Thể thao Nga gặp khó

Những ngày qua, làng thể thao Nga phải hứng chịu nhiều chỉ trích và liên tiếp bị tẩy chay trên phạm vi toàn cầu vì sự xung đột leo thang tại Ukraine

Vài ngày sau khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố chuyển quyền đăng cai trận chung kết Champions League 2021-2022 từ sân Kretovsky ở TP St. Petersburg - Nga sang sân Stade de France tại Paris - Pháp, các hành động trừng phạt nhắm vào lĩnh vực thể thao Nga được tăng lên cấp độ mới. Cả Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) lẫn UEFA đã quyết định cấm bóng đá nước này tham dự mọi giải đấu quốc tế từ cấp độ CLB lẫn tuyển quốc gia.

Điều này đồng nghĩa với việc đội tuyển Nga sẽ không được tham dự các trận đấu ở vòng play-off khu vực châu Âu để tranh một suất vé vớt dự World Cup 2022. Tương tự, Spartak Moscow cũng sẽ không được tiếp tục tham dự Europa League dù đã lọt vào vòng 1/8 giải đấu này, chờ gặp đại diện của Bundesliga là RB Leipzig.

Thể thao Nga đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: THE SUN)

Thể thao Nga đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: THE SUN)

Trước đó, FIFA với động tác "thăm dò dư luận" đã tuyên bố chỉ chấp nhận cho tuyển Nga tham dự vòng play-off/vòng chung kết World Cup 2022 (nếu giành vé) dưới phiên hiệu Liên đoàn Bóng đá Nga (RFU), đồng thời không được sử dụng quốc kỳ, quốc ca Nga. FIFA yêu cầu các đội bóng Nga từ cấp độ CLB đến tuyển quốc gia phải thi đấu trên sân trung lập không có khán giả tại các giải chính thức.

Cú "quay xe" của cả UEFA lẫn FIFA được coi là từ tác động của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Tổ chức này khuyến cáo các liên đoàn thể thao không được mời hoặc cho phép VĐV, quan chức Nga và đồng minh Belarus tham gia các sự kiện thi đấu quốc tế. Động thái của IOC được coi là cơ sở để không chỉ giới bóng đá mà cả làng thể thao quốc tế đồng loạt cấm cản thể thao Nga.

TP Moscow chính thức mất quyền đăng cai Olympiad cờ vua 2022. TP Sochi đứng trước nguy cơ bị tước quyền tổ chức chặng đua xe Thể thức 1 vào tháng 9. Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIBV) quyết định tước quyền đăng cai 2 vòng của giải đấu Volleyball Nations League 2022 (VNL) cùng với Giải Vô địch bóng chuyền nam thế giới. Liên đoàn Rugby quốc tế cấm 2 đội tuyển rugby Nga và Belarus thi đấu các giải của tổ chức này. Trong khi đó, Liên đoàn Khúc côn cầu thế giới đình chỉ quyền tranh tài của đội tuyển cũng như các CLB Nga và Belarus bên cạnh việc hủy bỏ quyền đăng cai Giải Vô địch khúc côn cầu trẻ thế giới 2023 của Nga.

Nga đã và đang phản ứng khá yếu ớt trước những động thái kể trên khi hầu hết các tổ chức thể thao lớn đều do phương Tây chi phối. IOC, FIFA hay UEFA lâu nay vẫn trung thành với tiêu chí "không chính trị hóa các vấn đề thể thao", nay bỗng dưng cùng nhau phớt lờ những quan điểm cứng rắn mà họ theo đuổi.

Năm 1999, khi Nam Tư bị NATO không kích, các cầu thủ nước này như Sisina Mihajlovic, Dejan Stankovic đã mặc những chiếc áo mang thông điệp hòa bình, kêu gọi dừng ngay hành động chiến tranh tại đất nước của họ. FIFA khi đó đã phạt nặng những cầu thủ này vì "thể thao không liên quan đến chính trị".

FIFA, UEFA hay IOC đang mâu thuẫn với chính mình khi làm ngơ trước việc cấm đoán tuyển Nga đá play-off, cho phép các trận đấu tổ chức cầu nguyện trước trận cho Ukraine rồi cấm thể thao Nga tham gia các cuộc tranh tài…

ĐÔNG LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/the-thao-nga-gap-kho-20220301213345055.htm