Thể thao người khuyết tật: Khi HLV vừa là thầy, vừa là người nhà
Đằng sau vinh quang của thể thao khuyết tật là những người thầy tâm huyết và câu chuyện về hành trình vượt qua chính bản thân mình của các vận động viên đặc biệt.
"Vừa là người thầy, vừa là người nhà"
Mỗi vận động viên khi đến với thể thao người khuyết tật đều có những câu chuyện đặc biệt của riêng mình và thường cần nhiều thời gian để có thể hòa nhập với môi trường thi đấu chuyên nghiệp. Người đứng sau hành trình khó khăn đó không ai khác là những vị huấn luyện viên đầy tâm huyết cùng tình thầy trò gắn bó.
VĐV điền kinh khuyết tật Trần Văn Đức (đoàn thể thao khuyết tật Hà Nội) trước kia luôn mặc cảm vì mất đi gần hết cánh tay phải ở tuổi 19 tuổi nhưng chính cơ duyên gắn bó với thể thao và nhờ sự hướng dẫn tận tình của HLV Ngô Anh Tuấn đã giúp anh vượt qua tất cả để có được thành tích như ngày hôm nay.
"Lúc đầu khi mới tập luyện tôi không dám bỏ áo ngoài, toàn mặc áo khoác để che đi khiếm khuyết của bản thân nhưng chính HLV trưởng Ngô Anh Tuấn (người thầy gắn bó với Trần Văn Đức từ những ngày đầu tiên đến năm 2015) đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình ổn định tâm lí, thoải mái hơn khi tập luyện. Dần dần khi ra đường tôi có thể cởi bỏ áo để lộ ra khiếm khuyết của bản thân mà không còn ngại nữa" – Trần Văn Đức chia sẻ.
Giống với HLV Ngô Anh Tuấn, HLV Đặng Trần Quân (đội tuyển điền kinh khuyết tật Hà Nội) cũng là người đã gắn bó với những VĐV đặc biệt hơn 10 năm. Anh vừa là người thầy, vừa là người nhà của các VĐV. Để có thể thấu hiểu được học trò của mình, 10 năm làm việc tại đội tuyển điền kinh người khuyết tật cũng là 10 năm HLV Đặng Trần Quân cùng ăn ở sinh hoạt với VĐV. Chính sự chân thành, thường xuyên chia sẻ, động viên đã giúp tình thầy trò giữa anh và các VĐV điền kinh người khuyết tật Hà Nội ngày càng gắn bó, các vận động viên dần rũ bỏ mặc cảm và cởi mở hơn trong cuộc sống.
"Việc huấn luyện, chăm sóc các VĐV người khuyết tật khó hơn rất nhiều so với VĐV bình thường. Giả sử để chuẩn bị trước khi lên đường đi thi đấu, VĐV bình thường mất khoảng 30 phút thì VĐV người khuyết tật sẽ mất nhiều hơn 1 lần rưỡi đến 2 lần. Nên bản thân mình là HLV cần phải có những điều chỉnh, sắp xếp phù hợp mọi việc" – HLV Đặng Trần Quân nói.
HLV Đặng Trần Quân có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với những VĐV thuộc diện thiểu năng trí tuệ. Dù tuổi tác lớn nhưng các bạn rất vô tư và rất hay quên. Nhóm này cần động viên tích cực và luôn theo sát. Trong tập luyện và đặc biệt là khi thi đấu, HLV chỉ có thể giúp đỡ bằng cách theo sát và đặc biệt không được quát mắng. Nhóm thiểu năng trí tuệ rất dễ bị tâm lý, nếu tâm lý không ổn họ sẽ quên hết và không làm gì được nữa. Vì vậy trong thời gian thi đấu dù có bực tức đến đâu cũng phải hết sức bình tĩnh, kể cả lúc họ sai cũng phải ra ôm, động viên chứ không quát mắng.
Để gắn bó với công việc đào tạo VĐV khuyết tật không hề đơn giản, HLV ngoài sự kiên nhẫn cần có sự tinh ý, thấu hiểu và hơn hết đó là ngọn lửa yêu nghề, yêu thể thao, yêu những VĐV đặc biệt.
