Thể thao Việt Nam đã mất cơ hội kiếm tiền từ đâu?

Trong một hội thảo vừa diễn ra, những người làm chuyên môn tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh thể thao. Ở đó, nhiều chuyên gia đã tiết lộ con số không nhỏ về cơ hội kiếm tiền bị bỏ lỡ trong quá khứ của thể thao Việt Nam.

Chi phí cơ hội lớn

Kinh tế thể thao là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Lĩnh vực này đã trở thành miền đất mang nhiều cơ hội kinh doanh mới. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp kiếm tiền từ thể thao đã xuất hiện trong cả ba mảng là thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao và thể thao phong trào.

Bóng đá vẫn là môn thể thao kinh doanh hiệu quả nhất tại Việt Nam

Bóng đá vẫn là môn thể thao kinh doanh hiệu quả nhất tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mô hình phát triển kinh tế thể thao thành công nhất có lẽ chính là bóng đá. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có nguồn thu lên tới hơn 200 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa. Giải vô địch quốc gia cũng chứng kiến bước nhảy vọt trong bản quyền truyền hình với giá trị 60 tỷ đồng/mùa.

Ở một góc độ nào đó, bóng đá và nhiều môn thể thao của Việt Nam đã đạt được thành công nhất định. Nhưng mặt khác, nếu xét trên dư địa phát triển và thực trạng, thể thao Việt Nam đã bỏ qua những cơ hội kiếm tiền lớn hơn rất nhiều. Con số đó đã được đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt chia sẻ.

"Nếu tính riêng ở mảng cá cược thể thao, thị trường Việt Nam có giá trị khoảng từ 100.000-200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thu được khoản nào từ lĩnh vực này, bởi cá cược chưa được công nhận là lĩnh vực kinh doanh hợp pháp. Mặt khác, tiền cá cược thể thao của Việt Nam đang chảy ra nước ngoài", ông Đặng Hà Việt cho biết.

Người đứng đầu ngành thể thao của Việt Nam đã thử làm một phép tính đơn giản. Nếu cá cược trở thành một ngành kinh doanh hợp pháp, chỉ cần 1% doanh thu từ thị trường được tái đầu tư, thể thao Việt Nam đã lập tức thu về khoảng 2.000 tỷ đồng/ năm. Con số này còn lớn hơn khoản ngân sách hiện tại ngành thể thao được cấp từ Chính phủ (950 tỷ đồng).

Trong bối cảnh nhiều môn thể thao của Việt Nam đã tiến lên theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhiều đơn vị kinh doanh cá cược của nước ngoài đã dần ngỏ ý hợp tác. Cũng theo ông Đặng Hà Việt, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam từng được đối tác là một trang web cá cược chào mời một bản hợp đồng có giá trị đến 300.000 USD. Nếu thành công, đây sẽ là bản hợp đồng tài trợ có giá trị lớn cho bóng rổ Việt Nam.

Một lần nữa, giao kèo mà đối tác của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đưa ra đã không thể hiện thực hóa bởi quy định về cá cược. Trong bối cảnh nhiều trang web cá cược vẫn hiển thị kết quả, tỷ số giải thể thao chuyên nghiệp của Việt Nam, những nhà tổ chức lại không có được nguồn thu nào, dù họ là người bỏ công sức trực tiếp.

Đằng sau những phép màu

Kết thúc vòng bảng World Cup 2022, đội tuyển gây ấn tượng nhiều nhất không phải Brazil, Pháp hay Argentina. Tất cả đều nhắc đến Nhật Bản, đội bóng đã lội ngược dòng đánh bại cả Tây Ban Nha và Đức để đứng đầu bảng E. Chiến thắng của đội tuyển quốc gia không chỉ mang đến niềm vui cho người hâm mộ. Phía sau bàn giấy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thể thao đều mỉm cười.

Một ngày sau khi đội tuyển Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha, cổ phiếu các doanh nghiệp truyền hình của quốc gia này tăng 10-15%. Đây là hệ quả trực tiếp xuất phát từ kỳ vọng doanh thu quảng cáo của các doanh nghiệp trên tăng lên khi đội tuyển tiến sâu. Ở phương diện CLB, nhiều đội bóng Nhật cũng sẵn sàng bán cầu thủ sang châu Âu kiếm lời.

