào ngôi làng đánh cá yên bình, vốn đa số là người Hồi giáo.

Các khu nghỉ dưỡng và cơ sở du lịch mọc lên trên những mảnh đất ngày càng đắt đỏ của thị trấn. Người dân nơi đây cũng bắt đầu quen với sự hiện diện của các nhà thờ Hồi giáo, nhà hàng, cửa hàng đồ lặn và quán rượu kiểu Âu dọc theo Soekarno Hatta - con đường ven biển chính của Labuan Bajo.

Trong số các dự án phát triển hướng mặt ra biển mới nhất có cửa hàng của Starbucks, các khách sạn năm sao và một khu dạo mát gần cầu tàu chưa hoàn thành cùng với khu ẩm thực ngoài trời.

Sự phát triển kéo dài dọc theo đường bờ biển đến tận bán đảo Waecicu, về phía tây bắc của thị trấn. Tại đây, một khu xây dựng lớn mang biểu ngữ của khách sạn Marriott đang được dựng lên và giá bất động sản tại đây cũng đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận.

Trong cuộc họp vào tháng 7/2021, UNESCO đã bày tỏ quan ngại về việc các dự án đã giảm diện tích khu vực hoang dã của vườn quốc gia xuống một phần ba so với diện tích trước đó. Cơ quan này cũng đặt nghi vấn về việc cấp phép cho các dự án du lịch trong khi thiếu đánh giá tác động đến môi trường.

Báo cáo từ cuộc họp cho biết mục tiêu 500.000 du khách hàng năm cho khu vực - cao hơn gấp đôi so với số lượng khách trước đại dịch Covid-19 - đã “đặt ra câu hỏi làm thế nào mô hình du lịch này phù hợp với tầm nhìn của Indonesia trong việc chuyển từ du lịch đại chúng sang các phương pháp tiếp cận bền vững hơn”, theo AP.

 Một địa điểm xây dựng trên bán đảo Waecicu của thị trấn Labuan Bajo. Ảnh: South China Morning Post.

Một địa điểm xây dựng trên bán đảo Waecicu của thị trấn Labuan Bajo. Ảnh: South China Morning Post.

Giải pháp không thể thực thi

Thị trấn Labuan Bajo là một trong “10 đảo Bali mới” mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề ra, nhằm thúc đẩy các nền kinh tế vùng sâu vùng xa phát triển bằng du lịch.

Chính tổng thống Indonesia đã khánh thành nhà ga sân bay Komodo mới vào tháng 12/2015. Sân bay đã được đổi tên theo loài rồng đặc hữu của vùng và nhà ga mới có thể đón 1,5 triệu khách du lịch mỗi năm. Sức chứa của sân bay là 150.000 người.

Tuy nhiên, chính những biện pháp du lịch có thể ngăn chặn sự hồi sinh của thị trấn Labuan Bajo sau đại dịch.

Vào tháng 7, nhà chức trách Indonesia đã công bố mức phí vào cửa vườn quốc gia tăng gấp 25 lần, từ 150.000 rupiah (10 USD) lên 3.750.000 rupiah (250 USD).

Trong khoảng thời gian từ ngày 28/7 đến ngày 1/8, người dân địa phương đã xuống đường biểu tình ôn hòa và đe dọa tạm dừng kéo dài một tháng đối với tất cả các dịch vụ liên quan đến du lịch tại thị trấn.

Vào ngày cuối cùng của cuộc biểu tình, một nhà báo và ba người khác đã bị chính quyền bắt giữ, theo South China Morning Post.

Việc tăng giá để phục hồi du lịch sau hai năm không có hoạt động du lịch là điều dễ hiểu. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chính quyền cố gắng tăng phí vào cổng vườn quốc gia Komodo.

Việc bảo tồn vườn quốc gia Komodo đã được đưa vào chương trình nghị sự từ năm 2019. Nhiều người đề xuất rằng vườn quốc gia nên đóng cửa trong một năm để giúp khôi phục các quần thể rồng Komodo và hươu đang sinh sống bên trong.

Sau yêu cầu trên, một đề xuất về việc tăng giá vé tham quan lên 500 USD và sau đó là 1.000 USD để kiểm soát lượng khách đã được đưa ra. Cả hai đề xuất này đều không được thông qua.

Theo đề xuất, những chiếc vé rất đắt kia sẽ cho phép du khách vào công viên nhiều lần trong tối đa một năm.

"Nhưng trên thực tế, ai lại muốn quay hoặc có thể quay lại, đặc biệt nếu đó là khách đến từ nước ngoài?", Edgar Lembor, chủ sở hữu của Labuan Bajo’s Raes Café, cho biết.

Ngày 21/7, Tổng thống Widodo đã có bình luận về vấn đề này trên kênh YouTube của ban thư ký tổng thống.

Ông nói rằng chính phủ đã quyết định tập trung vào việc bảo tồn ở đảo Komodo và đảo Padar và cho phép tổ chức các chuyến du lịch giá cả phải chăng hơn phát triển trên đảo Rinca. Ước tính có khoảng 1.300 con rồng sống trên đảo Rinca, nơi vẫn bị đóng cửa với khách du lịch kể từ cuối năm 2020.

