Thế nào là biết ơn thầy cô?

Cách năm, Sở GD-ĐT tổ chức mỗi năm một trong hai cuộc thi Tiếng hát giáo viên và Tiếng hát dưới mái trường vào dịp tháng 11, chào mừng Ngày Nhà giáo. Năm nay đến lượt thi Tiếng hát dưới mái trường.

Ở huyện, mấy lượt thi Tiếng hát dưới mái trường, Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa đều được chọn đại diện đi thi tỉnh và lần nào cũng đoạt giải nhất, nhì. Mọi người đều bảo là ngoài số học sinh có năng khiếu biểu diễn còn nhờ cô hiệu trưởng vốn là người yêu thích văn nghệ - thủ trưởng nào phong trào ấy mà. Ngoài ra, cũng nhờ gia đình cô có tiệm cho thuê trang phục biểu diễn và lần nào đi thi, đội văn nghệ của trường cũng được mặc đẹp mà lại miễn phí.

Nhưng năm nay, dù huyện vẫn mời nhưng cô hiệu trưởng nhất định xin được “nghỉ”. Cô giải thích là lần này cô muốn học trò trường mình tạm nghỉ “thi thố” để trực tiếp thể hiện tấm lòng biết ơn thầy cô trong trường qua những tiết mục văn nghệ do các em tự dàn dựng. Tiệm cho thuê trang phục của gia đình cô cũng không cho học trò trong trường thuê, kể cả trả tiền hay miễn phí!

16 lớp trong trường được phép biểu diễn mỗi lớp 3 tiết mục và sẽ thi tài trong 2 buổi của một ngày chủ nhật. Một ban giám khảo gồm 5 vị được mời từ tỉnh về, có nhạc sĩ, đạo diễn, ca sĩ, biên đạo múa thật “hoành tráng”. Chỉ riêng giải thưởng là còn được giữ bí mật đến lúc công bố.

***

Các trò lớp 8/1 dễ dàng cử ra đội văn nghệ của lớp mình vì lớp có tới 6 trò tham gia trong đội văn nghệ của Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa. Đã vậy lại còn đủ diễn viên cho cả ba thể loại theo quy định: hát, múa, kịch ngắn! Song ca thì có Diễm và Hương, luôn được giới thiệu là “đôi song ca Diễm - Hương”; múa thì có Bích, Chu, Khánh, chỉ cần tăng cường thêm 2 trò nữa; riêng kịch ngắn thì có Kha, đầu trò cho mấy ông tướng nhà trời có tài diễn hài kịch cứ như thật. Vấn đề là chọn bài hát nào, điệu múa nào, kịch bản hài nào? Và tất cả phải có nội dung “Biết ơn thầy cô”. Khó đây! Nhức óc đây! Bởi vì các thầy cô đã có lệnh không được giúp học trò, các lớp cũng không được nhờ người ngoài hay lấy kịch bản có sẵn. Tất cả phải là “cây nhà lá vườn”! Cô hiệu trưởng đã dõng dạc tuyên bố trong buổi sinh hoạt đầu tuần như thế!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trưởng nhóm văn nghệ lớp 8/1 là Khánh có thừa kinh nghiệm sân khấu mà cũng phải bóp trán suy nghĩ mất mấy ngày về 3 tiết mục của lớp mình. Cuối cùng rồi cũng xong. Cả nhóm thống nhất cao là sẽ dành hẳn năm buổi chiều để vừa tập vừa góp ý hoàn chỉnh các tiết mục, nhất là vở kịch phải “ngày tập hôm sau cười nhiều hơn ngày tập hôm trước”. Chất lượng mỗi tiết mục phải đạt mức cao nhất chính là phương châm tập luyện của cả nhóm và ai cũng rất cố gắng.

Buổi tập cuối cùng vừa xong, cả nhóm lấy nước chanh pha sẵn - Diễm là nhà tài trợ - ra uống giải khát trước khi chia tay ai về nhà nấy. Khánh hỏi các bạn:

- Các trò nhắm chừng lớp mình sẽ đoạt giải mấy?

Đôi Diễm - Hương tự tin:

- Bài song ca được hát bè từ đầu tới cuối, giọng tụi tao lại “ăn” với nhau, giải nhất là cái chắc!

