Thể thao Việt Nam miệt mài đi tìm vé dự Olympic Paris 2024
Sau Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19), Thể thao Việt Nam tiếp tục đi tìm những tấm vé tham dự Olympic Paris 2024.
Giành vé dự Olympic là rất khó khăn
Khép lại Asiad 19, Thể thao Việt Nam giành 27 huy chương (trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ), xếp hạng thứ 21. Đây là thành tích đạt chỉ tiêu đề ra so với trước ngày lên đương, nhưng Thể thao Việt Nam vẫn còn đó những vấn đề và điều phải cải thiện để hướng tới các mục tiêu ở tương lai, trong đó có Olympic Paris 2024.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thể thao Việt Nam giành được 3 suất chính thức đến Pháp dự Olympic 2024 ở các môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Đây là con số khiêm tốn so với thực lực ở các giải đấu trước đó cũng như mục tiêu của Thể thao Việt Nam khoảng 10 suất tham dự.
Danh sách và số lượng các VĐV giành vé tham dự Olympic Paris 2024 sẽ được chốt vào khoảng tháng 4/2024. Đây là khoảng thời gian không còn dài để Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đề ra, điều này đồng nghĩa các VĐV phải căng mình để thi đấu giành các suất chính thức đến với nước Pháp. Trong tháng 10/2023, Thể thao Việt Nam có cơ hội để hướng tới mục tiêu khi Giải bơi, lặn vô địch quốc gia 2023 được Liên đoàn Thể thao dưới nước quốc tế (FINA) công nhận đủ điều kiện xét chuẩn Olympic Paris 2024 đối với thành tích thi đấu của vận động viên môn bơi.
Tuy nhiên, trước sự vượt trội của các đối thủ đến từ nhiều quốc gia, đội tuyển bơi Việt Nam thi đấu không đạt được thành tích tốt như mong chờ. Cụ thể, nội dung bơi 100m tự do nữ dù giành HCV của VĐV Nguyễn Thúy Hiền (Quân đội) với thành tích 57 giây 12 nhưng kém so với chuẩn A Olympic tới 3,51 giây. Trong khi đó, nội dung bơi 100m tự do nam, nam thần Hoàng Quý Phước cũng giành HCV nhưng không thể đạt chuẩn A với thành tích 50 giây 61 (chuẩn A là 48 giây 34). Ngoài ra, tên đường bơi 400m hỗn hợp nam, em trai của Nguyễn Thị Ánh Viên là Nguyễn Quang Thuấn (Quân đội) cũng giành HCV với thành tích 4 phút 19 giây 28 nhưng chưa đạt chuẩn A là 4 phút 12 giây 50).
“Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn tiếp tục kỳ vọng, nhưng để đoạt vé dự Olympic là rất khó khăn. Niềm hy vong lúc này được chờ đợi vào tấm vé thứ hai dự Olympic 2024 của Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung sở trường 1.500m tự do nam” - Phụ trách môn bơi Cục TDTT (Bộ VHTT&DL) Lê Thanh Huyền cho biết.
Ở môn trọng điểm như bắn súng vẫn mòn mỏi chờ đợi, dù VĐV Phạm Quang Huy mới giành tấm HCV tại Asiad 19 nhưng thành tích mới nhất tại Giải vô địch châu Á 2023 mới đây chỉ xếp thứ 9 và không thể lọt vào danh sách những VĐV xuất sắc nhất bước vào thi đấu chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Nỗ lực ở từng bộ môn
Những môn thể thao Việt Nam có thể giành vé tham dự Olympic hiện nay phải kể đến như: Cầu lông, đua thuyền, taekwondo, boxing, rowing…. Trong đó, rowing vẫn nhận được sự kỳ vọng lớn. Cụ thể, đội đua thuyền rowing Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị chuyên môn để dự giải có tính kết quả tranh vé Olympic khi tham dự các giải đấu trong tháng 12 tới cũng như đầu năm 2024. Mục tiêu của toàn đội đặt ra là giành ít nhất 1 suất chính thức đến Paris 2024. Đây là mục tiêu có thể đạt được khi thành tích tại Asiad 19 vừa qua của đội đua thuyền rowing Việt Nam đã đạt được ở mức tiệm cận với đạt chuẩn Olympic.
Ngoài ra, đội tuyển bơi lội sẽ tiếp tục tranh tài trong tháng 11, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sẽ dự giải vô địch nhóm tuổi trẻ châu Á 2023 ở Philippines, và nếu đạt được thể lực tốt nhất thì kình ngư này sẽ giành chuẩn A Olympic. Ở môn cầu lông, gương mặt của cầu lông Việt Nam kỳ vọng sớm có suất dự Olympic là tay vợt Nguyễn Thùy Linh. Với điểm cá nhân và vị trí đang an toàn trong tốp 20 thế giới, gần như chắc chắn Nguyễn Thùy Linh sẽ được góp mặt tại Pháp.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, hiện Thể thao Việt Nam vẫn đang tìm cơ hội giành suất Olympic trong các môn quan trọng khác như điền kinh, thể dục dụng cụ, boxing, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo. Trong đó, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sẽ kết thúc các giải tranh suất Olympic Paris 2024 vào ngày 30/6/2024. Điền kinh Việt Nam không giành được suất chính thức nào từ kết quả thi đấu SEA Games 32 và Asiad 19, điều này buộc các tuyển thủ phải nỗ lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024. Cũng trong năm 2024, cử tạ Việt Nam sẽ thi đấu giải vô địch châu Á (tháng 2, tại Uzbekistan) và World Cup (tháng 4, tại Thái Lan) để tích thêm điểm tranh suất Olympic. Ở môn boxing, phải đến đầu năm 2024, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số tay đấm khác mới có thể dự 2 lượt vòng loại Olympic: Vòng đầu (tháng 2, tại Italia) và vòng hai (tháng 3, tại Thái Lan) để tranh vé chính thức đến Paris 2024.
“Thực tế hiện nay rất khó để Thể thao Việt Nam giành 20 suất trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024, nhưng mục tiêu có được 10 suất là hoàn toàn khả thi. Các HLV, VĐV vẫn đang nỗ lực tập luyện, phấn đấu để giành vé góp mặt ở Olympic Paris 2024” – ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-thao-viet-nam-miet-mai-di-tim-ve-du-olympic-paris-2024.html