Thể thao Thể thao Đào tạo vận động viên trẻ, tạo thế hệ kế thừa

TTH - Để thể thao thành tích cao gặt hái 'quả ngọt', việc chú trọng đào tạo vận động viên (VĐV) năng khiếu, VĐV trẻ, tạo thế hệ kế thừa là chiến lược đúng đắn. Thể thao Huế không chọn cách 'ăn xổi', thay vào đó là một chiến lược dài hơi, mang tính bài bản.

Vận động viên bộ môn Karatedo và Vật tập luyện

Vận động viên bộ môn Karatedo và Vật tập luyện

Trồng cây đến ngày hái quả

Trở về từ hai giải vô địch cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc (tại Phú Yên) và giải trẻ toàn quốc (tại Quảng Nam) trong hai tháng 7 và 8/2022, huấn luyện viên (HLV) Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh liên tục mang tin vui khi giành đến 4 HCV, 7 HCB và 18 HCĐ. Chỉ riêng tại giải vô địch cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc, đoàn quân của thầy Lộc “săn” đến 3 tấm HCV, 5 HCB và 9 HCĐ. Tại cả hai giải đấu mới nhất, Hồ Thị Hoài Tành, nữ VĐV đến từ miền sơn cước A Lưới “bỏ túi” đến 2 HCV, 1 HCB.

Hoài Tành là cái tên có phong độ ổn định và liên tục gặt hái thành tích thời gian qua của bộ môn Karatedo tỉnh. Đến với môn võ này từ năm 12 tuổi và trải qua nhiều năm khổ luyện, nữ VĐV sinh năm 2001 cho thấy sự trưởng thành vượt bậc. Đến nay, HLV Lê Văn Lộc có thể đặt kỳ vọng huy chương Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc sắp tới ở cô gái sinh ra tại mảnh đất A Lưới.

Vận động viên bộ môn Karatedo và Vật tập luyện

Vận động viên bộ môn Karatedo và Vật tập luyện

Hồ Thị Hoài Tành chỉ là một trong rất nhiều cái tên được ví như minh chứng cho chiến lược đào tạo bài bản trong thể thao thành tích cao của Cố đô. Ngay tại bộ môn Karatedo Huế, những cái tên như Lê Minh Thuận - người từng giành HCV SEA Games 29 (năm 2017) hay những VĐV giàu thành tích khác như Lê Trung Dũng, Hồ Đình Thuận, Nguyễn Duy Hiếu, Hồ Thị Hạ... đều xuất phát từ quá trình tuyển chọn, đào tạo từ VĐV năng khiếu, lên tuyến trẻ sau đó gặt hái huy chương ở giải vô địch quốc gia.

Thừa Thiên Huế hiện có hơn 500 VĐV đang tập luyện, thi đấu tại 13 môn thể thao thành tích cao. Chiến lược được áp dụng xuyên suốt nhiều năm qua là công tác tuyển chọn và đào tạo ngay từ lứa tuổi rất nhỏ. Ông Bùi Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, tất cả các bộ môn đều được đầu tư từ tuyến VĐV năng khiếu, tuyến trẻ, tuyến đội tuyển tỉnh, riêng môn bóng đá đầu tư ngay từ lứa U11 - U13 - U15 - U17 - U19 lên tới đội 1. Để có những VĐV có thể tranh chấp huy chương tại các giải vô địch quốc gia, từ khâu tuyển chọn đến huấn luyện phải mất 7 - 10 năm tùy môn, trải qua rất nhiều lần cọ xát, sàng lọc từ các giải đấu.

Trên thực tế, vẫn có những đơn vị, bộ môn từ địa phương khác chọn hướng “ăn xổi”, chiêu mộ những VĐV giàu thành tích để nhanh chóng lấy thành tích. Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, chiến lược ấy thiếu tính bền vững, thậm chí tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ mang tính thời vụ. Thể thao Thừa Thiên Huế tập trung cho chiến lược dài hơi để đảm bảo được hiệu quả lâu dài. VĐV từ đó cũng gắn bó, trưởng thành từ chính “lò đào tạo nhà” và cống hiến nhiều hơn cho thể thao tỉnh nhà. “Những VĐV giàu thành tích sau này trưởng thành cũng có thể giữ lại làm công tác huấn luyện”, HLV Lê Văn Lộc khẳng định.

Nhìn ở rất nhiều bộ môn thể thao của tỉnh, có thể ví như “trồng cây đến ngày hái quả”. Điển hình ở bộ môn vật Huế, 4 chị em Mỹ Hạnh - Mỹ Trang - Mỹ Linh - Mỹ Tiên với hàng loạt bộ sưu tập huy chương trong nước và quốc tế chính là minh chứng không thể bỏ qua.

HLV Nguyễn Văn Hiền, Trưởng bộ môn Đá cầu tỉnh chia sẻ: “Nguyễn Thị Thùy Linh và tấm HCV tại giải vô địch đá cầu thế giới năm 2019 từng khiến tôi vỡ òa cảm xúc. Trong thể thao, không có gì vui sướng bằng chính học trò của mình đào tạo từ lúc mới bắt đầu tập luyện đến lúc bước lên bục vinh quang nhận thành tích. Chắc chắn “quả ngọt” ấy lớn hơn, người hâm mộ cũng tự hào hơn gấp bội lần so với một VĐV được chiêu mộ từ đơn vị khác gặt hái cùng thành tích”.

Đầu tư cho tập luyện và cọ xát

Tuyển chọn và đào tạo VĐV hiệu quả là khâu then chốt để VĐV có thành tích. Đặc biệt, sự đầu tư cho tập luyện và cọ xát cực kỳ quan trọng.

Thẳng thắn nhìn nhận, so với nhiều địa phương, Thừa Thiên Huế không có nguồn lực quá “rủng rỉnh” để đầu tư mạnh cho thể thao, nhưng đáp ứng cơ bản theo các chế độ, chính sách. Khó khăn từ các bộ môn về cơ sở vật chất hiện đại, chế độ đãi ngộ cho VĐV và nhiều yếu tố khác phải “liệu cơm gắp mắm” luôn là trăn trở, nhưng tỉnh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn để đầu tư, phát triển thể thao.

Trong bối cảnh ấy, để phục vụ cho chiến lược dài hơi, cũng đòi hỏi sự linh động, cố gắng từ ban huấn luyện các bộ môn. HLV Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn Vật của tỉnh chia sẻ, ban huấn luyện nhìn vào khả năng, sở trường, điểm mạnh, điểm yếu của VĐV và vận dụng cơ sở vật chất hiện có để xây dựng giáo án, bài tập phù hợp. Đồng thời, tính toán phù hợp cơ cấu các giải trong năm, tạo điều kiện cho VĐV ở các tuyến có cơ hội được đi cọ xát để tăng kinh nghiệm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh - ông Bùi Thanh Dũng khẳng định, địa phương và ngành luôn tìm mọi điều kiện tốt nhất có thể để hỗ trợ cho các bộ môn thể thao trong công tác tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển tài năng. Những khó khăn từ các đội tuyển, bộ môn đều được lắng nghe và tìm cách tháo gỡ với kỳ vọng sẽ giúp cho các bộ môn mang lại niềm tự hào cho quê hương và cho người hâm mộ.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dao-tao-van-dong-vien-tre-tao-the-he-ke-thua-a116955.html