Bích, Chu thêm:

- Múa Cô giáo vùng xa có kết hợp hoạt cảnh nên ăn đứt các tiết mục múa khác rồi. Tao nhờ “gián điệp” thám thính thấy các lớp khác đều chỉ lấy nhạc nền của một bài hát rồi múa minh họa, xem chán lắm!

Mấy ông “danh hài” thì càng “nổ”. Kha, tác giả kịch bản tuyên bố:

- Tui bảo đảm khán giả sẽ cười bể bụng, có khi sập hội trường!

- Như vậy nghĩa là lớp mình sẽ... nhất chứ gì? - Khánh vẫn chưa đủ tự tin.

- Nhất là cái chắc! Tinh hoa văn nghệ của trường tụ hội cả ở lớp mình, không nhất mới lạ!

- Chỉ không biết giải thưởng lớn tới mức nào thôi...

- Ừ! Hãy đợi đấy

***

Khối lớp 6 và lớp 7 thi buổi sáng. Lịch thi được bốc thăm theo từng khối lớp và lá thăm tình cờ đã đem lại nhiều thuận lợi cho lớp 8/1 khi được thi cuối khối 8 vào buổi chiều. Cả buổi sáng cho đến trước khi đội văn nghệ của đội trưởng Khánh biểu diễn, vẫn chưa thấy chương trình nào nổi trội. Các trò khối lớp 6 thì còn quá non vụng với dấu ấn thời tiểu học còn lại rất rõ. Ở một lớp khối 7, có một giọng đơn ca khá hay nhưng không thể so với song ca của Diễm - Hương. Ba lớp khối 8 ngoài lớp 8/1 thì chỉ có một tiết mục múa gây được chú ý nhờ có một hạt nhân múa trong đội văn nghệ của trường làm đầu tàu, các diễn viên khác có chiều cao ngang nhau, trang phục áo dài nữ sinh mới tinh đẹp mắt, nhưng vẫn chỉ là múa minh họa bài Bức họa đồng quê chẳng ăn nhập gì với chủ đề Biết ơn thầy cô. Khi đội văn nghệ của lớp 8/1 biểu diễn thi xong thì đã lộ diện ứng cử viên giải nhất. Song ca với một giọng chính, một giọng bè quyện vào nhau nhận được tràng pháo tay không dứt, kể cả ban giám khảo cũng hào hứng vỗ tay theo. Tiết mục múa Cô giáo vùng xa bắt đầu được tán thưởng từ khi trò Khánh đóng vai cô giáo xuất hiện trên sân khấu và lúc trò này biểu diễn phần múa đơn. Đúng là một học trò xuất sắc trong lớp múa của Trung tâm văn hóa huyện. Cuối cùng, khi các “danh hài” xuất hiện thì khán giả thi nhau cười “bể bụng” theo từng câu thoại hay động tác diễn, nhất là “danh hài” Kha trong vai cậu học trò lười.

- Tụi mình nhất rồi! - Khánh thở phào nói với các bạn ở hậu trường - Mấy lớp khối 9 diễn đạt trung bình là mắc-xi-mum!

Kha cũng giơ hai ngón tay chữ V:

- Không uổng công tụi mình tập luyện! Cầu cho giải thưởng nhiều nhiều một chút...

***

Vở kịch ngắn của lớp 9/2 diễn cuối cùng rất ngắn. Lại chỉ còn khoảng hơn nửa số khán giả ở lại xem. Đa số “chuồn” ra ngoài hội trường đợi phần công bố kết quả và trao thưởng, vì “có gì đáng xem đâu”.

Thì đó, cái vở kịch kia! Các phân cảnh thì thô, gượng. Diễn lại vụng. Nội dung kịch thế này: trò Tuấn là con cô Xuân đồng thời là học trò của cô, do làm Toán sai nên bị cô cho điểm thấp, cảm thấy rất “quê” với bạn bè. Sẵn ba má đang có việc mâu thuẫn, Tuấn lén bỏ thêm muối vào nồi canh khiến ba nghĩ rằng má “trả thù” mình, sau đó hai người lớn thêm giận nhau, không ai nói chuyện với ai. Tuấn thấy hả dạ lắm. Cô Xuân buồn, đổ bệnh nhưng vẫn cố đi dạy và truy bài học trò, trong đó có Tuấn. Tuấn thuộc bài nên được cô cho điểm cao. Cuối buổi dạy chuẩn bị về thì cô Xuân bị ngất trong phòng giáo viên. Tuấn cùng cô y tá chăm sóc cho mẹ cũng là cô giáo của mình. Kịch hết! Một cái kết vô duyên! Chỉ có mấy tiếng vỗ tay lẻ loi. Nhưng khi mấy diễn viên cùng ra đứng hàng ngang để chào khán giả thì bất ngờ trò nữ đóng vai cô Xuân cầm micrô nói:

- Con kính mời cô Xuân lớp 9/2 lên sân khấu ạ.

