Thế nào là một vị tu hành chứng đắc?

Có bốn quả Thánh là Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả A-la-hán. Thành tựu Thánh quả A-la-hán là mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não sinh tử, chứng đắc Niết-bàn.

Hỏi: Một vị tu hành muốn chứng đắc thì cần hội tụ những nhân duyên, điều kiện như thế nào? Làm sao để biết một vị tu hành đã chứng đắc hay chưa?

Đáp: Câu hỏi về "chứng đắc" còn khá mơ hồ, để làm rõ hơn vấn đề này, cần hiểu được 3 khái niệm: "đắc pháp, đắc đạo, đắc quả". Đây cũng là thước đo để nhận biết kết quả quá trình tu tập của một vị hòa thượng hay một cư sĩ tại gia, phật tử,...

Phân biệt "đắc đạo" và "đắc pháp"

Đắc đạo là thành tựu sự giải thoát toàn diện, còn đắc pháp thì mới đạt được từng phần của đạo.

Ví dụ: Học xong chương trình Tiểu học thì phải thi tốt nghiệp Tiểu học. Khi tốt nghiệp Tiểu học xong, phải thi vào Trung học. Khi tốt nghiệp Trung học xong, phải thi vào Đại học. Khi tốt nghiệp xong Đại học thì mới hoàn thành kiến thức của chương trình giáo dục.

Đắc pháp cũng giống như thi tốt nghiệp của mỗi cấp. Cho nên mới thi tốt nghiệp cấp Tiểu học mà cho rằng học hết chương trình giáo dục là sai, không đúng được. Do đó, "đắc pháp" không thể gọi là "đắc đạo". Mà "đắc pháp" là điều kiện cần để tiến tới "đắc đạo".

Pháp của Phật có tám lớp: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định; và gồm có ba cấp: Giới, Định, Tuệ. Cho nên, học và tu tập xong lớp Chính kiến thì mới đắc pháp lớp Chính kiến. Đắc pháp lớp Chính kiến thì không thể gọi là đắc đạo được.

Ảnh: st

Ảnh: st

Thế nào là "đắc quả"

Có bốn quả Thánh là Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả A-la-hán. Thành tựu Thánh quả A-la-hán là mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não sinh tử, chứng đắc Niết-bàn. “Sinh đã tận, lậu đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Pháp hành cốt tủy để thành tựu các quả vị Thánh là tu tập Giới-Định-Tuệ. Tu tập Giới tức giữ Giới và Luật, thực hành các phương thức phòng hộ, trợ duyên cho thiền định. Tu tập Định (hay thiền Chỉ) là an trú vào các đề mục để thanh lọc và tịnh hóa tâm. Định tâm tăng tiến theo các cấp độ từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền cho đến Tứ thiền.

Quả pháp của các bậc Thánh Tam thừa đạt được khi hoàn thành pháp tu của mình: như Thanh văn thừa quán Tứ thánh đế, được quả Niết bàn; Duyên giác thừa quán Thập nhị nhân duyên, chứng được quả Bích chi phật; Bồ tát thừa thì tu 6 hạnh Ba la mật, để cầu vô thượng bồ đề, độ tất cả chúng sinh.

Hoa nghiêm kinh Thám huyền kí quyển 1 chia pháp tu và sự đắc quả của Tam thừa làm 3 loại:

Thủy biệt chung đồng: Thủy biệt nghĩa là pháp tu của Tam thừa như: Tứ đế, Duyên sinh, Lục độ khác nhau; Chung đồng nghĩa là về mặt đắc quả thì Tam thừa cùng diệt thân trí như nhau.

Thủy đồng chung biệt: Thủy đồng nghĩa là Tam thừa bắt đầu cùng nghe Bát nhã, nhưng quả chứng được thì mỗi hạng đều khác nhau. Nếu theo sự tu hành Thánh đế, Duyên sinh, Lục độ khác nhau, thì cũng có thể gọi là Thủy chung các biệt (trước sau đều khác).

Cận dị viễn đồng: Cận dị nghĩa là hàng Tam thừa lúc đầu dùng các phương tiện để dẫn dụ; Viễn đồng nghĩa là hàng Tam thừa rốt cuộc cùng được vào Đại thừa.

Nói tóm lại, để biết được 1 người tu hành đạt chứng đắc hay chưa thì phải xem xét cả quá trình sinh sống, tu tập và hành đạo của họ, nương theo những giáo lý căn bản ở trên để nhận biết điều kiện cần và đủ để đạt "đắc pháp, đắc đạo, đắc quả".

THAM KHẢO

Tạp chí Nghiên cứu Phật học

https://chanhphatphap.com/dac-dao-dac-phap-va-dac-qua/

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/the-nao-la-mot-vi-tu-hanh-chung-dac.html