Thể thao Paralympic
TTH - Ngay sau khi Olympic Tokyo 2020 kết thúc, bắt đầu ngày 25/8 này Paralympic Tokyo 2020 chính thức khai mạc. Diễn ra cho đến ngày 5/9, Paralympic Tokyo 2020 có sự tham dự của 4.400 vận động viên đến từ 160 quốc gia trên toàn thế giới. Đoàn thể thao Việt Nam có 15 thành viên.
Lực sĩ Lê Văn Công đang là nhà vô địch Paralympic. Ảnh: SGGP
Paralympic (tiếng Việt là Thế vận hội dành cho người khuyết tật), phiên âm “para” có nghĩa là bên cạnh hay kề bên và do đó được hiểu là cuộc thi được tổ chức song song với Olympic (thế vận hội). Đó là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, nơi các vận động viên khuyết tật thể chất thi đấu cạnh tranh, bao gồm các vận động viên thiểu năng, khuyết chi, mù lòa, và bại não.
Đúng vào ngày khai mạc Olympic London 1948, tiến sĩ Ludwig Guttmann, Giám đốc Bệnh viện Stoke Mandeville đã tổ chức một cuộc thi thể thao dành cho các bệnh nhân là cựu chiến binh người Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai bị chấn thương tủy sống, mang tên Cuộc thi Xe lăn Quốc tế 1948. Đó được xem là sự kiện thể thao khởi nguồn cho Paralympic.
Đã có một số mốc quan trọng trong phong trào Paralympic. Kỳ Paralympic chính thức đầu tiên không còn tổ chức riêng cho cựu chiến binh được tổ chức tại Roma vào năm 1960, các nội dung thi đấu chỉ dành cho vận động viên ngồi xe lăn. Tại Paralympic 1976, lần đầu tiên các vận động viên với nhiều dạng khuyết tật khác nhau đã được phép tham gia.
Paralympic Seoul 1988 là một mốc quan trọng khác đối với phong trào Paralympic. Seoul là nơi Paralympic mùa hè được tổ chức ngay sau Olympic mùa hè, cùng được đăng cai tại một thành phố, cùng sử dụng các thiết bị và tiện ích vật chất như nhau. Điều này trở thành một tiền lệ và được chính thức hóa qua một thỏa thuận giữa Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 2001.
Trở lại với Paralympic Tokyo 2020, trong số 15 thành viên, đoàn thể thao Việt Nam có 7 vận động viên là Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công (cử tạ); Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh) tham gia tranh tài.
Không đơn giản chỉ là tài năng và sự đam mê, mỗi vận động viên khuyết tật là một câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó phi thường. Lê Văn Công là ví dụ điển hình. Chàng trai Hà Tĩnh là vận động viên đầu tiên và duy nhất cho đến nay của thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng, đồng thời lập kỷ lục thế giới trong môn cử tạ ở Paralympic Rio 2016.
Công bị chứng teo chân từ nhỏ. Năm 2005, Công rời quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp vào và bắt đầu tham gia luyện tập điền kinh kinh và sau đó cử tạ. Không chỉ là người nắm giữ được nhiều huy chương nhất của giải khuyết tật Việt Nam, Công đã biết cách vượt qua mặc cảm tật nguyền. Anh hiện có một mái ấm gia đình hạnh phúc và cuộc sống kinh tế ổn định để có thể chuyên tâm vào sự nghiệp thể thao.
Vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây nên, Lê Văn Công và các đồng nghiệp sớm có mặt ở Tokyo để kịp tranh tài trong ngày hội thể thao lớn nhất dành cho người khuyết tật. Hy vọng, Công và thể thao Việt Nam tiếp tục có được một kỳ Paralympic thành công như mong đợi.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/paralympic-a103809.html