Thể thao Việt Nam không giành huy chương bằng mọi giá
Dù thể thao Việt Nam phấn đấu giành vị trí trong nhóm đầu SEA Games 31 nhưng nước chủ nhà sẽ không giành huy chương bằng mọi giá. Việt Nam đang phấn đấu cho mục tiêu SEA Games 31 sẽ là một kỳ Đại hội công bằng, fair-play nhất.
Điều tiếng để lại
Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 1959 tại Bangkok (Thái Lan) đến nay đã trải qua 30 kỳ Đại hội. Trong lịch sử tham dự, thể thao Việt Nam mới chỉ 1 lần cán đích ở vị trí nhất toàn đoàn và cũng là lần đầu tiên đăng cai trên sân nhà vào năm 2003 với tổng 346 huy chương, trong đó có 158 HCV, 97 HCB và 91 HCĐ. Con số này gấp 4,78 lần so với kỳ SEA Games chỉ 2 năm trước đó tại Malaysia (chỉ có 33 HCV).
Tại SEA Games 30 ở Philippines vào năm 2019, nước chủ nhà đã cắt giảm nhiều môn, nội dung thi đấu được xem là thế mạnh của các nước để đưa vào nhiều môn là sở trường của họ nhằm bảo đảm cho vị trí nhất toàn đoàn. Còn tại SEA Games 27, trong số 31 môn được Myanmar tổ chức thì có đến 1/3 các môn đặc thù khu vực, bỏ rơi rất nhiều môn Olympic. Trong số các môn đặc thù, quốc gia đăng cai cố gắng vận động thêm 3 nước nữa tham gia để đủ điều kiện tổ chức như môn Chinlone.
Cũng mới đây, nước chủ nhà SEA Games 32 đã công bố 40 môn thi đấu được tổ chức vào cuối năm 2022. Đáng chú ý trong số các môn tranh tài ở SEA Games 32 không có 2 môn Olympic là bắn súng, bắn cung... Được biết, Hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (SEAGF) dự kiến nhóm họp vào tháng 6, khi đó đề xuất thêm bớt các môn thể thao ở SEA Games 32 sẽ được xem xét giải quyết.
“SEA Games 31 phải hoàn thành hiện thực hóa việc thể thao là sân chơi sòng phẳng, công bằng, fair-play để các quốc gia, các VĐV có thể tranh tài khách quan, vô tư và thoải mái… Chắc chắn sẽ không có bất kỳ ngoại cảnh nào tác động, huy chương mà VĐV giành được phải là thực chất của VĐV” - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.
Để có thành tích cao, các nước chủ nhà tổ chức SEA Games luôn tìm mọi cách hạn chế sức mạnh của đối phương, đặt ra nhiều quy định thi đấu trái khoáy nhằm có lợi cho mình, dẫn đến điều tiếng không hay về ngày hội thể thao lớn nhất trong khu vực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến SEA Games chưa thể nâng tầm trở thành một giải đấu chuyên nghiệp với các môn thi đấu Olympic.
"Các VĐV thi đấu thường bức xúc vì bị xử ép từ nước chủ nhà. Tôi và các đồng đội thi đấu muốn chứng tỏ năng lực của mình để đạt được thành tích cao, chắc chắn không mong muốn bị can thiệp một cách thô bạo từ nhiều phía. Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà và hướng đến 1 kỳ “sáng, xanh, sạch, đẹp”, chắc chắn sẽ là sân chơi hứa hẹn cho tôi và các vận động viên” – VĐV điền kinh Đinh Thị Bích chia sẻ.
Không giành huy chương bằng mọi giá
SEA Games 31 diễn ra với 40 môn thi đấu với 526 nội dung, trong đó phần lớn môn thi đấu có trong hệ thống Olympic như: Bơi lội, bắn súng, bắn cung, xe đạp, quyền anh, TDDC, đấu kiếm… Ban Tổ chức lựa chọn các môn thi đấu có trong hệ thống Olympic là một chủ trương hết sức đúng đắn, vì sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á. Dù điều này mang đến khó khăn cho thể thao Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội để tiến nhanh hơn tới đấu trường ASIAD và Olympic.
Trong tổng số 522 bộ huy chương, các chuyên gia dự đoán thể thao Việt Nam có thể sẽ giành tối thiểu 160 HCV khi có thế mạnh ở những bộ môn như: Điền kinh, đấu kiếm, thể dục, vật... không quá khó để thể thao Việt Nam giành vị trí đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 31.
Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, qua khảo sát từ SEA Games 30 trở về trước chưa có nước chủ nhà tổ chức hết các môn thi đấu trong hệ thống Olympic cũng như Asiad. Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành vị trí trong nhóm đầu nhưng trong điều kiện tổ chức công bằng, SEA Games là bước đà, chuẩn bị cho Asiad vào tháng 9 tới.
“Việt Nam sẽ hướng đến một kỳ SEA Games công bằng, fair-play nhất trong lịch sử. Trong những cuộc họp trưởng đoàn các nước bàn về tổ chức các môn thi đấu, không có bất cứ quốc gia nào ý kiến về việc tổ chức các môn thi đấu của Việt Nam, dù những cuộc trước đó đã bàn rất căng thẳng về vấn đề này. Trên cơ sở nhận diện, Việt Nam gần như sẽ đi đầu và chỉ đạo không lấy huy chương bằng mọi giá, tức là không sử dụng bất cứ một kỹ thuật gì liên quan đến quá trình tổ chức trận đấu, kể cả công tác trọng tài ” – ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.
Đề ra mục tiêu và hoàn thành mục tiêu là điều mà tất cả các nước tham dự đều hướng đến, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này đôi với thể thao Việt Nam là tổ chức một kỳ Đại hội thành công đúng nghĩa, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các VĐV. Đây cũng là cơ sở để các VĐV sẵn sàng tâm lý bước vào thi đấu đạt thành tích cao, mang lại niềm vui cho người hâm mộ.
Lễ rước và châm ngọn đuốc tại Lễ khai mạc SEA Games 31 bao gồm 10 cái tên ấn tượng của thể thao Việt Nam: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng – 1 HCV, 1 HCB Olympic Rio 2016), Trần Hiếu Ngân (taekwondo – HCB Olympic 2000), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ - HCB Olympic 2008), Nguyễn Thúy Hiền (wushu – HCV SEA Games), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội – HCV SEA Games), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa - vô địch Asiad 2018), Lê Tú Chinh (điền kinh – HCV SEA Games), Quách Thị Lan (điền kinh – HCV Asiad 2018), Lê Thanh Tùng (TDDC – HCV SEA Games), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ - HCĐ Olympic 2012).
Trong đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người châm đuốc, kiếm thủ Vũ Thành An cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam và kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sẽ thay mặt các VĐV đọc tuyên thệ tại lễ khai mạc SEA Games 31
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-thao-viet-nam-khong-gianh-huy-chuong-bang-moi-gia.html