Thể thao Thể thao trong nước Nhọc nhằn vận động viên khuyết tật

Phải tự túc di chuyển, chỉ nhận được 50 ngàn đồng/người/buổi tập, tiền thưởng khi đạt huy chương bằng nửa vận động viên (VĐV) bình thường… nhưng trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi là nụ cười, là ánh mắt đầy quyết tâm, nghị lực…

Trên sân tập, VĐV khuyết tật vẫn sử dụng hết sức lực

Trên sân tập, VĐV khuyết tật vẫn sử dụng hết sức lực

16h chiều, nắng vẫn rát và hơi nóng vẫn hầm hập tỏa. Ngoài cổng Sân vận động Tự Do, cách nhau chừng 5-10 phút, từng bóng người đàn ông tập tễnh đi vào. Chỉ kịp cười chào nhau rồi ai nấy thay áo quần, tụ lại thành một nhóm và nhanh chóng khởi động sát bên nhóm VĐV năng khiếu của tuyển điền kinh tỉnh cũng đang miệt mài trên mặt sân xi măng bỏng rát.

Trong thời điểm khởi động, những câu chuyện rì rầm giữa họ như để vừa giải thích với HLV lý do đến muộn: “Ngày ni con tui bận học nên chở đến hơi muộn”; “Học sinh có thắc mắc nên em nán lại giảng cho mấy đứa rõ hơn”; “Xe buýt ngày ni khách đông, lên xuống khó khăn…”…

Họ gồm 5 người. Tất thảy đều có khiếm khuyết về cơ thể. Ngoại trừ 1 người ở TP. Huế (đường Hồ Đắc Di), những người còn lại, 1 ở Phú Sơn (TX. Hương Thủy), 3 ở Phong Điền. Để đến sân Tự Do, họ phải di chuyển bằng xe buýt ngày 2 lượt, tuần 3 buổi.

Tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc 2019 tại Cần Thơ (8-13/7), Thừa Thiên Huế có 6 VĐV, ngoài 5 người kể trên tập buổi chiều, còn có 1 người ở Phú Vang tập vào buổi sáng. Lý do, chiều là thời điểm “vàng” để anh Lê Quang Baston bán nước mía mưu sinh.

Còn trong 5 người tập buổi chiều, trừ anh Lê Quang Hiền ở TP. Huế thì anh Phạm Phước Tăng là giáo viên dạy sinh vật ở Trường tiểu học & THCS Phú Sơn, 3 người ở Phong Điền là Trương Duy Thân (công nhân của Công ty Scavi Huế), Nguyễn Đăng Tuấn (làm vườn), Lê Hiệu (ở nhà).

Sau phần khởi động, tùy từng nội dung tham gia, họ chia nhau người tập ném tạ, ném lao, người thì tăng tốc trên đường piste của Sân vận động Tự Do ở những cự ly 200m – 400m – 800m và 1.500m. Ai nấy đều cặm cụi, miệt mài.

Quan sát từng bước chạy của anh Hiền, Tuấn, Hiệu, HLV Nguyễn Quang Sơn (Trường trung cấp TDTT tỉnh) chia sẻ: “Không hiếm người lành lặn sau giờ làm đều muốn nghỉ ngơi. Đằng này các anh em thiệt thòi vẫn cặm cụi tập luyện mà chưa nghe rên mệt một tiếng bao giờ”. Mấy anh em đây nhiều người đa năng lắm. Anh Hiền trước đây chuyên bóng bàn giờ chuyển sang chạy 1.500m. Còn Tăng chuyên về cầu lông, nhưng khi chuyển sang ném đẩy (tạ, lao, đĩa) vẫn chơi tốt. HLV Nguyễn Quang Sơn kể sau khi thị phạm lại động tác ném tạ cho anh Phạm Phước Tăng.

HLV Nguyễn Quang Sơn cho biết: “Tính từ năm 2005, thời điểm tôi dẫn dắt đoàn tranh tài tại hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc đến nay, chỉ duy nhất năm 2007, Huế mới có được 1 HCV. Tuy nhiên, đây không phải chuyên môn các VĐV kém mà do điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất nên VĐV khuyết tật Huế không có điều kiện tập luyện bài bản như các tỉnh, thành bạn”.

Từ cầu lông, VĐV Phạm Phước Tăng cũng thể hiện khả năng ở môn ném đẩy

Từ cầu lông, VĐV Phạm Phước Tăng cũng thể hiện khả năng ở môn ném đẩy

Vận động viên cũng có nghĩa gắn liền với mồ hôi, với vất vả. Và với VĐV khuyết tật, nỗi vất vả càng nhân lên gấp bội khi vừa luyện tập vừa phải canh cánh chuyện mưu sinh. “Chuẩn bị tham gia hội thi, sau khi tuyển chọn, VĐV khuyết tật mới được tập trung từ ngày 10/6, thời gian ngắn nên anh em càng phải gắng hết sức tập luyện. VĐV bình thường khổ 1 thì mấy anh em ở đây khổ 10, nhưng chế độ tập luyện của VĐV chỉ được 50 ngàn đồng/người/buổi, lại phải di chuyển tự túc bằng xe buýt nên tập xong không dám mua nước uống chứ đừng nói đến bổ sung dinh dưỡng. Rứa mà chưa thấy ai đòi bỏ nửa chừng”, HLV Nguyễn Quang Sơn nói.

Cứ tưởng sau chia sẻ của HLV Nguyễn Quang Sơn, những VĐV khuyết tật sẽ có “động lực” để “kể khổ”. Nhưng không. “Một phần là đam mê thể thao, phần khác là để chứng minh tàn mà không phế, chứng minh người khuyết tật vẫn có thể vượt qua vất vả, khổ nhọc để chiến thắng chính mình”, anh Lê Quang Hiền như nói thay cả nhóm.

Anh Lê Hiệu tếu táo: “Tui cụt một tay, coi như mất khả năng lao động, ở nhà vợ nuôi. Mới đầu vợ nghe “trúng tuyển” là la um sùm, sợ tui đi không ai chăm sóc, cơm nước. Nhưng tui nói ri, mạ mi để cho ba lên Huế tập luyện. Vài bữa đi thi về, thắng thì mạ mi cầm huy chương đi khoe nói chồng tui ngó rứa mà cũng ngon lành tề. Mà thua thì… cũng khoe, nói chồng tui ngó ri mà cũng đi du lịch Cần Thơ đồ rứa chơ thua chi ai. Nghe xong cái “hắn” cười, nói thôi ba mi ưa mần chi mần”.

Câu chuyện của anh Hiệu như khiến những khuôn mặt đỏ bừng ướt sũng mồ hôi, những hơi thở, dồn dập, đứt quãng nhẹ đi phần nào. Dẫu vậy, khi đôi chân tập tễnh, đôi mắt không rõ đường cùng ống tay áo phất phơ tiếp tục miệt mài theo từng bước chạy, từng cú vặn người ném đẩy trong chiều nắng rát, câu chuyện tiền thưởng giành cho VĐV khuyết tật khi đạt huy chương chỉ bằng ½ VĐV bình thường cứ mãi lấn cấn không thôi…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nhoc-nhan-van-dong-vien-khuyet-tat-a73954.html