Thế nào là thành phố đáng yêu và đáng sống?
Ý tưởng về 'Thành phố đáng sống' (Livable city) đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được không ít lãnh đạo nhà nước hay chuyên gia kinh tế xã hội học nhắc đến trong hơn thập niên qua.
Nhiều cơ quan nghiên cứu có uy tín đã đánh giá, thống kê và công bố xếp hạng về các thành phố khác nhau được coi là nơi tốt nhất để sinh sống. Họ đưa ra Chỉ số nơi đáng sống toàn cầu (Global Livability Index) xếp hạng các thành phố theo 5 tiêu chuẩn, là sự ổn định, điều kiện chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường, chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Thế nhưng, các tiêu chí này của “Thành phố đáng sống” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì thế, nhiều năm qua các nhà quy hoạch đô thị đã hướng sang khái niệm mới là “Thành phố đáng yêu” (Lovable city). Và câu hỏi đặt ra, làm thế nào để đo lường tình cảm gắn bó và thuộc về một nơi chốn nào đó của con người chúng ta?
Câu hỏi này cũng là một phần của tầm nhìn Quy hoạch tổng thể thiết kế năm 2025, được đưa ra vào năm 2015 bởi Hội đồng Thiết kế Singapore, cơ quan của Cục Phát triển kinh tế (EDB) thuộc Bộ Công Thương Singapore, với mục tiêu giúp Singapore trở thành nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên đổi mới sáng tạo và là “Thành phố đáng yêu” vào năm 2025.
Với suy nghĩ đó, Hội đồng đã tiến hành dự án bắt đầu từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2021 thu thập ý kiến của hơn 2.500 người dân, các nhà lãnh đạo cộng đồng và doanh nghiệp, học giả và công chức thảo luận về chủ đề “Điều gì khiến Singapore trở nên đáng yêu?” và "Điều gì sẽ làm cho Singapore đáng yêu hơn?".
Từ kết quả của các cuộc khảo sát và hội thảo, dự án đã phát triển khung khái niệm được gọi là “Khuôn khổ của tính đáng yêu”. Theo đó, khi chúng ta nghĩ về cảm nhận của mình về thành phố, 4 chủ đề/khía cạnh chính thường xuất hiện trong đầu với những chiều kích.
Theo các chuyên gia thực hiện dự án, nội dung của các chiều kích thước này chồng chéo lên nhau và dựa vào nhau để hoạt động. Vì vậy, khi xem xét tính đáng yêu, chúng ta phải xem xét với cái nhìn hệ thống, được củng cố bởi các chủ đề rộng lớn xuyên suốt các khía cạnh khác nhau của trải nghiệm sống.
Trong khi các khía cạnh vật lý, chức năng và xã hội tạo nên khả năng sống của một thành phố, khía cạnh nghiên cứu về tính đáng yêu sẽ tập trung vào nhiều nhất là khía cạnh cảm xúc và nhận thức, và làm thế nào điều này được tạo ra thông qua các tương tác với nhau và giữa các chiều kích khác.
Khía cạnh cảm xúc và nhận thức - cách chúng ta cảm nhận về một thành phố - có thể được hiểu rõ hơn như là chuỗi 6 kết nối cảm xúc là sự hòa nhập, tính kết nối, sự gắn bó, khả năng tạo phấn khích, tâm trạng tự do và tự chủ của một cá nhân. Các thuộc tính được diễn giải trong sơ đồ dưới đây.
Theo các nhà nghiên cứu, những khuôn khổ như trên cho thấy thành phố có thể đáng yêu theo nhiều cách với một số mô thức mong muốn nhất tùy thuộc vào nhu cầu cư dân tại thời điểm cụ thể. Phân tích những khía cạnh của tính đáng yêu cho phép chính quyền giải quyết các nhu cầu của thành phố theo cách đa dạng hơn so với chỉ số trước đây là “đáng sống”. Các khoản đầu tư có thể được thay đổi phù hợp với nhu cầu và nhân khẩu học.
Ngoài ra, khi xem xét tính đáng yêu, nhà lãnh đạo sẽ đối mặt với câu hỏi: Đáng yêu cho ai? Một thành phố đáng yêu đối với một người này có thể không đáng yêu đối với một người khác. Trên thực tế, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị sẽ không có khả năng thiết kế các thành phố đáng yêu như nhau cho tất cả mọi người.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với nhà lãnh đạo là không chỉ xem xét các mô thức, mà cả các sắc thái như mong muốn, nhu cầu và tình cảm của các phân khúc dân số cụ thể - và đưa ra các lựa chọn có ý thức xung quanh phân khúc mà họ ưu tiên…
Chia sẻ trải nghiệm về chuyến viếng thăm Hồng Kông mới đây trên tài khoản Instagram, nữ nghệ sĩ người Singapore Y.Tham, cho rằng điều khiến thành phố trở nên “đáng yêu” là khi cuộc sống bình thường và sức sáng tạo của cư dân ở đó không bị xóa nhòa hoàn toàn theo thời gian, mà được xếp lớp theo cách bạn có thể nhìn thấy dấu vết và bóng dáng của người dân - về cách thành phố đã chịu đựng và tồn tại và đã sống, do đó nó đã được yêu như thế nào.
Cô cho rằng Hồng Kông có quá nhiều kết cấu và cô cảm thấy chóng mặt khi cố gắng hiểu hết khi đi dạo quanh các quận trong khu trung tâm. Hồng Kông khoác lên mình lịch sử và những trải nghiệm, dù tốt hay xấu, khiến những khám phá đôi khi gây ngạc nhiên, luôn mang tính khai sáng.
Nhưng hình như tính đáng yêu của một thành phố hay tình yêu của một người dành cho nơi chốn nào đó không cần phải giải mã. Tôi chợt nghĩ về tình yêu của tôi với Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn từ thời thơ ấu ngày ngày cắp sách đến trường, rồi sau đó tốt nghiệp đại học đi làm trước khi chân ướt chân ráo sang đất khách quê người lập nghiệp cách đây 27 năm.
Đại dịch đã làm cho tôi gắn bó nhiều hơn với đảo quốc Singapore về mặt cảm xúc, nhưng càng làm cho tình yêu của tôi với Sài Gòn nói riêng và những nơi chốn khác trên dải đất hình chữ S ngày càng mãnh liệt hơn. Bởi đây là cội nguồn, nơi gia đình và bạn bè của chúng ta đang sinh sống; là nơi chúng ta đã xây dựng các mối quan hệ, kể cả với cộng đồng bên ngoài vòng kết nối trực tiếp.
Và rồi trong những chuyến công tác kết hợp thăm nhà sau Covid-19 tôi càng thấy thành phố mình yêu càng đáng yêu hơn với những con người cụ thể và những câu chuyện nhân văn thắm đượm tình người.
Dĩ nhiên, cuộc sống không phải hoàn toàn màu hồng và thành phố của tôi vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để trở thành một nơi “đáng sống”. Nhưng tôi tin là tình yêu là kim chỉ nam giúp cho con người làm được nhiều việc phi thường. Có nhiều cách để một thành phố trở nên đáng yêu và từng cá nhân sẽ có cách thức của riêng mình để biến tình yêu của mình thành hành động cụ thể.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/the-nao-la-thanh-pho-dang-yeu-va-dang-song-post103981.html