Chuyện người Nhật cải thiện thành tích trong bóng đá và những môn thể thao khác là điều đã được nhắc đến nhiều. Nhưng ít ai biết, họ cũng là những người đi đầu trong kinh doanh thể thao. Khán giả Việt Nam có thể ngạc nhiên khi thấy Công Phượng phải đứng bán vé khi sang Nhật Bản chơi bóng, nhưng anh không phải người duy nhất làm điều đó.

Thay vì sử dụng tình nguyện viên, hầu hết đội bóng Nhật Bản sử dụng trực tiếp cầu thủ trong đội. Vào những ngày không thi đấu, họ có nghĩa vụ thu hút khán giả đến sân bằng hình ảnh cá nhân của mình. Ngoài ra, người Nhật còn tìm cách thu hút khán giả nữ đến sân, bởi họ biết những cô gái sẽ luôn đi cùng với một chàng trai nào đó.

Nhưng nếu xét riêng trong kinh doanh thể thao của Nhật Bản, những người làm bóng đá vẫn thua xa bộ môn thể thao vua tại xứ sở mặt trời mọc: Bóng chày. Là đội tuyển hiếm hoi trên thế giới có thể đánh bại Mỹ, quê hương của bóng chày, Nhật Bản cũng kiếm tiền giỏi hơn bất cứ ai trong môn thể thao còn khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam.

Quy định của giải bóng chày nhà nghề Nhật Bản (NPB) có ghi rõ: Trong trường hợp một cầu thủ của NPB được CLB tại giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) chiêu mộ, họ phải đưa cầu thủ này vào danh sách đấu giá. Đội bóng chịu trả phí chuyển nhượng cao nhất sẽ được ký hợp đồng với cầu thủ đó. Nhờ vậy, một ngôi sao NPB có thể "tri ân" CLB chủ quản số tiền 20-30 triệu USD khi đến MLB.

Với các đội bóng MLB, việc chi trả phí chuyển nhượng như bóng đá là điều lạ lẫm với họ. Nhưng cuối cùng, giới chủ Mỹ luôn sẵn sàng chi tiền, bởi họ biết mình sẽ lập tức thu về khoản lợi nhuận còn lớn hơn nếu cầu thủ đó chơi tốt. Câu chuyện về cầu thủ bóng chày Hideki Matsui đến giờ vẫn là bài học kinh điển trong kinh doanh thể thao quốc tế.

Cuối năm 2002, Hideki Matsui ký hợp đồng 3 năm với New York Yankees, đội bóng chày Mỹ được yêu thích nhất. CLB này đón chào Matsui bằng một buổi diễu hành trên đường phố New York. Các tòa soạn báo Nhật Bản cử hơn 100 phóng viên đi cùng cầu thủ này từ nhà riêng của anh đến tận Mỹ. Sau hôm đó, hơn 40 người nhận lệnh ở lại với nhiệm vụ theo sát từng hoạt động, cử chỉ tại Mỹ của Matsui.

Bản hợp đồng với Matsui không chỉ giúp Yankees có một cầu thủ giỏi về mặt chuyên môn. Không lâu sau khi anh đến Mỹ, các hãng hàng không Nhật Bản liên tục mở đường bay thẳng đến New York theo đề nghị từ nhiều công ty lữ hành. Họ cho biết hàng chục ngàn khách du lịch đã đặt vé mua trọn tour du lịch đến Mỹ chỉ để xem Matsui chơi bóng.

Không chỉ thu hút khán giả từ Nhật Bản đến Mỹ, Matsui còn mang về cho CLB hàng loạt hợp đồng tài trợ lớn. Điều đó giúp Matsui được ký thêm hợp đồng mới cùng tiền lương tăng gấp đôi. Trong 10 năm thi đấu ở Mỹ, chỉ tính riêng tiền lương, Matsui đã nhận về xấp xỉ 100 triệu USD. Lợi ích anh mang về cho đội bóng chắc chắn lớn hơn rất nhiều.

