Thể thao Việt Nam năm 2021: Những điểm sáng trong một năm 'âm u'

Năm 2021 được xem là một năm nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, thể thao cũng phải đón nhận những tác động nặng nề khi SEA Games 31 buộc phải lùi thời điểm tổ chức, nhiều giải đấu thể thao trong và ngoài nước buộc phải hoãn/hủy, các kế hoạch gần như phải đóng băng…

Thế nhưng, dù gặp phải nhiều khó khăn kéo dài gần như cả năm, ngành thể thao Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận góp phần chung vào công cuộc phòng, chống dịch của cả nước cũng như tạo ra những bước tiến nhất định tăng vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

1. Những quyết định kịp thời góp phần chung vào công tác phòng, chống dịch

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho các giải đấu trong và ngoài nước không thể tiến hành theo kế hoạch. Dù vậy, việc tập trung VĐV tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia vẫn cần được duy trì.

VĐV được đảm bảo môi trường tập luyện an toàn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp

VĐV được đảm bảo môi trường tập luyện an toàn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp

Để đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV tập luyện, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT đã nhanh chóng có các văn bản, công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với VĐV, HLV, thực hiện nghiêm các quy định về 5K trong quá trình tập huấn và sinh hoạt của VĐV tại Trung tâm; đồng thời tiến hành đăng ký với Sở Y tế địa phương để các công chức, viên chức, người lao động, VĐV, HLV sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Các đơn vị cũng được yêu cầu tăng cường dọn dẹp vệ sinh, tổ chức phun thuốc diệt khuẩn, cấp phát khẩu trang cho người lao động và trang bị nước rửa tay diệt khuẩn tại các khu vực công cộng. Tổng cục TDTT yêu cầu các Vụ, đơn vị báo cáo nhanh tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về Văn phòng Tổng cục để kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, nhằm vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân lựa chọn những phương pháp, hình thức phù hợp tích cực cho việc tập luyện TDTT, Bộ VHTTDL đã giao Tổng cục TDTT tiến hành xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn tập luyện với chủ đề "Cả nhà tập ngay - đánh bay Covid" được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, giúp cho nhân dân được tiếp cận đa dạng các loại hình tập luyện một cách nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo an toàn và tập luyện đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình cá nhân, tập thể, doanh nghiệp điển hình tiên tiến về cách thức tổ chức tập luyện TDTT khoa học, hiệu quả và thiết thực; khuyến khích việc đưa kết quả phong trào TDTT là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.

2. Quách Thị Lan làm nên lịch sử tại Olympic

Quách Thị Lan ở bán kết nội dung 400m vượt rào (Ảnh: Reuters)

Quách Thị Lan ở bán kết nội dung 400m vượt rào (Ảnh: Reuters)

Là một trong số những VĐV đại diện cho Việt Nam tham dự đại hội thể thao lớn nhất thế giới, Quách Thị Lan đã làm nên lịch sử khi trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam vào bán kết Olympic (nội dung 400m rào). Thậm chí, nữ tuyển thủ người dân tộc Mường này còn là đại diện duy nhất của Thể thao Đông Nam Á lọt vào bán kết một nội dung ở môn điền kinh Olympic Tokyo 2020.

Dù vậy, trước những đối thủ rất mạnh ở cùng lượt chạy, Quách Thị Lan đã không thể có cơ hội cạnh tranh huy chương, cô gái của Việt Nam chỉ đạt thành tích 56 giây 78, xếp ở vị trí thứ 6 trong tổng số 8 VĐV tham gia tranh tài tại vòng Bán kết nội dung 400m vượt rào nữ.

3. Bóng đá Việt Nam và những bước tiến mạnh mẽ

Mở đầu cho chuỗi thành tích đáng nể của bóng đá Việt Nam trong năm 2021 là việc tuyển bóng đá nam Việt Nam giành quyền vào vòng loại 3 World Cup 2022. Sau 8 trận đấu tại vòng loại 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam đã lần lượt loại những đối thủ cạnh tranh gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, giành được 17 điểm và đứng nhì bảng G, trở thành là 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để giành vé đi tiếp.