Gặt hái thành công bằng ý chí phi thường
Tại trung tâm thể thao người khuyết tật, mỗi người có một loại khuyết tật riêng. Dù khiếm khuyết cơ thể nhưng tính tự lập của các vận động viên đều rất cao. Trừ những việc cần thiết như lên xuống cầu thang, di chuyển bằng phương tiện giao thông,… cần người giúp đỡ còn trong đời sống hằng ngày VĐV người khuyết tật đều cố gắng tự phục vụ. HLV cũng rất tinh ý sắp xếp các VĐV đi theo cặp để thuận lợi hơn trong ăn uống, đi lại đặc biệt là khi tham gia giải đấu.
Chia sẻ về những khó khăn mà các vận động viên phải đối mặt, HLV Đặng Trần Quân tâm sự: "Chủ yếu những nhóm khiếm thị nặng cần sắp xếp các VĐV mắt sáng để kèm. Họ sẽ ở cùng, giúp đỡ nhau trong ăn uống đi lại. Ví dụ khi ngồi ăn bạn mắt kém không nhìn thấy thì bạn mắt sáng bên cạnh hỗ trợ nhau. Có thể bạn mắt sáng nhưng chân tay yếu hơn còn bạn khiếm thị nhưng chân tay khỏe có thể giúp đỡ".
Nếu như ở các môn thể thao thông thường, vận động viên sẽ được tuyển chọn và luyện tập từ nhỏ, được nuôi ăn ở, học tập tại trung tâm huấn luyện với trang thiết bị đầy đủ. Còn đối với vận động viên người khuyết tật, họ đến từ đủ các ngành nghề và lứa tuổi khác nhau. Họ có thể là người bán hàng rong hoặc bác sĩ, kĩ sư, giám đốc… Nghề nào cũng có cả. Dù khó khăn là vậy nhưng với tình yêu thể thao và khát vọng vươn lên mạnh mẽ giúp vận động viên người khuyết tật có thể vượt qua tất cả để gắn bó với nghề.
"Nghề tay trái của VĐV khuyết tật rất nhiều và cũng đa dạng, có những người sau buổi tập luyện họ lại đi làm tẩm quất, mát xa, buôn bán... thậm chí còn có những người làm luật sư, giám đốc… nhiều trường hợp họ đến với thể thao như để chinh phục một nấc thành công khác. Tôi nhớ có một bạn VĐV khá trẻ sinh năm 1989, cách đây 10 năm bạn ấy đến xin tập nhưng được một vài buổi rồi bỏ. Mãi tới gần đây bạn ấy xuất hiện trở lại trên cương vị giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ. Có nghĩa rằng bạn ấy trở lại làm kinh tế, khi đã đạt được thành công ở mặt đấy rồi họ trở lại chinh phục mảng khác" – HLV Đặng Trần Quân chia sẻ.
Với sự cố gắng không mệt mỏi, thể thao người khuyết tật Việt Nam nói chung và điền kinh người khuyết tật nói riêng đã có những bước tiến lớn, mang về nhiều thành tích cao, khẳng định vị trí của nước ta trên đấu trường quốc tế.
Tại giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2020 vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, có tới 3 vận động viên đội tuyển điền kinh khuyết tật Hà Nội phá kỷ lục ASEAN Para Games trước đó. Với thành tích 4 phút 22 giây 99 ở cự ly 1.500m, vận động viên Trần Văn Đức đã phá sâu kỷ lục cũ được thiết lại bởi VĐV Muhamad Ashraf tại ASEAN Para Games 2017 (4 phút 24 giây 73) và 2 vận động viên Phùng Đình Tú, Lê Văn Mạnh đoạt Huy chương vàng ASEAN Para Games ở nội dung chạy 100m.
"Về môn điền kinh và đặc biệt là điền kinh Hà Nội chúng tôi sẽ cố gắng tham gia đóng góp từ 15 đến 20 người vào đội tuyển, kết hợp cùng các VĐV trên cả nước lọt vào top 3"- HLV Đặng Trần Quân chia sẻ mục tiêu của đoàn điền kinh người khuyết tật tại ASEAN Para Games sắp tới.