Thể thao Việt Nam cần 180 tỷ đồng hàng năm đầu tư nhóm môn thành tích cao trọng điểm
Nhiều ý kiến trao đổi đã được đưa ra tại Hội thảo góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam - ông Đặng Hà Việt đã trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Làm việc phải khẩn trương, thận trọng
Tất cả nhà quản lý về thể thao, chuyên gia đầu ngành và đại diện các Liên đoàn thể thao, Hiệp hội thể thao quốc gia, bộ môn của thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) cùng dự Hội thảo góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT Việt Nam thực hiện sáng 28-3 tại Hà Nội.
Đưa quan điểm, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam – ông Đặng Hà Việt khẳng định Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 là chương trình quan trọng để chúng ta tập trung đầu tư vào môn, nhóm môn trọng điểm từ đó hướng tới giành các kết quả thành tích như mục tiêu đề ra.
Đại diện Phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT) đã dành thời gian để báo cáo công tác chuẩn bị để tập trung cho xây dựng kế hoạch đầu tư đối với Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Ở đó, ngành thể thao dự kiến quy hoạch, phân nhóm môn thể thao để đầu tư trọng tâm trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo huấn luyện VĐV. Kết hợp với đó sẽ phải thực hiện đồng bộ việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, có chính sách phù hợp dành cho HLV, VĐV cũng như áp dụng được khoa học công nghệ trong thể thao.
Qua 12 cuộc họp trước khi tổ chức Hội thảo lần này, bộ phận chuyên môn về thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) đã xây dựng giải pháp đầu tư trọng tâm bằng việc phân ra 2 nhóm môn thể thao với nhóm 1 là dành cho tranh huy chương Olympic gồm môn bắn súng, bắn cung, cử tạ, cầu lông, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền; nhóm 2 là nhóm tranh huy chương ASIAD gồm các môn điền kinh, judo, karate, wushu, TDDC, vật, bơi, cầu mây, xe đạp.
Trong Hội thảo lần này, nhiều ý kiến được trao đổi kết hợp các tham luận khoa học từ chuyên gia được đưa ra. Một số bài học thực tiễn được đại diện của Chủ tịch Liên đoàn đua thuyền Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Lâm Quang Thành; Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM – ông Nguyễn Nam Nhân hay đại diện của Trung tâm TDTT Quân đội, đại diện Các trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia được trao đổi. “Chúng ta có sự trao đổi, học hỏi qua một số nền thể thao phát triển của thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tại khu vực châu Á hoặc Thái Lan, Singapore ở khu vực Đông Nam Á. Từng quốc gia có cách thực hiện riêng nhưng tựu chung lại muốn thể thao phát triển là phải có sự tập trung và đầu tư trọng điểm, đi cùng khoa học thực tiễn về dinh dưỡng, huấn luyện chuyên môn theo nhóm, nội dung môn”, ông Lâm Quang Thành trao đổi.
“Xây dựng kế hoạch tập trung vào nhóm môn Olympic, ASIAD là điều cần thiết của thể thao Việt Nam. Chúng ta làm tốt, làm đúng nội dung vào trọng tâm môn thể thao mà VĐV Việt Nam có ưu thế thì đủ cơ hội đạt được hiệu quả”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh đưa ý kiến của mình.
Cần nguồn lực đầu tư
Với bất cứ bài toán về đầu tư thể thao, kinh phí và nguồn lực là điều quyết định. Theo dự tính của ngành thể thao trong giai đoạn từ năm 2026 tới 2030, chúng ta cần khoảng từ 175 tỷ đồng tới 180 tỷ đồng/hàng đầu tư vào 17 môn thể thao trọng điểm. Trong giai đoạn từ 2030 tới 2036 cần đầu tư khoảng 175 tỷ đồng tới 180 tỷ đồng/năm đối với 17 môn thể thao cộng thêm 10% giai đoạn 2026-2036. Giai đoạn từ năm 2036 tới 2046, thể thao Việt Nam cần khoảng 175 tỷ đồng tới 180 tỷ đồng/ năm cộng thêm 10 % giai đoạn 2030-2036.

Nhiều ý kiến chuyên môn đã được đưa ra góp ý cho nhà quản lý. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
“Kinh phí thực hiện việc đầu tư cần được huy động từ các nguồn ngân sách trung ương, viện trợ, tài trợ, các nguồn của Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và những nguồn kinh phí hợp pháp khác”, Trưởng phòng thể thao thành tích cao (Cục TDTT Việt Nam) – ông Hoàng Quốc Vinh báo cáo.
Mấu chốt của việc thực hiện là phải làm hiệu quả kinh tế thể thao. Vấn đề phát triển kinh tế thể thao đã có trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nếu làm tốt điều này, ngành thể thao hoặc bản thân nhiều Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia và từng địa phương, đơn vị sẽ tìm được nguồn lực để tái đầu tư thêm vào hoạt động phát triển thể thao thành tích cao.
Theo mục tiêu cụ thể đặt ra nếu 17 môn thể thao trọng điểm được đầu tư tập trung cho Olympic, ASIAD thì giai đoạn từ năm 2026 tới 2030 chúng ta sẽ duy trì trong tốp 3 các kỳ SEA Games, trong tốp 20 các kỳ ASIAD. Ở đó, thể thao Việt Nam phấn đấu giành 5 HCV ASIAD 20 năm 2026 ở môn bắn súng, karate, đua thuyền, cầu mây. Thể thao Việt Nam phấn đấu giành 6 HCV tại ASIAD 21 năm 2030 trong môn bắn súng, bắn cung, karate, đua thuyền, cầu mây. ASIAD 22 năm 2034 phấn đấu giành 7 HCV. Tại Olympic Los Angeles (Mỹ), chúng ta đặt mục tiêu giành 2 HCĐ môn bắn cung, cử tạ. Olympic năm 2032 có 2 HCĐ môn bắn cung, cử tạ. Olympic năm 2036 sẽ giành 1 HCB, 2 HCĐ trong môn bắn cung, cử tạ, bắn súng. Mỗi năm, thể thao Việt Nam dự kiến tập trung đầu tư cho 170 VĐV ở nhóm các môn trọng điểm.