Thế mạnh trồng rừng có chứng chỉ bền vững

Sau 12 năm phát triển rừng bền vững, hiện tỉnh đang có hơn 23.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh phấn đấu đưa diện tích trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC lên 25.000- 30.000 ha vào năm 2030.

 Rừng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải -Ảnh: TÚ LINH

Rừng được cấp chứng chỉ FSC của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải -Ảnh: TÚ LINH

Tiên phong trồng rừng FSC

Trong quá trình phát triển rừng trồng, Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện quản lý rừng bền vững thông qua việc được cấp chứng chỉ rừng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, năm 2010 Quảng Trị là địa phương đầu tiên trong cả nước được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải. Năm 2021, tỉnh cũng là địa phương đầu tiên được Liên minh Châu Âu cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 1.560 ha rừng tự nhiên của cộng đồng thôn Hồ và Chênh Vênh ở Hướng Hóa. Việc trồng rừng bền vững với các khâu chăm sóc, khai thác, chế biến, xuất khẩu đã góp phần nâng cao chất lượng nghề rừng, nâng cao giá trị sản xuất.

 Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng ở HTX Phú Hưng, Hải Lăng -Ảnh: T.L

Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng ở HTX Phú Hưng, Hải Lăng -Ảnh: T.L

Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển ngành lâm nghiệp như: Giao đất, giao rừng, đầu tư xây dựng hạ tầng lâm nghiệp, kêu gọi, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, công ty thực hiện các chương trình, dự án, kinh doanh, chế biến gỗ. Với tiền thân là các lâm trường quốc doanh, sau này được chuyển đổi thành công ty TNHH MTV lâm nghiệp, những đơn vị này tiên phong trong sản xuất, kinh doanh gỗ rừng trồng có chứng chỉ; liên kết sản xuất, trồng rừng với các hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước để làm gia tăng giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.

Để phát triển mạnh hơn nữa rừng được cấp chứng chỉ bền vững, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của tỉnh, chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm như giữ ổn định độ che phủ rừng 50%, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chuyển đổi diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ rừng...

Nhận diện khó khăn để phát triển đúng hướng

Hiện nay, việc phát triển rừng bền vững luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia đào tạo tập huấn và đánh giá cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như thường xuyên phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất lợi như bão, gió lốc…gây ra nhiều rủi ro cho đối tượng tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Trong khi đó, chính sách bảo hiểm về nông nghiệp hiện nay thì đối tượng gỗ rừng trồng chưa được xem xét để thí điểm hỗ trợ. Kinh phí đánh giá thấp và duy trì chứng chỉ rừng khá cao là một rào cản đối với các chủ thể mới đăng ký cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Mặt khác, thị trường tiêu thụ chưa bền vững, thiếu liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất rừng trồng gỗ lớn chưa rõ, chưa bền vững nên khó khuyến khích người dân mở rộng diện tích.

 Khai thác rừng được cấp chứng chỉ FSC -Ảnh: T.LINH

Khai thác rừng được cấp chứng chỉ FSC -Ảnh: T.LINH

Hiện nay, phương thức sản xuất kinh doanh rừng của các chủ rừng quy mô nhỏ, chưa áp dụng nhiều các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong công tác chọn giống, tỉa cành, tỉa thưa, thời gian canh tác ngắn nên sản phẩm gỗ nguyên liệu có phẩm chất chưa đồng đều, còn nhiều nguyên liệu khi chế biến không đạt yêu cầu, bị thải loại gây thiệt hại cho đơn vị chế biến gỗ nên bị giảm giá khi mua nguyên liệu vào.

Đối với các chủ rừng quy mô nhỏ, hộ gia đình có diện tích ít, phân bố không tập trung gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ, sản xuất và quản lý rừng theo các tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng chỉ rừng quốc tế. Tâm lý của chủ rừng quy mô nhỏ thường muốn trồng rừng, khai thác thật nhanh để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận nhằm tận dụng giá trị sản xuất của đất rừng chứ chưa quan tâm đến sản xuất lâm nghiệp một cách bền vững…

Tỉnh Quảng Trị có diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 96.000 ha, chủ yếu là rừng trồng keo các loại. Để giải quyết bài toán tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững cũng như tăng giá trị sản phẩm trên diện tích rừng này,

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, việc phát triển rừng bền vững phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá Quảng Trị là mô hình điểm của cả nước về phát triển rừng trồng bền vững. Cốt lõi của việc chuyển từ trồng rừng theo cách truyền thống sang trồng rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là chuyển từ sản xuất sản lượng sang giá trị chất lượng cao; không chỉ sản xuất các mặt hàng lâm nghiệp chúng ta có thể làm được, mà chọn làm các mặt hàng thế giới cần nhất; không phải sản xuất cái dễ nhất mà sản xuất cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất.

Với dư địa để phát triển rừng trồng bền vững của tỉnh còn rất lớn và mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa. Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, toàn tỉnh phấn đấu đưa diện tích trồng rừng được cấp chứng chỉ lên 25.000-30.000 ha vào năm 2030.

Trên cơ sở những chính sách đã được Trung ương và địa phương ban hành, ngành nông nghiệp và PTNT đang cụ thể hóa thành các giải pháp trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy việc phát triển diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ và gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trồng rừng bền vững tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giải quyết được vấn đề xã hội, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài phát triển rừng được cấp chứng chỉ FSC, tỉnh đang tập trung phát triển thêm rừng được cấp chứng chỉ PEFC (về cơ bản PEFC được thành lập từ FSC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chứng nhận lâm nghiệp bền vững áp dụng cho diện tích rừng và chủ rừng ở diện tích nhỏ) theo chủ trương của Chính phủ để triển khai Hiệp định thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, đưa sản phẩm gỗ gia nhập vào thị trường châu Âu mạnh mẽ hơn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166837&title=the-manh-trong-rung-co-chung-chi-ben-vung