Thể thao 'Thuyền trưởng' Nguyễn Đình Thọ

TTH - Nhà cách sân Tự Do chừng mấy phút đi đường, nên suốt cuộc đời cầu thủ và sau này là HLV, 'thuyền trưởng' Nguyễn Đình Thọ gắn bó với sân Tự Do, mà theo cách nói của ông là: 'Tui thuộc từng tấc vuông cỏ sân Tự Do. Đó là ngôi nhà thân yêu của tui'.

HLV Nguyễn Đình Thọ (phải) cùng các thành viên Đoàn Bóng đá Huế một thời. Ảnh: NVCC

Trung vệ khét tiếng của Huế một thời

Trước năm 1975, cầu thủ Nguyễn Đình Thọ chơi cho đội bóng Công binh. Theo sơ đồ thịnh hành lúc đó, ông Thọ chơi ở vị trí trung vệ thòng.

Nếu quan sát kỹ, ông Thọ có tướng đi hơi “dị”, chân thấp chân cao, dù chỉ chút xíu thôi. Chính dị tướng này lại là một lợi thế cho ông khi thi đấu. Theo lời kể của một cựu cầu thủ thế hệ ông, nhìn ông Thọ di chuyển cứ tưởng chậm, nhưng hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa, ông Thọ “bắt” người chính xác và có thể chơi bóng đều cả 2 chân. Một biệt tài nữa của ông Thọ được nhiều người nhớ đến là đá phạt 11m. Hầu như các quả phạt 11m của đội bóng Công binh hồi đó đều do ông Thọ đảm nhận và tất cả đều thành công...

Có thể nói, giai đoạn chín nhất trong sự nghiệp cầu thủ của HLV Nguyễn Đình Thọ chính là giai đoạn từ năm 1975 đến 1981. Ông Thọ sinh năm 1947, là cầu thủ trẻ nhất của đội bóng đá Huế, nhưng ông lại được các cầu thủ đàn anh tín nhiệm làm đội trưởng. Theo cựu tiền đạo Nguyễn Ngọc Sao, đồng đội với ông Thọ: “Anh Thọ luôn nhận được sự tín nhiệm, tôn trọng của tất cả tập thể nhờ sự điềm tĩnh, biết chỉ huy và vực dậy tinh thần các đồng đội những lúc đội bóng gặp khó khăn”.

Nhớ lại những năm tháng không thể nào quên của cuộc đời cầu thủ, HLV Nguyễn Đình Thọ nói: “Cho dù hồi đó chưa có chế độ đãi ngộ, vừa đi làm công nhân giao thông và xây dựng, vừa đi đá bóng nhưng khi nào ra sân, anh em cũng chơi hết mình. Đó là một đội bóng của những cầu thủ giỏi”.

Giải bóng đá mà ông Thọ cũng như những đồng đội của ông như Rớt, Thương, Cận, Tùy, Thông, Trọng, Sao... nhớ nhất vẫn là giải bóng đá Trường Sơn năm 1975. Giải năm đó, có 8 đội bóng tham dự, các đội đá vòng tròn tính điểm để tìm ra nhà vô địch. Đội Huế bất bại, có cơ hội lớn để đoạt chức vô địch nếu thắng Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng (đội bằng điểm nhưng hơn về hiệu số bàn thắng) trong trận đấu cuối cùng.

Ông Thọ bồi hồi nhớ lại trận đấu lịch sử đó: “Trận đấu giữa Huế và Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng diễn ra trên sân Buôn Mê Thuột, mặt sân đất đỏ bazan, chủ yếu là đá sỏi, rất ít cỏ. Chúng tôi đến trước một tuần để chuẩn bị. Một tuần ấy, trời không hề mưa, vậy mà đến ngày thi đấu, trời mưa như trút khiến mặt sân trơn trượt, lầy lội. Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng được đội Phú Khánh giúp sức, cho mượn giày chuyên dụng (giày đinh) để có thể đá tốt trên mặt sân ấy. Riêng cầu thủ đội chúng tôi đi giày thường, liên tục trượt ngã, không thể phô diễn hết tất cả khả năng của mình. Tuy thế, trận đấu vẫn diễn ra trong thế giằng co. Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng có bàn thắng vượt lên dẫn trước ở hiệp 1, Huế tìm được bàn gỡ ở hiệp 2. Và cuối cùng, trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 1-1, Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng giành chức vô địch… còn tất cả chúng tôi ôm đầu tiếc nuối”.