Tuyển Việt Nam giành quyền vào vòng loại 3 World Cup 2022 (Ảnh: VFF)

Tuyển Việt Nam giành quyền vào vòng loại 3 World Cup 2022 (Ảnh: VFF)

Tại vòng loại 3, với tư cách là đội chủ nhà của 5 trong tổng số 10 lượt trận, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 trận đấu trên sân nhà lần lượt trước Australia, Nhật Bản và Arabia Saudi đảm bảo tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch. Trong đó, 2 trận đấu gặp Nhật Bản và Arabia Saudi, sân Mỹ Đình đã đón tiếp khoảng 12.000 khán giả đến sân theo dõi, cổ vũ cho đội nhà.

Sau thành công của tuyển bóng đá nam, tuyển Futsal Việt Nam cũng mang về tin vui khi lần thứ 2 dự FIFA futsal World Cup. Tại đây, với sự tiến bộ vượt bậc từ kỳ World Cup 2016, tuyển futsal Việt Nam đã liên tiếp đánh bại những đối thủ mạnh để lọt vào vòng 16 đội trước khi dừng bước trước tuyển Nga.

Ở giải đấu năm nay, tuyển Futsal Việt Nam đã ghi bàn trong tất cả các trận đấu, với tổng cộng 7 bàn thắng và để thủng lưới 15 bàn.

Không chịu thua những người đồng nghiệp nam, tuyển bóng đã nữ Việt Nam cũng đã giành quyền vào VCK Asian Cup 2022 sau khi đè bẹp đối thủ ở vòng loại với trận thắng 16-0 Maldives và 7-0 Tajikistan.

Tại VCK, theo kết quả bốc thăm, tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng C, gặp các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar. Bốn đội lọt vào bán kết có suất dự World Cup, các đội thua tại tứ kết thi đấu play-off. Mục tiêu của tuyển nữ Việt Nam là lọt vào top 5 của giải đấu, qua đó giành vé dự World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand.

4. Chuẩn bị tốt cho SEA Games 31

Dù phải lùi lịch tổ chức sang năm 2022 do ảnh hưởng của dịch, nhưng SEA Games 31 vẫn được xem là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của thể thao Việt Nam. Trong năm 2021, ngành thể thao dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL đã tích cực chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực.

Báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc cuối tháng 12 vừa qua, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, cơ sở vật chất phục vụ cho các hạng mục thi đấu của Đại hội về cơ bản đang được sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện theo đúng tiến độ. Các nhà thầu cam kết bàn giao kịp thời gian mà ban tổ chức quy định.

Đối với công tác chuyên môn, 40 môn thể thao dự kiến nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội đã xây dựng xong khung điều lệ và kế hoạch tổ chức giải đấu theo hai phương án là tập trung và phương án dự phòng (để ứng phó kịp thời trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á).

Ông Trần Đức Phấn cho biết, trong cuộc họp Hội đồng các Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia thành viên đều có chung quan điểm ủng hộ Việt Nam tổ chức kỳ SEA Games 31 và bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm đưa ra các kịch bản, yêu cầu, quy định về công tác phòng chống dịch khi các đoàn tham dự Đại hội. Từ đó, mỗi quốc gia tham dự sẽ chủ động xây dựng được các kế hoạch chuẩn bị về lực lượng, công tác y tế...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, công tác tổ chức SEA Games 31 là một sự kiện quốc tế lớn mang ý nghĩa chính trị, xã hội cao. Do vậy, tập thể cán bộ của ngành TDTT cần đoàn kết, sử dụng nguồn lực hiện có từ vật chất đến yếu tố con người hãy nỗ lực với tinh thần cao nhất nhằm chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho SEA Games 31.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các thành viên trong ban tổ chức (cụ thể là Tổng cục TDTT) phối hợp cùng Hà Nội (địa phương đăng cai chính) tổ chức lễ khai, bế mạc SEA Games ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Bạch Dương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/the-thao-viet-nam-nam-2021-nhung-diem-sang-trong-mot-nam-am-u-20220101012920028.htm