Nhiều môn thể thao của Việt Nam chưa thể phát triển theo hướng cởi mở, hấp dẫn, vì quá chú trọng thành tích

Nhiều môn thể thao của Việt Nam chưa thể phát triển theo hướng cởi mở, hấp dẫn, vì quá chú trọng thành tích

Giá trị của những biểu tượng

Câu chuyện về thành công của bóng chày Mỹ và Nhật Bản cùng Hideki Matsui chỉ ra một điều: Ngành kinh doanh thể thao cần có những nhân vật mang tính biểu tượng. Một vận động viên, một đội thể thao có thể trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ nếu mọi thứ vận hành quanh họ một cách trơn tru, nhịp nhàng. Đầu tháng 6, các cầu thủ CLB Hoàng Anh Gia Lai hành quân đến sân Lạch Tray tiếp đón CLB Hải Phòng. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy nhau mua vé vào xem đội bóng phố núi chơi bóng từng xuất hiện ở những năm trước, nhưng nay không còn nữa. Có lẽ khán giả Hải Phòng, và nhiều CLB khác đã bớt quan tâm đến Hoàng Anh Gia Lai từ khi thế hệ vàng của họ chia tay đội bóng phố núi.

Kết thúc năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai chứng kiến hàng loạt cầu thủ trụ cột như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy... rời đội. Tuấn Anh và Minh Vương là những gương mặt hiếm hoi còn ở lại. Hoàng Anh Gia Lai đã ký được bản hợp đồng tài trợ lớn cùng một nhãn hàng nước tăng lực trong năm nay, nhưng điều đó không được đảm bảo trong thời gian tới khi sức hút của họ không còn nữa.

Với những doanh nghiệp muốn bỏ tiền vào lĩnh vực thể thao, bộ câu hỏi đầu tiên họ luôn đặt ra là: Môn thể thao đó, CLB đó có thể thu hút được bao nhiêu người hâm mộ? Lượng người theo dõi này liệu có ổn định hay không? Nếu số người quan tâm đi xuống, CLB cần phải làm gì để thu hút trở lại? Việt Nam cần trả lời được những câu hỏi đó để thực sự biến thể thao thành một cỗ máy kiếm tiền.

Khó kiếm tiền vì trọng thành tích?

Theo chia sẻ của một chuyên gia có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực thể thao, một trong những nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam khó thu hút được các nguồn lực kinh tế là bởi hướng làm cũ. Nhiều người làm thể thao của Việt Nam vẫn duy trì nếp nghĩ chú trọng huấn luyện thể thao thành tích cao, qua đó chú trọng kết quả cuối cùng hơn quá trình thực hiện.

Hướng tư duy "đá đẹp cũng vô ích nếu không có danh hiệu" của bóng đá tồn tại trong suy nghĩ của không ít người làm thể thao thành tích cao. Họ có lý do để lo lắng, bởi số phận mỗi bộ môn thể thao tại địa phương thường khá mong manh. Kết thúc Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Nghệ An đã giải thể 2 bộ môn vì không có thành tích như kỳ vọng. Con số này của Thanh Hóa là 4.

"Ai cũng muốn huấn luyện để vận động viên của mình thi đấu đẹp và cống hiến trong mắt khán giả. Nhưng nếu VĐV thi đấu không hiệu quả, không đạt chỉ tiêu như đã đăng ký thì thầy và trò sẽ bị kiểm điểm, cắt bớt kinh phí đào tạo, thậm chí giải thể bộ môn. Thế nên, cuối cùng tất cả vẫn phải quay về hướng đến thành tích và chỉ tiêu", một huấn luyện viên cho biết.

Khi được gợi ý về mô hình phát triển xã hội hóa kết hợp với thể thao thành tích cao, HLV của một địa phương khác cho biết họ đã nghĩ đến phương án đó. Tuy nhiên, họ lại không tìm được doanh nghiệp muốn đầu tư vào. Mâu thuẫn trong cách nghĩ và làm việc khiến nhiều môn thể thao thành tích cao vẫn chưa thể tìm hướng có nguồn thu.

Đơn ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/the-thao-viet-nam-da-mat-co-hoi-kiem-tien-tu-dau--i697845/