Người anh, người thầy đáng kính

Sau khi giải nghệ, ông Nguyễn Đình Thọ tiếp tục gắn bó với sân Tự Do trong vai trò một HLV. Tuy không được đào tạo bài bản, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm thi đấu cùng am hiểu mật thiết với bóng đá Huế, ông Thọ luôn là một người anh, người thầy hiền lành và đáng kính của các cầu thủ bóng đá Huế thế hệ sau này.

Cựu cầu thủ Dương Công Quốc nay là Trưởng phòng Nghiệp vụ kiêm HLV trưởng U17 – Đoàn Bóng đá Huế. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Nhớ về người anh, người HLV đáng kính của mình, cựu tiền vệ bóng đá Huế Dương Công Quốc kể: “Trong một pha va chạm với hậu vệ đối phương trong trận gặp Công an Thanh Hóa (giải A2 năm 1988) trên sân Hà Tĩnh, tôi bị đứt dây chằng đầu gối. Chấn thương quá nặng, sau đó chân trái bị teo cơ, luôn đi chân thấp, chân cao.

Khi ấy, tôi đã quyết định chọn con đường khác để lập nghiệp là đi học nghề tiện. Nhưng tình yêu bóng đá luôn cháy bỏng trong máu nên mấy tháng sau khi học nghề, tôi tự tập đá bóng với hy vọng biết đâu sẽ có cơ hội trở lại sân cỏ.

Đầu năm 1990, tình cờ tôi gặp HLV Nguyễn Đình Thọ trước Nhà hát lớn (nay là Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh) và ông chân tình mời gọi: “Quốc ơi, đá bóng lại với anh”. Câu nói của người đàn anh khiến tôi quyết định trở lại đội tuyển Huế, tham gia giải A2 năm 1990. Lúc đó đội Huế có các anh Vu, Tuấn đá chính ở hàng tiền đạo, tôi và Trần Quang Sang (nay là Trưởng đoàn Bóng đá Huế) chỉ sắm vai trò dự bị, chỉ được vào sân ở những phút cuối nhưng rất vui bởi quan trọng là đã trở lại với bóng đá.

Năm 1995, ông Thọ là HLV phó cho HLV Ninh Văn Bảo đưa đội bóng Thừa Thiên Huế giành chức Á quân quốc gia. Chỉ một năm sau, Huế xuống hạng và HLV Ninh Văn Bảo cũng rời Huế. Ông Thọ được Sở TDTT tỉnh lúc bấy giờ phân công ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng. Với tinh thần và trách nhiệm của mình, HLV Nguyễn Đình Thọ đã vực dậy tinh thần của đội bóng với câu nói chân tình cùng các cầu thủ: “Mình là con nhà nghèo, cố gắng học giỏi thì ai cũng thương” và chỉ 2 năm sau, HLV Nguyễn Đình Thọ đưa bóng đá Huế trở lại hạng mạnh quốc gia.

Cùng với chiến tích này, HLV Nguyễn Đình Thọ cũng thành công khi dẫn dắt đội bóng Thừa Thiên Huế trụ hạng thành công mùa bóng năm 2000 sau khi thắng Lâm Đồng 2-0 trên sân Đà Lạt ở vòng đấu cuối.

Bây giờ, bước qua tuổi thất thập, niềm vui của cựu HLV Nguyễn Đình Thọ là đi bộ đến sân Tự Do nhìn những cầu thủ thế hệ con cháu thi đấu. Những lúc như vậy, ông cảm thấy mình như trẻ ra.

PHI TÂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thuyen-truong-nguyen-dinh-tho-a102443.html