Kịch chưa hết à? Còn đoạn nữa mới là kết thật à? Nếu như thế thì quá bất ngờ!

Bên dưới hội trường, trò nam đóng vai Tuấn dìu cô Xuân lên sân khấu trong sự im lặng hồi hộp của khán giả. Không biết mấy trò 9/2 tính làm gì đây? Cô Xuân coi bộ cũng không khỏi ngạc nhiên.

Bây giờ trò đóng vai Tuấn mới nhận micrô từ tay “cô Xuân” diễn viên, giọng xúc động nói:

- Thưa các thầy cô, thưa các bạn học sinh trong trường. Em là Tuấn, tên thật mà cũng là tên trong vở kịch. Còn đây là mẹ em, cô Xuân đang dạy Toán khối 9, cũng là “cô Xuân” trong kịch. Câu chuyện kịch là có thật, là chuyện của em và mẹ em. Lớp tụi em muốn đưa chuyện này lên diễn mà không biết viết kịch bản nên cứ nghĩ sao thì làm vậy thôi. Vì vậy mà bây giờ mới là đoạn kết thật của vở kịch. Em là Tuấn, xin nói với mẹ em, cô giáo Xuân dạy Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa rằng: “Mẹ ơi... cô ơi... con xin lỗi”.

Trên sân khấu, Tuấn vừa nói vừa khóc. Cô Xuân cũng ôm lấy con mà khóc. Dưới hội trường, người lớn chấm nước mắt trên má còn đám học trò có nhiều đứa khóc thút thít.

***

Ngồi dưới hàng ghế khán giả cùng các bạn, Khánh cũng khóc. Nhìn qua bên cạnh, nó thấy “danh hài” Kha mắt cũng đỏ hoe. Thằng bạn nói nhỏ với Khánh: “Tui chỉ biết chọc cười, không biết làm cho khán giả khóc. Người ta cười rồi quên chứ đã khóc là nhớ hoài”. Ôi! Lâu lắm mới nghe “danh hài” nói một câu nghiêm túc và khiêm tốn!

Đúng 5 giờ chiều, lễ tổng kết bắt đầu. Cô hiệu trưởng nói ở phần tổng kết cuộc thi: “Các thầy cô cảm ơn tất cả các em đã cho thầy cô hiểu được tấm lòng của học trò yêu mến những người đưa đò thế nào! Cô đặc biệt khen tiết mục kịch của lớp 9/2. Về chuyên môn còn sạn, còn vụng nhưng kịch đã đạt được mục đích của cuộc thi, vừa nói lên được tấm lòng của học trò với thầy cô, vừa cho thấy sự công minh của người thầy, người cô, lại thể hiện được tình cảm mẹ con...”.

Đến phần công bố kết quả, hầu như mọi người đếu đoán đúng. Giải nhất thuộc về lớp 8/1. Vở kịch của lớp 9/2 được nhận giải đặc biệt.

Giải thưởng cho 6 lớp được giải nhất, nhì, ba được trao trên sân khấu chỉ là giấy chứng nhận của nhà trường cùng những bó hoa tươi thắm, trong đó lớp 8/1 đoạt giải nhất được nhận thêm một bó hoa của bác chánh chủ khảo! Vở kịch của lớp 9/2 cũng được khen và nhận hoa của cô hiệu trưởng! Ban tổ chức cho biết toàn bộ tiền mua hoa được trích trong số tiền đóng góp của các thầy cô dạy Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa!

Khánh trao đổi nhanh với các bạn và cả nhóm bước tới bên cô Xuân, mẹ trò Tuấn, tặng cô bó hoa mà lớp mình vừa được bác chánh chủ khảo trao tặng.

“Danh hài” bất ngờ nói:

- Cô ơi, qua năm học sau tụi em học Toán cô dạy, cô nhớ thưởng phạt công minh như với anh Tuấn con cô nha cô!

N.T.H

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201911/truyen-ngan-cua-nguyen-thai-hai-the-nao-la-biet-on-thay-co-2975321/