“Đảo Rinca cũng có rồng Komodo tương tự như loài ở đảo Komodo. Nếu khách du lịch muốn nhìn thấy rồng Komodo, họ có thể đến đảo Rinca”, ông Widodo nói.

 Nhiều công trình mới trên đường Soekarno Hatta ở thị trấn Labuan Bajo. Ảnh: South China Morning Post.

Nhiều công trình mới trên đường Soekarno Hatta ở thị trấn Labuan Bajo. Ảnh: South China Morning Post.

Nhưng theo một số nhà điều hành ở thị trấn Labuan Bajo, hầu hết khách du lịch sẽ coi Rinca là một lựa chọn thay thế kém hấp dẫn. Thay vào đó, du khách thích đến thăm đảo Komodo và đảo Padar hơn vì những nơi này có điểm quan sát cao và bãi biển cát hồng nổi tiếng.

Kế hoạch của chính phủ cũng sẽ đặt nhiều điểm lặn tốt nhất của vườn quốc gia ra ngoài tầm với với những người không thể trả phí vào cửa quá cao.

“Chúng tôi đã biểu tình một cách ôn hòa trên đường phố trong ba hoặc bốn ngày, cho đến khi chính phủ xem xét lại quyết định của mình và hoãn việc tăng giá đến ngày 1/1/2023. Nhưng năm sau, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề tương tự", ông Lembor nói.

Sự cân bằng

Nếu muốn tìm được sự cân bằng nhất quán giữa bảo tồn và quản lý du lịch, hầu hết nhà điều hành du lịch địa phương đều đồng ý rằng phí vào cửa vườn quốc gia phải phục vụ cho các nhóm du khách khác nhau và cần có sự kiểm soát dài hạn đối với tác động của số lượng du khách đến các đảo.

“Phí vào cửa là một chuyện, nhưng chúng sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho vườn quốc gia? Sẽ thật tuyệt vời nếu quỹ được đưa trở lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu bảo tồn”, một chủ du thuyền tại thị trấn Labuan Bajo cho biết.

“Không có đủ chỗ neo đậu an toàn cho tất cả tàu thuyền thì không thể chấm dứt việc phá hủy san hô do neo và dây xích được thả không đúng chỗ. Đây là một vấn đề thực sự cần được giải quyết ở các điểm lặn biển”.

“Cũng cần phải tập trung hơn vào việc đảm bảo thực thi vùng cấm đánh cá trong khu bảo tồn của UNESCO”, người này nói.

Một vườn quốc gia Komodo với vé vào cửa đắt đỏ hơn cũng có thể khiến ngành du lịch ở phía đông đảo Flores gặp nhiều khó khăn.

“Vườn quốc gia Komodo vẫn là ưu tiên vì thị trấn Labuan Bajo được chú ý nhiều hơn với loại hình du lịch siêu cao cấp của thị trấn này. Và do đó, tất cả chương trình phát triển không tập trung vào Flores nói chung mà chỉ tập trung vào thị trấn Labuan Bajo”, một hướng dẫn viên du lịch tại thị trấn Ruteng, phía tây đảo Flores cho biết.

Trong số các điểm tham quan khác, thị trấn Ruteng tự hào có hang động Liang Bua, nơi các nhà khoa học tìm thấy tàn tích của loài Homo floresiensis vào năm 2003. Loài Homo floresiensis sinh sống khoảng 50.000 năm trước, trước khi người hiện đại xuất hiện.

 Hang động Liang Bua. Ảnh: South China Morning Post.

Hang động Liang Bua. Ảnh: South China Morning Post.

Xa hơn về phía đông là thị trấn cao nguyên Bajawa. Thị trấn nằm dưới bóng của ngọn núi lửa Inerie, đỉnh núi cao nhất của đảo Flores và được các thác nước, suối nước nóng và các ngôi làng truyền thống bao quanh.

Thêm năm giờ lái xe nữa về phía đông là núi lửa Kelimutu có ba đỉnh hồ thay đổi màu sắc. Đây cũng là điểm tham quan nổi tiếng thứ hai của đảo Flores. Nhưng phần lớn khách du lịch đặt chân đến Flores là để đi từ phía tây - thị trấn Labuan Bajo đến vườn quốc gia Komodo, chứ không phải hướng đông, theo South China Morning Post.

Khi đã đến vườn quốc gia Komodo, trong khi các nhân viên kiểm lâm giúp khách du lịch tạo dáng an toàn để chụp ảnh bên những con rồng, một số người dân địa phương ở Komodo lại huyên náo kinh doanh, chào hàng các bức tượng nhỏ bằng gỗ, áo phông, vải truyền thống và các đồ trang sức du lịch liên quan đến rồng khác.

Khi được hỏi về việc có nghĩ rằng tăng giá vào cửa khu bảo tồn sẽ tốt cho khu vực hay không, một hướng dẫn viên du lịch lắc đầu.

“Nếu chuyện đó xảy ra, vào tháng một năm sau, chúng tôi sẽ sẵn sàng phản đối một lần nữa”, ông nói.

Hồng Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-luong-nan-o-dao-rong-komodo-post1361723.html