Thể thao Việt Nam hụt hơi tại Olympic Paris 2024

Cơ hội giành huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 càng hẹp sau khi xạ thủ Trịnh Thu Vinh và cua rơ Nguyễn Thị Thật không thể tạo nên bất ngờ. Hiện tại, áp lực rất lớn đang được đặt lên vai lực sĩ Trịnh Văn Vinh.

Cạn dần hy vọng

Đoàn Thể thao Việt Nam sang Pháp tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên. Trải qua các ngày thi đấu, Đoàn Thể thao Việt Nam có 2 cơ hội rõ rệt nhất để tranh huy chương và nằm ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, chung kết 25m súng ngắn thể thao nữ. Đáng tiếc, xạ thủ Trịnh Thu Vinh không có được thành tích huy chương.

Trịnh Thu Vinh không thể giành huy chương tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng

Trịnh Thu Vinh không thể giành huy chương tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng

Tính đến ngày 5/8, Đoàn Thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương nào và chỉ còn lại 2 vận động viên thi đấu ở Olympic Paris 2024 là Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (đua thuyền canoeing).

Cơ hội giành huy chương là vô cùng khó khăn đối với 2 vận động viên này bởi các đối thủ đều được đánh giá cao hơn. Đối với Trịnh Văn Vinh, đây là lần đầu tiên lực sĩ này góp mặt tại Olympics và khả năng giành huy chương là không cao khi anh đã sa sút đáng kể sau án cấm thi đấu dài hạn.

Ngoài ra anh còn dính chấn thương và phải tiêm thuốc giảm đau để thi đấu. Gần nhất tại Asiad 2023, Trịnh Văn Vinh chỉ đạt mức tổng cử 292kg và thành tích tốt nhất của Trịnh Văn Vinh mới đây là 294kg tổng cử, đứng thứ 9 thế giới.

Trong quá khứ, Trịnh Văn Vinh từng giành HCV SEA Games 2017 với tổng cử 307kg. Đặc biệt, tại Asiad 2018, Trịnh Văn Vinh cũng đạt mức tổng cử 299kg. Ở nội dung Trịnh Văn Vinh giành vé tới Pháp đang có 6 vận động viên đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg. Việc mong chờ có huy chương tại Olympic Paris 2024 khó có thể hoàn thành với cử tạ và thể thao Việt Nam.

Tay đua Nguyễn Thị Thật cán đích ở vị trí thứ 73/93 tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty

Tay đua Nguyễn Thị Thật cán đích ở vị trí thứ 73/93 tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty

Cũng giống Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Hương có có lần đầu tiên giành vé tham dự Thế vận hội và là vận động viên Việt Nam cuối cùng tranh tài ở Olympic Paris 2024. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hương là tuyển thủ đầu tiên giành suất chính thức tại một kỳ Olympic cho môn đua thuyền canoeing. Trong quá khứ, Nguyễn Thị Hương từng giành 5 HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó có màn thị uy khó tin khi lấy đủ 3 HCV cá nhân ở các nội dung nữ 200m, 500m và 1.000m thuyền C1.

Trong lần đầu bước ra đấu trường lớn, Nguyễn Thị Hương phải đối đầu với 16 đối thủ rất mạnh ở nội dung C-1 200m môn canoeing. Theo thể thức thi đấu, vòng loại nội dung này diễn ra vào ngày 8/8, bán kết và chung kết ngày 10/8.

Theo đánh giá, Nguyễn Thị Hương có cơ hội cạnh tranh vé vào bán kết nhưng khả năng tranh chấp huy chương là không nhiều khi có 33 tay chèo tham dự, trong đó bộ đôi đến từ Ukraine, Anastasiia Rybachok cao 1m78 và Liudmyla Luzan cao 1m77. Tay chèo người Mỹ Nevin Harrison, đương kim HCV Olympic hiện tại, cao tới 1,75m nhưng vẫn là người thấp nhất trong top 3 Thế vận hội lần trước. Ngoài ra, tay chèo người Canada Katie Vincent từng vô địch thế giới vào năm 2021.

Áp lực ngày càng lớn

Trước thềm Olympic Paris 2024, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam khẳng định, trong quá trình chuẩn bị, tham dự vòng loại cũng như thi đấu tại Olympic Paris 2024 sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư cho HLV, vận động viên tham gia tranh tài. Trong đó, ưu tiên cho các gương mặt chủ lực tập huấn và từng đội tuyển xây dựng phương án cho các huấn luyện viên, vận động viên. Tuy nhiên, việc giành được 1 tấm huy chương là vô cùng khó.

Cơ hội giành huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 càng hẹp. Ảnh: Getty

Cơ hội giành huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 càng hẹp. Ảnh: Getty

Những nhận định đã trở thành hiện thực khi cơ hội giành huy chương càng hẹp và áp lực cho Đoàn Thể thao Việt Nam càng lớn. Người hâm mộ không thể quá lạc quan khi mục tiêu hướng tới phấn đấu giành huy chương Olympic Paris 2024 càng xa vời. Những niềm hy vọng số 1 như Nguyễn Thị Thật, Trinh Thu Vinh… thi đấu không thành công.

Nhìn lại thực tế, chuyên môn của các vận động viên Việt Nam chưa vượt trội hoàn toàn cũng như không thể vội khẳng định nắm chắc việc giành huy chương Olympic. Trong khi đó, các nội dung của vận động viên Việt Nam giành vé tham dự đều quy tụ những đối thủ mạnh nhất thế giới.

Việc không giành được huy chương tại Olympic Paris 2024 là kết quả không bất ngờ khi đã dự báo được trước. Nhưng áp lực là điều tránh khỏi và sự so sánh lại được đặt lên bàn cân khi nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến hiện tại, Đoàn Thể thao Philippines đã tạo nên cột mốc lịch sử khi giành được 2 HCV ở môn thể dục dụng cụ với cú đúp của Carlos Yulo.

Cùng với đó ở môn cầu lông, đánh bại Lee Zii Jia (Malaysia) trong trận bán kết, đương kim vô địch thế giới Kunlavut (Thái Lan) vào chung kết nội dung đơn nam, cầm chắc tấm HCB. Nếu giữ vững phong độ, anh có thể giành tấm HCV đầu tiên cho đất nước chùa vàng. Ở nội dung đơn nữ, tay vợt người Indonesia, Gregoria Mariska Tunjung giành HCĐ - đây là tấm huy chương đầu tiên của Đoàn Thể thao Indonesia ở Thế vận hội 2024.

Tại Olympic Tokyo 2020, trong khi Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào thì đoàn Philippines có 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, xếp hạng 50. Thái Lan có 1 HCV, 1 HCĐ, xếp hạng 59. Malaysia giành 1 HCB, 1 HCĐ đứng ở vị trí 74 bảng xếp hạng chung cuộc.

Nhiều khả năng kết quả của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 sẽ "trắng tay" giống như Olympic Tokyo 2020. Đây là bài học để ngành thể thao Việt Nam nhìn nhận và đánh giá lại sự đầu tư cũng như chiến lược. Thay vì tập trung cho SEA Games và đầu tư dàn trải, ngành thể thao nên đầu tư có trọng điểm, hướng tới các môn đấu có khả năng cạnh tranh huy chương ở Asiad và Olympic.

Hoàng Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-thao-viet-nam-hut-hoi-tai-olympic-paris-2024.html